Vinh quang nào tự đến mà không cần nỗ lực? Thành công nào lại không đánh đổi bằng nỗi nhọc nhằn, lòng quyết tâm để vươn lên?
Hoàng Minh Trung (thứ 2 từ trái sang) nhận huy chương bạc kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2019 được tổ chức tại thành phố Szeged, Hungary. (Ảnh nhà trường cung cấp) |
Kết quả càng lớn, sức lực bỏ ra càng nhiều đặc biệt đó là những thành công trong lĩnh vực học tập.
Đằng sau những tấm huy chương quốc tế danh giá không đơn giản chỉ đánh đổi bằng mồ hôi, công sức của cả thầy và trò mà còn là sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ không toan tính thiệt hơn của những người thầy giỏi trên bục giảng hằng ngày.
Hai thầy trò ở lễ trao giải kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế năm 2019 được tổ chức tại thành phố Szeged, Hungary (Ảnh nhà trường cung cấp). |
Những nỗ lực của bản thân
20 năm trước, thầy Lê Hồng Điệp được phân công giảng dạy tại Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 3, Thanh Hóa.
Sau 3 năm dạy trường làng, thầy đã có học sinh đạt giải 3 quốc gia môn Sinh học nên được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa rút về dạy tại Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn.
Thầy kể rằng, khi vào dạy lớp 10 chuyên năm ấy, thầy đã bị đám học sinh đưa nhiều câu hỏi, bài tập khó để “xoay” thầy với mục đích “kiểm tra” kiến thức, năng lực của thầy chủ nhiệm.
Học sinh chuyên là thế, các em có phục, có công nhận thì mới có sự hợp tác tích cực trong học tập.
Thầy đã không bị trò làm khó, thầy cười nói rằng: “Mình cũng có lưng vốn nhất định”.
Và, thầy Điệp đã theo lớp chuyên ấy 3 năm liền liên tục.
Kết quả nhận được trong khóa đầu tiên lên dạy ở trường chuyên là các học sinh trong đội tuyển đều có giải quốc gia, trong đó có cả giải nhất và giải nhì.
Sự hy sinh lặng lẽ
Thầy Lê Hồng Điệp đã trở thành một trong những giáo viên dạy chuyên kỳ cựu của ngôi trường nổi danh cả nước với rất nhiều giải thưởng quốc gia và quốc tế.
Không dừng ở những giải thưởng quốc gia, thầy đã có trong tay khá nhiều giải thưởng quốc tế trong đó có huy chương vàng và huy chương bạc danh giá.
Hai năm gần đây nhất (2018 và 2019) học sinh của thầy trực tiếp giảng dạy đã mang về 2 tấm huy chương vàng và bạc quốc tế môn Sinh học.
Để có được những thành tích như thế này, thầy Chu Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Thầy Điệp cũng như các thầy cô giáo dạy chuyên khác, ngoài tài năng, niềm đam mê còn là sự hy sinh rất lớn đối với các em học sinh”.
Theo nhiều đồng nghiệp chúng tôi được biết, một giáo viên dạy giỏi có tiếng nếu mở lớp ôn thi đại học thì thu nhập hàng tháng đôi khi lên đến dăm chục triệu đồng.
Thế nhưng đối với những thầy cô dạy chuyên thì bao nhiêu thời gian, công sức đều dành hết cho học sinh của mình.
Những giờ không phải lên lớp, phải nỗ lực tự học như tìm kiếm tài liệu, giáo trình để đọc, để nghiên cứu nâng cao kiến thức cho bản thân.
Người thầy dạy chuyên đòi hỏi lượng kiến thức phải dày, phải liên tục cập nhật cái mới.
Ở môi trường chuyên, sự đào thải cũng vô cùng khốc liệt, nếu hằng ngày người thầy không tự học hỏi, tự nâng cao trình độ bản thân sẽ không đủ sức để dạy và hướng dẫn các em học sinh học tập.
Ngoài tài liệu tiếng Việt còn phải tham khảo thêm tài liệu nước ngoài nên tự dịch và tự đọc khá vất vả.
Thầy Điệp cười cho biết, đôi khi những kiến thức mình học, mình sưu tầm cả tuần, nửa tháng nhưng chỉ dạy được vài ba buổi đã hết vốn.
Học sinh chuyên, đặc biệt những học sinh đi thi quốc tế kiến thức đòi hỏi rất cao.
Vì thế, giáo viên phải luôn cập nhật kiến thức mới.
Thầy Điệp nói vui, thời gian đầu mình là thầy của các em, sau là bạn và cuối cùng là học trò của chúng.
Sự tận tụy hết lòng vì học sinh, vì sự nghiệp giáo dục của tỉnh nhà, thầy Lê Hồng Điệp cũng có một “bảng vàng” thành tích mà nhiều thầy cô giáo phải ngưỡng mộ.
Nhiều năm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở và chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.
Thầy được công nhận là công dân gương mẫu năm 2016, công dân kiểu mẫu năm 2018.
Ngoài ra, còn nhận được nhiều bằng khen của Chủ tịch tỉnh, của Trung ương Đoàn, của Thủ Tướng chính phủ về công tác giáo dục và đào tạo học sinh.
Nói về những điều này, thầy Lê Hồng Điệp vẫn luôn khiêm tốn cho rằng có được điều này là may mắn được sống trong một tập thể giáo viên luôn biết giúp đỡ, tương trợ nhau trong công việc.
Đồng thời có được sự lãnh, chỉ đạo quyết liệt nhưng ấm tình người từ cấp trên.
Thầy còn bật mí, không ít đồng nghiệp của mình ở trường còn có nhiều thành tích nổi trội hơn thế.