Có bao nhiêu đại học còn dạy thống kê và xác suất?

09/11/2019 06:25
Thạc sĩ Trần Nguyên Hào
(GDVN) - Theo chúng tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa kiến thức Thống kê và xác suất vào chương trình phổ thông mới lớp 2 là quá sớm.

Thông tin Phó giáo sư – Tiến sĩ Ngô Hoàng Long, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới gần đây chia sẻ trên báo chí về việc Thống kê và xác suất được xác định là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới và được đưa ngay vào chương trình tiểu học lớp 2 đã gây xôn xao dư luận và nhận được nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi cả trên báo chí lẫn ngoài cộng đồng xã hội.

Không ít giảng viên, giáo viên đã phản đối việc đưa kiến thức thống kê và xác suất vào chương trình phổ thông mới lớp 2 như thầy Chế Quốc Long, giảng viên Trường Sư phạm kỹ thuật Hồ Chí Minh cho rằng: 

“Môn này ngay cả sinh viên đại học còn học rất khó khăn. Với đứa trẻ 7 tuổi, tuổi để chơi chứ đâu phải vùi đầu vô học. 

Trẻ con hiện nay đã bị ép học quá sức với chương trình nặng nề, quá tải, thiên về nhồi nhét kiến thức, giết chết sáng tạo, làm cho trẻ em không thể suy nghĩ độc lập”. 

“Nhiều vị phụ huynh có con đang hoặc chuẩn bị học tiểu học đã rất quan tâm và băn khoăn. 

Nhiều ý kiến cho rằng chương trình học của cấp tiểu học đang khá nặng, thêm với xác suất thống kê thực sự rất khó, mang xuống dạy cho học sinh lớp 2 vốn chưa hoàn thiện khả năng ngôn ngữ thì quá sức với các em”[1]; trẻ lớp 2 không thể tiếp thu môn học dành cho người lớn như vậy. 

Thậm chí có người còn cho rằng: “bắt” học sinh lớp 2 học Thống kê và xác suất là làm “hại não các cháu”, “là ép trái non chín sớm”.

Trong chương trình mới, từ lớp 2 học sinh sẽ được học xác suất, thống kê. (Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)
Trong chương trình mới, từ lớp 2 học sinh sẽ được học xác suất, thống kê. (Ảnh minh hoạ: Tienphong.vn)

Trước khi bàn về vấn đề này, người viết muốn kể lại những “trải nghiệm” của mình khi được tiếp thu kiến thức về xác suất và thống kê thời còn đi học. 

Là người đã tốt nghiệp Trung học phổ thông cách đây hơn 30 năm, người viết vẫn còn nhớ rằng bản thân chưa từng được học kiến thức thống kê và xác suất

Khi vào đại học, học ngành chính trị học thì lại được học môn Xác suất và thống kê (bây giờ hầu hết các trường đại học đã cắt môn này trong chương trình đào tạo cử nhân khoa học xã hội nhân văn). 

Thật sự ngày ấy hầu như sinh viên lớp tôi đều không hứng thú với học này bởi thầy giáo chỉ “dạy chay”, đến như ví dụ về gieo đồng xu cũng chỉ được thực hành bằng tưởng tượng qua đôi tay của thầy. 

Lúc đó, việc thực hành ứng dụng các kiến thức thống kê và xác suất vào ngành nghề của chúng tôi trong tương lai là giảng dạy, nghiên cứu khoa học hay làm trong hệ thống chính trị gần như là bằng không.

Kết quả là điểm thi môn xác suất thống kê của hơn nửa sinh viên lớp tôi đều thấp bởi sự không tập trung chú ý lắng của họ chứ không phải độ khó của môn học này trong chương trình học và trong các câu hỏi thi. 

Sau này, trong quá trình công tác ở bậc đại học, quá trình tôi và đồng nghiệp ứng dụng kiến thức thống kê và xác suất vào nghiên cứu khoa học cũng diễn ra một cách tự nhiên chứ không cần phải lục tìm lại sách vở môn học này để đọc lại kiến thức và áp dụng vào thực tiễn. 

Bây giờ, đối với các khảo sát đánh giá phức tạp khi làm đề tài nghiên cứu khoa học, đã có các phần mềm ứng dụng đầy tiện ích, chỉ cần học cách sử dụng là chúng tôi có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra.

