Có người dùng quyền uy để định hướng cho các nhà trường chọn sách giáo khoa?

14/02/2020 06:00
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Trên danh nghĩa vẫn có thể là các trường sẽ thành lập Hội đồng chọn sách giáo khoa nhưng “điểm đến” vẫn chỉ là 1 bộ sách giáo khoa cụ thể đã được định hướng.

Theo lộ trình, bắt đầu từ năm học 2020-2021 là chương trình, sách giáo khoa mới của lớp 1 sẽ được đưa vào thực hiện. Tuy nhiên, theo hướng dẫn hiện hành thì năm học tới đây các trường học sẽ tự chọn sách giáo khoa và từ năm học 2021-2022 thì các tỉnh mới đứng ra chọn sách giáo khoa cho địa phương của mình.

Chính vì vậy, theo hướng dẫn hiện hành thì năm học tới đây các trường phải chủ động lựa chọn 1 trong 5 bộ sách giáo khoa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt. Vậy, liệu các nhà trường có thực sự chủ động chọn sách giáo khoa  hay sẽ có sự chia phối, định hướng cho các trường học của địa phương mình?

Việc để các trường tự chọn sách có lẽ khó thành hiện thực (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Việc để các trường tự chọn sách có lẽ khó thành hiện thực (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Rất khó để mỗi trường lựa chọn 1 một bộ sách cho riêng mình.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông qua Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa cho năm học tới được xem là cơ sở để các đơn vị trường Tiểu học trên cả nước thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, thực tế thì chắc chắn các trường sẽ không làm đơn lẻ mà sẽ có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chủ quản và các đơn vị trên cùng địa bàn với nhau.

Khi dùng một bộ sách giáo khoa chung ở cùng một địa phương sẽ dẫn đến những chỉ đạo của cấp Phòng, Sở có nhiều thuận lợi hơn. Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được tháo gỡ kịp thời và thống nhất trên cùng địa bàn toàn tỉnh.

Hơn nữa, việc tập huấn cho các cán bộ quản lý và giáo viên của các nhà trường trên toàn địa bàn tỉnh (thành) sẽ có sự đồng nhất và không phải tổ chức nhiều đợt, nhiều lớp, đỡ đi rất nhiều kinh phí cho địa phương và các nhà trường.

Theo dõi việc chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1 cho năm học tới, chúng tôi nhận thấy nhiều Sở đã và đang phối hợp với các nhà xuất bản để giới thiệu bộ sách giáo khoa mới một cách rất cẩn thận.

Có người dùng quyền uy để định hướng cho các nhà trường chọn sách giáo khoa? ảnh 2Trao toàn quyền lựa chọn sách giáo khoa cho các nhà trường

Chẳng hạn như bộ sách giáo khoa Cánh Diều đã và đang được 2 nhà xuất bản là Nhà xuất bản sư phạm và Nhà xuất bản sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu ở nhiều tỉnh thành một cách có hệ thống ở nhiều tỉnh (thành).

Điều đặc biệt là khi đến các địa phương thì các tác giả là chủ biên các đầu sách giáo khoa- cũng đồng thời là Chủ biên chương trình môn học giáo dục phổ thông mới giới thiệu cặn kẽ về những lợi thế, ưu điểm về bộ sách mà mình làm chủ biên.

Chính lợi thế của những thầy, cô là Chủ biên chương trình môn học giờ đây là chủ biên sách giáo khoa nên khi thuyết trình, giới thiệu, quảng bá về chương trình mới, sách giáo khoa của mình thường rất sâu sắc và tạo được điểm nhấn với các cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo ở các địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những cuốn sách giáo khoa của các nhà xuất bản cũng đã về được đến các nhà trường của một số địa phương từ trước Tết Nguyên đán và giáo viên đã bắt đầu đươc làm quen, tiếp cận dần dần.

Địa phương nào “nhắm đến” một bộ sách nào là các trường học trên địa bàn có chung bộ sách đó. Vì thế, việc các trường có thành lập Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa có lẽ cũng chỉ là làm cho khách quan, đúng thủ tục mà thôi.

Các tỉnh sẽ dùng chung sách giáo khoa

Mặc dù hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là để các nhà trường tự lựa chọn sách giáo khoa và các hiệu trưởng sẽ là người quyết định chọn sách giáo khoa cho trường mình trong năm học tới đây.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các địa phương sẽ không làm như vậy.

Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mà Bộ đã thẩm định và phê duyệt để đưa vào thực hiện vào năm học 2020-2021 thì các phòng chức năng của các Sở Giáo dục sẽ lựa chọn 1 bộ sách giáo khoa cho địa phương mình và Sở sẽ “định hướng” ngầm cho các Phòng Giáo dục và các Ban giám hiệu nhà trường.

Có người dùng quyền uy để định hướng cho các nhà trường chọn sách giáo khoa? ảnh 3Bản mẫu sách giáo khoa chỉ là con săn sắt

Vì vậy, trên danh nghĩa vẫn có thể là các nhà trường thành lập Hội đồng chọn sách giáo khoa nhưng “điểm đến” vẫn chỉ là 1 bộ sách giáo khoa cụ thể mà các cơ quan chủ quản ấn định và đã hướng tới cho các đơn vị.

Bởi, vì từ năm học 2021-2022 thì các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành) sẽ quyết định lựa chọn sách giáo khoa cho địa phương mình. Vậy thì, các trường học bây giờ không dại gì mà lại đi chọn sách cho riêng mình để sang năm lại phải quay lại tập huấn lại cho bộ sách mà tỉnh quyết định chọn.

Làm như vậy, không chỉ vất vả cho nhà trường, giáo viên và tất nhiên cũng không được lòng lãnh đạo chủ quản của mình. Hơn nữa, Phòng và Sở Giáo dục cũng không dễ dàng để các trường tự quyết trong vấn đề này.

Bởi, mỗi trường chọn 1 bộ sách, hoặc chọn các đầu sách ưu điểm nhất trong 5 bộ sách sẽ dẫn đến sự manh mún trong quá trình thực hiện và việc chỉ đạo, kiểm tra, tập huấn, thực hiện chương trình mới sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.

Hơn nữa, khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực vào tháng 7 tới đây thì quyền lựa chọn sách sẽ thuộc về các Ủy ban nhân dân tỉnh (thành), quyền tham mưu sẽ là của các Sở Giáo dục.

Vì vậy, việc các Sở định hướng cho các nhà trường trên cùng địa bàn dùng chung một bộ sách giáo khoa cũng là điều cần thiết và có nhiều ưu điểm hơn cho sau này.

Ai cũng biết, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện thì “chương trình” mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là một tư liệu tham khảo cho chương trình nhưng nói gì thì nói, sách giáo khoa vẫn rất quan trọng với giáo viên và học sinh.

Nếu không quan trọng thì các nhà xuất bản không phải vất vả ngược xuôi từ tỉnh này sang tỉnh khác để giới thiệu, quảng bá cho bộ sách của mình.

NGUYỄN CAO