Gian lận kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đang được dư luận đặc biệt quan tâm khi những vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử.
Tuy nhiên, những băn khoăn, lo ngại về việc bỏ lọt tội phạm được đặt ra không chỉ trong dư luận mà còn nóng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại nếu để các vụ án gây bức xúc dư luận để địa phương làm.
Không chỉ Sơn La, tốt nhất là trung ương xử lý cả vụ gian lận điểm ở Hà Giang |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương bày tỏ đồng tình và cho rằng cần thiết phải đưa những vụ án gây bức xúc dư luận, sai phạm rất nghiêm trọng như gian lận kỳ thi quốc gia 2018 để trung ương làm.
Ông Ngô Văn Sửu cho rằng: “Đưa vụ án nào về trung ương hay để địa phương làm tùy thuộc vào tính chất, mức độ vụ việc.
Trong vụ án gian lận thi quốc gia 2018, Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương chỉ đạo ở dưới địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, nhưng họ làm không được thì việc về trung ương là rất đúng đắn.
Không chỉ Sơn La mà Hà Giang, Hòa Bình cần phải rút về trung ương làm để tránh bỏ lọt tội phạm”.
Ông Ngô Văn Sửu nhấn mạnh: “Tôi cho rằng những vụ án gian lận thi cử xảy ra tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình liên quan đến những người có chức vụ, địa vị tại địa phương thì sao họ làm việc một cách công tâm được.
Nếu để ở địa phương sẽ khó thuyết phục dư luận, thực tế tại địa phương những mối quan hệ rất phức tạp.
Những người có con được nâng điểm, trong đó có nhiều người nắm vị trí quan trọng, vị trí cao tại địa phương, có cả người đứng đầu địa phương sẽ khiến vụ án khó làm theo đúng quy định pháp luật.
Nếu địa phương làm không được, làm sai, những người thực thi nhiệm vụ đó phải bị kỷ luật thật nghiêm.
Quy định của Đảng đã có rồi, nếu anh ở địa phương mà làm sai quy định pháp luật, anh cố tình bao che, cố tình làm sai lệch vụ án thì phải kỷ luật, xử lý nghiêm”.
Ông Ngô Văn Sửu bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh các vụ án gian lận thi cử chuyển về trung ương điều tra, xử lý. Ảnh: Dương Thu |
Ông Ngô Văn Sửu cũng đặt vấn đề: "Có hay không việc đưa và nhận hối lộ. Cái này phải làm rõ, làm mạnh những sai phạm xảy ra tại các địa phương đó. Người ta không thể vì tình cảm mà dám làm việc tày trời như vậy.
Nếu anh không có quyền, có địa vị thì ai nâng điểm cho con anh. Còn không anh phải dùng tiền, thậm chí rất nhiều tiền để chạy điểm.
Bởi vậy, để không bỏ lọt tội phạm phải đưa về trung ương cả ba địa phương trên để vụ án gian lận thi cử năm 2018 sáng tỏ".
Trước đó, ngày 12/9, tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng chống tham nhũng năm 2019.
Bắt cựu Trưởng phòng An ninh chính trị Công an Hoà Bình vụ gian lận điểm thi |
Đáng chú ý, trong báo cáo của cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện dư luận và cử tri còn băn khoăn, đề nghị làm rõ trách nhiệm của những phụ huynh can thiệp làm sai lệch kết quả thi.
Cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình không đồng tình với đánh giá các sai phạm, vi phạm trong vụ gian lận thi cử tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 “đã được xử lý nghiêm”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đông của Quốc hội nhấn mạnh, những người tham gia có ba vai trò: người hối lộ, người nhận hối lộ để thực hiện hành vi sai phạm (sửa, nâng điểm) và người thụ hưởng hành vi sai phạm đó.
“Hiện chúng ta mới xử lý những người có trách nhiệm làm sai, còn có hay không những người đưa tiền thì chúng ta chưa làm rõ. Chúng ta có xử lý nhưng chỉ mới xử lý kỷ luật hành chính”, ông Bình nói và đề nghị phải làm rõ vì sao những người có trách nhiệm lại làm như vậy.
Ngay sau đó trong phần giải trình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã nhắc tới vụ gian lận thi cử ở Sơn La.
“Ở tỉnh điều tra một hồi thì ra tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trung ương đang định điều tra tội đưa và nhận hối lộ và sẽ còn khởi tố bổ sung 7 bị can nữa”, ông Trí cho hay.
Theo ông Trí, vụ án này không thuộc án Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo nhưng để ở dưới địa phương không làm được.