Dạy xác suất thống kê từ lớp 2 không có gì đáng lo ngại
Dạy xác suất thống kê từ lớp 2 không có gì đáng lo ngại

Trở lại bàn về vấn đề trên, để trả lời cho câu hỏi liệu có phải Học sinh lớp 2 không cần thiết học kiến thức Thống kê và xác suất hay Sẽ là có quá tải, thậm chí sẽ là “hại não” khi “bắt” học sinh lớp 2 phải học mảng kiến thức toán này như nhiều phụ huynh và cả một số giáo viên, giảng viên đã lên tiếng hay không, có lẽ cần phải có một sự phân tích, đánh giá đầy đủ hơn từ phía các nhà giáo dục và sự giải trình cụ thể hơn, rõ ràng hơn từ phía các chuyên gia tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa.. 

Bởi cách nêu lý do đưa môn học này vào chương trình phổ thông mới ngay từ lớp hai từ Phó giáo sư Ngô Hoàng Long - giảng viên cốt cán được tập huấn chương trình giáo dục phổ thông là chưa thật sự thuyết phục. 

Khi giảng viên này cho rằng “việc có kiến thức về thống kê và xác suất sẽ giúp học sinh có nhận thức và khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn hơn”;“qua lĩnh hội từ các thành viên ban xây dựng chương trình môn Toán mới, thống kê và xác suất được xác định là một trong ba mảng kiến thức quan trọng của môn học này.

Chương trình môn Toán ở chương trình phổ thông mới được tổ chức lại thành 3 mạch kiến thức chính, gồm: Đại số và một số yếu tố giải tích; Hình học và đo lường; Thống kê và xác suất (đặc biệt chú trọng nội dung thống kê)” [2]; “trước đây thống kê được dạy một chút ở lớp 4 và 5, lên cấp trung học cơ sở học sinh được học ở lớp 7 và cấp trung học phổ thông là ở lớp 10. 

Còn xác suất chỉ xuất hiện trong chương trình lớp 11”[2];  “về chương trình thống kê, ở lớp 2, học sinh sẽ làm quen với biểu đồ tranh. Ví dụ trong bức tranh cụ thể, có bao nhiêu bông hoa, cái bút,... Rồi phân biệt có bao nhiêu bút xanh, bao nhiêu bút đỏ,... Tức là từ những thao tác thống kê kiểm đếm rất đơn giản.”[2] 

Qua tìm hiểu thêm, tôi được biết mục đích của chương trình môn xác suất thống kê ở bậc tiểu học là “giúp học sinh có những kiến thức và kĩ năng toán học cơ bản ban đầu, thiết yếu về thống kê và xác suất như biết một số yếu tố thống kê và xác suất đơn giản; giải quyết một số vấn đề thực tiễn đơn giản gắn với một số yếu tố thống kê và xác suất”[3]  

Nội dung yêu cầu cần đạt được của Thống kê và xác suất trong chương trình phổ thông mới lớp 2 mới được mô tả như dưới đây:

Theo quan điểm của người viết, đúng là kiến thức Thống kê và xác suất đã được ứng dụng rộng rãi trong nghiên cứu khoa học và trong cuộc sống, đặc biệt là trong phân tích, dự báo, đánh giá về kinh tế; các lĩnh vực khoa học tự nhiên và xã hội đều sử dụng kiến thức của môn học này. 

Chương trình mới học sinh tiểu học sẽ học mấy buổi/ngày?
Chương trình mới học sinh tiểu học sẽ học mấy buổi/ngày?

Kiến thức Thống kê và xác suất là rất cần thiết cho những công dân tương lai tự tin bước vào kỷ nguyên số.

Nên việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa kiến thức Thống kê và xác suất vào chương trình đào tạo mới với mục đích có tính định hướng về chiến lược con người như trên là một bước cải tiến, là sự "ghi điểm" của Bộ. 

Tuy nhiên, theo tôi, việc đưa mảng kiến thức toán này vào dạy cho trẻ ngay từ lớp 2 là quá sớm và chưa thực sự cần thiết, bởi các lý do sau:

Thứ nhất, trẻ lớp 2 mới chỉ bắt đầu biết đọc, biết viết chưa thật thông thạo; ngôn ngữ của các em chưa phát triển đầy đủ. 

