Dạy trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm khổ thật!

22/04/2020 06:23
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Chắc nhiều bạn đọc tiêu đề của bài thấy bất ngờ, dạy trực tuyến thì giáo viên dạy mới khổ, giáo viên chủ nhiệm mắc mớ gì mà khổ?

Ấy vậy mà thực tế hoàn toàn khác, giáo viên chủ nhiệm khổ thật. 

Cô giáo Mai Hà (đã đổi tên nhân vật) chia sẻ “Từ ngày nhà trường tổ chức dạy trực tuyến, học trực tuyến chúng em cổ như bị nhiều tròng. 

Vừa chuẩn bị bài để mình dạy, vừa phải quản lý, điểm danh, nhắc nhở học sinh vào học trong các tiết mà lớp mình chủ nhiệm học trực tuyến. 

Khổ nhất là đi vận động phụ huynh cho con học trực tuyến. Có nhiều phụ huynh không có máy tính, điện thoại thông minh đành chịu; nhưng cũng có phụ huynh có đủ điều kiện cho con học trực tuyến nhưng kiên quyết không cho con học vì sợ con … bị cận thị. 

Có người còn lý luận “Con tôi ở nhà một mình, giao máy cho nó, nó không học mà chơi điện tử, rồi nghiền luôn, ai chịu trách nhiệm?”. 

Giáo viên dạy trực tuyến rất vất vả. (Ảnh minh hoạ: Baonghean.vn)
Giáo viên dạy trực tuyến rất vất vả. (Ảnh minh hoạ: Baonghean.vn)

Cô giáo Nguyễn Như Ng. chia sẻ “Nhắn tin trên Vnedu phụ huynh không đọc, đành phải gọi báo cho phụ huynh để nhắc con vào học. 

Để gọi báo hết những em chưa vào học, phải cùng vào học với học sinh, điểm danh xem học sinh nào thiếu, cứ thế sau một tháng là mất cái cạc (card) 200.000 đồng”.

Cô giáo Trịnh Th. viết trên Facebook “Cảm ơn học trực tuyến, mình quản học trò mà xuống được hai ký. Nhờ học trực tuyến, không đi tập Gym vậy mà ký vẫn xuống vô tư”. 

Việc giáo viên đi vận động gia đình cho con học trực tuyến có nhiều chuyện dở khóc dở cười; có phụ huynh bảo “Nhà có cái điện thoại, để lại cho con học, tôi đi làm không có điện thoại mang đi được, cô giáo xem có cái đập đá nào cho tôi mượn cái”, thế là giáo viên chủ nhiệm phải làm thêm việc “đi xin điện thoại đập đá cho… phụ huynh”. 

Không thể quy trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm!

Sĩ số học sinh tham gia học trực tuyến thấp, có cán bộ quản lý đã gọi điện “mắng vốn” giáo viên chủ nhiệm.

“Lớp cô chỉ có 12/30 em tham gia học, coi được không? Tại sao các lớp khác tỷ lệ trên 75% mà lớp cô như vậy?

Ý thức trách nhiệm của cô để đâu? Người ta vận động được, sao cô không làm được?”. 

Phần mềm dạy học trực tuyến của người Việt, trải nghiệm của người trong cuộc
Phần mềm dạy học trực tuyến của người Việt, trải nghiệm của người trong cuộc

Có giáo viên chủ nhiệm chia sẻ “thấy điện thoại hiệu trưởng, hiệu phó gọi đến trong giờ học sinh học trực tuyến là “run như cầy sấy”, đầy lo lắng, không bị dương tính Covid-19 mà “sốt, ho, khó thở” luôn”.  

Việc học sinh tham gia học trực tuyến được hay không, có nhiều lý do khách quan; nào là không có thiết bị đầu cuối, đường truyền mạng quá tệ, gia đình không cho con học, học sinh thiếu tinh thần tự học...

Vì vậy không thể gây áp lực, quy trách nhiệm, hạ bậc thi đua, kết luận giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ vì tỷ lệ học sinh học trực tuyến không như mong muốn. 

Làm giáo viên chủ nhiệm vốn dĩ là công việc kiêm nhiệm mà rất nhiều giáo viên không muốn nhận, đặc biệt trong giai đoạn gần đây có hiện tượng “trăm dâu đổ đầu chủ nhiệm”.

Học sinh không đến trường nhưng không nghỉ học, làm được như thế thật tuyệt vời, thế nhưng đòi hỏi sự đóng góp của cả gia đình, xã hội; chứ không thể đổ lên đầu giáo viên chủ nhiệm.

Dịch bệnh rồi sẽ qua mau, những ký ức về một mùa dịch đầy sẻ chia, yêu thương cần có trong mỗi học trò và của mỗi giáo viên; ký ức hạnh phúc sau mùa dịch là động lực cho nhà giáo phấn đấu, cống hiến mới là thành công lớn nhất của nhà quản lý giáo dục sau chương trình dạy trực tuyến đầu tiên trong lịch sử nhà trường. 

Lê Mai