Lịch sử giáo dục Việt Nam đã ghi nhận những người thầy mẫu mực, gương sáng về tinh thần khẳng khái, mạnh mẽ nói không với tiêu cực, sẵn sàng treo mũ về quê chứ không chịu sống chung với tiêu cực.
Đơn cử như tấm gương thầy giáo Chu Văn An thời Trần. Chuyện kể rằng, khi chứng kiến cảnh quyền thần lộng hành, thầy Chu Văn An đã dâng sớ lên vua Trần Dụ Tông xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về làm dân thường.
Những tấm gương như thầy giáo Chu Văn An đáng lẽ phải được tiếp nối, phát triển mãnh mẽ trong nền giáo dục đổi mới. Đặc biệt, với những lãnh đạo ngành giáo dục cấp bộ và địa phương càng phải học tập.
Tuy nhiên, đến nay đang có một bộ phận những người làm giáo dục đã không còn noi gương sáng cha anh nữa.
Việc không một cá nhân nào từ chức vì gian lận thi cử là điều vô lý (ảnh tư liệu). |
Thật khó để hình dung, những cá nhân như ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình; ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La lại có thể tại vị là người đứng đầu ngành giáo dục của hai tỉnh này khi để xảy ra sai phạm gian lận thi cử.
Vì sao, có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức của ba tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình dính đến gian lận thi cử nhưng chưa một cá nhân nào xin từ chức?
Dư luận có người cho rằng, chắc các vị đã tụt lòng tự trọng. Hay có ý kiến cho rằng, không phải là từ chức, mà phải đình chỉ chức vụ ngay cho đến khi có kết luận cụ thể.
Tại sao, các trường hợp là giáo viên, nhân viên thì đình chỉ ngay khi có vi phạm xảy ra, nhưng những người như ông Đức, ông Đắc vẫn để tại vị.
Việc không một cá nhân nào từ chức vì gian lận thi cử là điều vô lý.
Ông Đắc không làm Chủ tịch hội đồng thi Hòa Bình nhưng vẫn tham gia ban chỉ đạo |
Bàn luận về thực trạng này, Phó Giáo sư Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu xét ở khía cạnh công chúng đánh giá thì thực trạng này xuất phát từ lý do chế độ trách nhiệm của nước ta chưa rõ.
Cho nên người mắc lỗi vẫn tồn tại được, ì ra không nhận lỗi, cũng không chịu từ chức.
Còn ở góc độ văn hóa, thì phẩm chất liêm sỉ của những cán bộ công chức dính dáng đến gian lận thi cử là thiếu.
Thầy Lê Quý Đức phân tích: “Trong tất cả các lỗi bất cử lĩnh vực nào cũng đáng lên án cả.
Nhưng lĩnh vực giáo dục là lĩnh vực được đề cao nhất, được ví là kỹ sư tâm hồn, kiến tạo tâm hồn thì họ lẽ ra phải có liêm sỉ, biết tự tôn trọng mình nhưng nay không có thì đúng là chuyện đau lòng.
Do đó, khi biết sai, không hoàn thành trách nhiệm thì đáng ra phải biết xấu hổ mà từ chức nhưng tôi cho rằng những cá nhân dính dáng đến gian lận điểm thi đang thiếu những phẩm chất này.
Có thể nói họ rất thiếu phẩm chất liêm sỉ. Đây là điều đáng buồn cho giáo dục và cho cả xã hội”.
Đến bây giờ mà không một ai từ chức vì gian lận thi cử thì quả là vô lý |
Thầy Lê Quý Đức còn cho rằng, thực trạng này không chỉ riêng cán bộ giáo dục có dính dáng đến gian lận thi cử mà những cán bộ, công chức, viên chức đi chạy chọt cũng vậy.
Không phải vơ đũa cả nắm nhưng một nền giáo dục tự chủ mấy chục năm rồi mà có hiện tượng như vậy là rất buồn.
Trong lúc đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng thì có những cán bộ ngành giáo dục lại đi làm những điều tệ hại là gian lận điểm thi. Đây là kiểu tham nhũng quyền lực, tham nhũng tinh thần thế tục.
Tham nhũng kinh tế, quyền lực và tinh thần là ba loại tham nhũng nguy hiểm cho xã hội. Nhưng đứng trên khía cạnh văn hóa thì tham nhũng tinh thần là đáng lên án nhất”.