Về điều này, thầy Lê Đức Vĩnh - nguyên Tổ trưởng tổ Toán, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trả lời trên báo Dân Việt cho rằng: 

''Ở lứa tuổi này, khả năng ngôn ngữ của các em chưa hoàn thiện, việc đưa các câu hỏi như tung một đồng xu thì sẽ có khả năng rơi ra mặt nào… thì tôi cho là hơi khiên cưỡng đối với khả năng của các em học sinh lớp 2.

Theo tôi, tốt nhất nên để học sinh lớp 7, lớp 8, các em thạo về ngôn ngữ mới bắt đầu tiếp xúc với bộ môn này sẽ chuẩn hơn''.[4] 

Mặt khác, học sinh lớp hai cũng chưa thông thạo các phép tính cộng trừ nên sẽ khó khăn cho các em khi thực hành các bài tập về thống kê và xác suấtdù là đơn giản và gần gũi với cuộc sống.

Thứ hai, về mặt tâm lý lứa tuổi, trẻ lớp 2 rất năng động, thích quan sát, khám phá thế giới xung quanh và thích trải nghiệm để rút ra các nguyên lý, quy tắc, những điều hiển nhiên hơn là ngay từ đầu phải ghi nhớ ngay những vấn đề có tính quy luật ấy. 

Vì vậy, việc đưa kiến thức Thống kê và xác suất dạy ngay cho học sinh lớp 2 là không phù hợp với các em. Hơn nữa các trường tiểu học hiện nay rất thiếu các đồ dùng học tập, dụng cụ, thiết bị thí nghiệm; đồng thời giáo viên tiểu học từ trước đến nay chưa được làm quen nhiều với kiến thức Thống kê và xác suất nên sẽ gây khó khăn trong quá trình dạy và học.

Thứ ba, các kiến thức về Thống kê và xác suất đơn giản thực ra đã được học sinh lớp 2 nói riêng, học sinh tiểu học nói chung tự thu nhận, tự rút ra cho mình một cách tự nhiên trong cuộc sống gia đình, trong quá trình học tập ở nhà trường;

Hay thông qua các phương pháp giảng dạy phát huy năng lực, các kỹ năng sống trong đó có kỹ năng tư duy, giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm của các em hay trong quá trình được đi thực tế, trải nghiệm ngoài trường. 

Thậm chí học sinh đã có thể thu nhận được một số kiến thức và thực hành được một số kỹ năng gần gũi, liên quan đến Thống kê và xác suất ở môn toán.

Theo chúng tôi, Bộ đưa kiến thức Thống kê và xác suất vào chương trình phổ thông mới lớp 2 là quá sớm.

Nếu mảng kiến thức toán này không được sàng lọc kỹ càng và không được trình bày phù hợp, hấp dẫn với học sinh lớp 2. 

Và nếu giáo viên không được tập huấn phương pháp giảng dạy Thống kê và xác suất một cách chuyên sâu, đầy đủ thì sẽ là sức ép lớn đối với học sinh về cả thời lượng học tập và kiến thức, kỹ năng cần phải lĩnh hội. 

Kiến thức nào cũng cần thiết với người công dân toàn cầu, nhất là kiến thức quan trọng Thống kê và xác suất trong kỹ nguyên số nhưng nếu ép bộ óc non nớt của trẻ gánh vác nhiệm vụ của bộ óc người trưởng thành sẽ là điều phản giáo dục. 

Tài liệu tham khảo:

1. https://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2972352/dua-xac-suat-thong-ke-vao-chuong-trinh-toan-lop-2-co-can-thiet

2. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hoc-sinh-hoc-xac-suat-va-thong-ke-ngay-tu-lop-2-o-chuong-trinh-moi-584629.html

3. https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/hoc-sinh-hoc-xac-suat-va-thong-ke-tu-lop-2-ra-sao-o-chuong-trinh-moi-585058.html

4.http://danviet.vn/tin-tuc/tre-em-lop-2-du-kha-nang-hoc-xac-suat-thong-ke-hay-chua-1029206.html

Thạc sĩ Trần Nguyên Hào