Giáo viên chủ nhiệm là “con nợ” của nhà trường vừa là “chủ nợ” của học trò

12/08/2019 06:23
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Thu tiền học trò cũng là “nhiệm vụ” mà hiệu trưởng nhà trường phân công, không hoàn thành công việc này thì cũng như không hoàn thành nhiệm vụ trong năm học.

Chuyện giáo viên chủ nhiệm phải thu các loại tiền trường của học sinh đã được nói khá nhiều trong những năm qua, năm nay và có thể nhiều năm sau vẫn tiếp tục còn được nói nữa.

Gần như đã là mặc định việc giáo viên chủ nhiệm ở các trường phổ thông là phải thu tiền và đây là công việc mất rất nhiều thời gian và không có giáo viên nào cảm thấy thích thú khi trước giờ dạy lại phải “đòi nợ” học trò của mình.

Ban giám hiệu giao thì ắt phải làm, làm tốt thì không sao nhưng làm không tốt thì còn bị nhắc nhắc, phê bình trong các cuộc họp bởi nhiều khoản thu hiện nay đã được ấn định phần trăm, mốc thời gian cụ thể.

Nhiệm vụ thu tiền học sinh đang làm mất rất nhiều thời gian của giáo viên chủ nhiệm. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)

Nhiệm vụ thu tiền học sinh đang làm mất rất nhiều thời gian của giáo viên chủ nhiệm. (Ảnh minh hoạ: Báo Giáo dục và Thời đại)

Nói thật, cũng là giáo viên chủ nhiệm nhưng làm giáo viên chủ nhiệm ở thành phố hay những khu vực có điều kiện thì giáo viên thu tiền còn đỡ vất vả bởi nó nhanh chóng kết thúc trong mấy ngày phát động.

Những giáo viên chủ nhiệm đầu cấp ở khu vực thành phố có một điều thuận lợi là ngay những ngày đầu mới nhập học thì phụ huynh đã đóng hết tiền trường cho con.

Bởi vì tâm lý phụ huynh có điều kiện thì họ luôn suy nghĩ trước sau gì cũng phải đóng nên họ đóng luôn để con yên tâm học hành. Vì thế, những khoản thu cơ bản của năm học đã kết thúc từ khi chưa bước vào thời điểm thực học.

Được như vậy thì phụ huynh, học sinh và giáo viên chủ nhiệm đều rất khỏe. Trong năm học chỉ phát sinh thêm một số tiền lặt vặt thì thực ra nó cũng chẳng đáng là bao nhiêu. Những khoản nhỏ thì giáo viên chủ nhiệm cũng dễ dàng thu hoặc tự lấp được.

Ngược lại, những thầy cô làm chủ nhiệm ở những khu vực nông thôn, khu vực kinh tế của đa phần phụ huynh còn khó khăn thì việc thu tiền phải nói là cực hình và vô cùng mệt mỏi.

Việc thu tiền trường diễn ra quanh năm, suốt tháng mà vẫn không thu hết, nhiều khoản tiền của học sinh còn thu không được, nhiều giáo viên chủ nhiệm đành phải bỏ tiền túi để đóng cho nhà trường đã không còn là chuyện hiếm.

Giáo viên chủ nhiệm là “con nợ” của nhà trường vừa là “chủ nợ” của học trò ảnh 2
“Lớp ta hôm nay, có ai đóng tiền không?”

Trong các khoản tiền trường hiện nay, nếu học sinh không học thêm thì có bảo hiểm y tế và tiền học phí là lớn nhất.

Hai khoản này trên khoảng trên dưới 1 triệu đồng (học phí thành thị, nông thôn, cấp học khác nhau).

Hai khoản thu này gần như là bắt buộc đối với những học sinh không thuộc diện nghèo hoặc gia đình chính sách. Chính vì bắt buộc phải đóng, nhất là tiền bảo hiểm y tế thì địa phương nào cũng triển khai rất rốt ráo và đưa ra chỉ tiêu 100% học sinh phải đóng mà phải đóng vào đầu năm học.

Chính vì vậy, đây là khoản tiền mà giáo viên chủ nhiệm thu khổ nhất. Số tiền lớn, nhiều phụ huynh không muốn mua bảo hiểm y tế cho con, cấp trên thì đốc thúc phải thu để đạt chỉ tiêu đề ra.

