Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

Độc giả hiến kế: "Lập trái phiếu bắt buộc để hạn chế xe cá nhân"

26/04/2012 06:49
Độc giả Chu Sơn Thành
(GDVN) - Theo suy nghĩ của tôi phải khách quan để nói rằng Việt Nam là một nước nghèo, nguồn lực có hạn trong khi phải sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau trong đó có vấn đề giao thông. Do vậy tất cả người dân Việt Nam cũng phải hiểu và thông cảm cho các vị tư lệnh ngành, nhất là các vị Bộ trưởng quản lý các lĩnh vực liên quan nhiều tới cuộc sống người dân như: Giao thông, Y tế, Giáo dục, Công thương, Tài chính...
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012.

Đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến, quan điểm về câu chuyện đề xuất thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ GTVT mới đề nghị đổi tên. 
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải ý kiến của độc giả Chu Sơn Thành với hiến kế lập trái phiếu bắt buộc hạn chế xe cá nhân. Mời bạn đọc cùng theo dõi:
Phải khách quan để nói rằng trong những nhiệm kỳ này nội các Chính phủ xuất hiện một thế hệ tư lệnh ngành có thể gọi là “dám hành động” dũng cảm đối đầu với thực tế cuộc sống (dám nghĩ, dám làm, dám đề xuất và dám chịu trách nhiệm), trong số đó có Bộ trưởng Đinh La Thăng, tư lệnh ngành GTVT.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: Internet.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng. Ảnh: Internet.

Tôi hiểu rằng mong muốn của tư lệnh ngành GTVT là rất nhiều và những mong muốn đó phù hợp với đa số nguyện vọng của người dân Việt Nam, nếu thực hiện tốt sẽ đưa nuớc ta lên một vị thế mới. Tuy nhiên muốn thực hiện được đòi hỏi một nguồn lực rất lớn về tiền bạc, thời gian cũng như công sức của mọi công dân Việt Nam.

Tôi cũng hiểu rằng Bộ trưởng muốn có sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hàng giờ, hàng ngày với những vấn đề giao thông mà ông phụ trách.
Tôi cũng hiểu rằng cái thiếu nhất của Bộ GTVT bây giờ là nguồn lực tài chính. Do vậy ông đã nghĩ ra nhiều biện pháp để huy động nguồn lực tài chính trên cơ sở Nhà nước và nhân dân cùng gánh vác trách nhiệm. Tôi hoàn toàn ủng hộ cách làm đó và đồng ý với hầu hết các hành động của Bộ trưởng như: Thay đổi giờ học, giờ làm; thu phí bảo trì đượng bộ qua đầu phương tiện, đẩy nhanh tiến độ và tăng cường chất lượng các công trình giao thông.

Tuy nhiên đối với chính sách hạn chế xe cá nhân thì tôi ủng hộ về mục tiêu và cách đặt vấn đề còn biện pháp thực hiện thì tôi xin đề xuấ như sau: 
Về vấn đề phí hạn chế phương tiện cá nhân do Bộ trưởng dự định trình Quốc hội và Chính phủ là 500.000 đồng/xe máy/năm, 20 - 50tr đồng/xe ôtô/năm. Trước khi đề xuất ý kiến đóng góp tôi xin nhắc lại  sự kiện đã xảy ra trong quá khứ: 
Đó là công trình đường dây tải điện 500KV Bắc – Nam do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đứng ra khởi xướng, chịu trách nhiệm cá nhân để quyết tâm triển khai và quyết tâm thực hiện với rất nhiều áp lực của các nhà khoa học, người dân... Nhưng khi hoàn thành nó đã thành công rực rỡ trên mọi phương diện được và thế hệ sau ghi nhận.

Trong công trình này, cố Thủ tướng đã có một quyết định rất "quyết đoán" trong thời kỳ đó, đấy là tạo nguồn tài chính bằng trái phiếu bắt buộc đối với tất cả các thành phần kinh tế và công dân (hồi đó gọi là công trái). Sau đó hoàn trả lại đúng thời hạn và đối tượng.
Qua chuyện này tôi xin đề xuất với Bộ trưởng như sau:
Đối với đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân: Đồng ý với các mức thu do Bộ trưởng đề ra 500.000 đồng/xe máy/năm, 20 – 50tr đồng/xe ôtô/năm (thậm chí cao hơn cũng được) nhưng thay vì đề án thu phí (Nhà nuớc thu không hoàn lại của các đối tượng liên quan) thì nên chuyển thành đề án Trái phiếu bắt buộc hạn chế xe cá nhân (Nhà nước thu và hoàn lại cho các đối tượng liên quan sau 5 năm, 10 năm, 15 năm... với lãi suất tượng trưng hoặc 0%) với các lý do sau đây:
- Người dân Việt Nam thu nhập còn thấp, hiện phải chịu nhiều loại phí, thuế nên nếu thu tiếp khoản phí này sẽ gặp nhiều phản đối, còn nếu cho Nhà nước vay để đầu tư phục vụ cho cuộc sống của họ thì phần lớn sẽ ủng hộ.

- Ngân sách Nhà nước sẽ có khoản vay từ nguời dân có lãi suất 0% hoặc thấp hơn mức vay vốn ODA ưu đãi nhất mà Việt Nam nhận được từ nước ngoài để đầu tư cho đất nước phát triển.

- Sau khi thực hiện thí điểm ở các thành phố lớn và đối tượng hạn chế có thể mở rộng hơn ở các địa phương và chủng loại xe khác dễ dàng hơn.

- Lòng tự hào dân tộc của mỗi người dân Việt Nam sẽ được tiếp tục nâng lên khi hàng ngày mình đi trên những con đường, những cây cầu có một phần công sức của mình góp vào. Điều này làm tôi liên tưởng tới việc những công dân Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam gửi tiền về cho Chính phủ Hàn Quốc vay không thời hạn, lãi suất 0% khi đất nước họ gặp khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Rất mong Bộ trưởng Đinh La Thăng, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan báo đài xem xét và cùng bình luận để có quyết sách hợp lý trong vấn đề phát triển giao thông và chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông!

Mọi ý kiến đóng góp của độc giả xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.


Độc giả Chu Sơn Thành