Vẫn biết, việc đóng bảo hiểm y tế rất thiết thực đối với các em học sinh nhưng nhiều phụ huynh họ không mua thành thử giáo viên chủ nhiệm ngoài việc nhắc nhở học sinh còn phải họp phụ huynh thuyết phục phục, nhiều khi còn phải gọi điện tiếp tục thuyết phục phụ huynh đóng mà vẫn không được.

Lúc đầu thì vận động mua 12 tháng, phụ huynh nào khó hơn thì 9 tháng, 6 tháng, thậm chí là thuyết phục phụ huynh mua 3 tháng để 100% học sinh đều mua bảo hiểm y tế như kế hoạch của các địa phương hiện nay.

Ngoài tiền bảo hiểm y tế thì còn có các khoản tiền như học phí, bảo hiểm tai nạn, tiền vệ sinh, tiền quỹ hội phụ huynh, tiền tin nhắn điện tử, tiền quỹ lớp, tiền giấy kiểm tra học kỳ…

Trong vô vàn các loại tiền trường này thì giáo viên cũng phải thuyết phục từ từ, nhắc nhở dần dần để học sinh đóng.

Giáo viên chủ nhiệm nào may mắn thì việc thu tiền kết thúc trước khi kiểm tra học kỳ II, nhiều giáo viên còn phải đến nhà học sinh trước khi tổng kết năm học để “đòi” tiền học phí của học trò. Nỗi khổ ấy chỉ biết âm thầm thực hiện chứ biết kêu ca với ai!

Giáo viên chủ nhiệm là “con nợ” của nhà trường vừa là “chủ nợ” của học trò ảnh 3
Đừng bắt giáo viên và học sinh thu tiền trường!

Tuy nhiên, điều mà gần như giáo viên chủ nhiệm ở các vùng quê đều mắc phải là thu tiền của học sinh đến khi quyết toán gần như ai cũng bị…âm.

Nhất là đối với giáo viên nam chủ nhiệm ở những lớp không phải là đầu cấp.

Chính vì phụ huynh và học sinh không đóng một lúc đầu năm hoặc một thời điểm nên tuần này em này đóng, tuần khác em khác đóng. Lúc vài trăm, khi vài chục nghìn đồng, thậm chí 5-10 nghìn đồng.

Tất nhiên, khi thu tiền của học sinh phải ghi vào sổ và khi quyết toán thì cũng từ những con số đó mà nộp lại cho nhà trường. Nhưng, vì thu lải rải quanh năm như vậy thành ra phải đợi dồn thành một số tương đối mới nộp cho thủ quỹ.

Tiền học sinh, tiền của mình lẫn lộn với nhau và đương nhiên chuyện chi âm vào tiền học sinh là điều không mấy ai tránh khỏi.

Không chỉ khó thu mà nhiều khi giáo viên chủ nhiệm còn bỏ tiền túi để đóng cho học sinh là chuyện cũng rất bình thường đối với những giáo viên kiêm nhiệm chủ nhiệm lớp.

Chẳng hạn, tiền giấy kiểm tra từng học kỳ, mỗi em 10-15 nghìn đồng; tiền đoàn- đội... cũng nhiều em không chịu đóng. Khi quyết toán với nhà trường thì biết sao, thôi thì một số em không đóng thì thầy bỏ tiền túi đóng cho học trò cho yên chuyện chứ biết sao giờ.

Nhiều khi lên lớp, đáng lẽ là dạy dỗ cho học trò nhưng những giáo viên chủ nhiệm còn kiêm thêm nhiệm vụ là “nhắc nợ” học trò. Nhiều khi giáo viên không muốn nhắc, những em học sinh đã đóng rồi thì không muốn nghe nhưng biết làm sao được.

Phận giáo viên chủ nhiệm thì việc thu tiền cũng là “nhiệm vụ” mà hiệu trưởng nhà trường phân công. Nếu không hoàn thành công việc này thì cũng như không hoàn thành nhiệm vụ trong năm học.

Nỗi khổ ấy cứ đeo bám, ám ảnh những thầy cô chủ nhiệm trong từng năm học và cũng không biết bao giờ cho hết cảnh vừa là “con nợ” của nhà trường, vừa là “chủ nợ” của học trò đây?

Tại sao kế toán, thủ quỹ của nhà trường lại không đảm nhận công việc này như ở các trường đại học, cao đẳng và trung cấp mà năm nào cũng bắt giáo viên chủ nhiệm phải làm cái việc bất đắc dĩ này?

NGUYỄN CAO