LTS: Trước thông tin về việc bỏ quy định cộng điểm nghề trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thầy giáo Sông Trà chia sẻ bài phản ánh về tâm trạng vui mừng của giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Báo chí đưa tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa cho biết từ năm học 2019-2020, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 sẽ chính thức bỏ cộng điểm nghề.
Việc bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh lớp 10 là thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ trước kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019.
Bộ cho phép đây là năm cuối cùng các địa phương được áp dụng cộng điểm nghề trong kỳ thi lớp 10.
Trong kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông năm học 2019-2020 do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội vừa công bố, không còn điểm cộng cho học sinh có chứng chỉ học nghề, không áp dụng cộng điểm đối với học sinh có học lực giỏi, tiên tiến.
Sắp tới đây, nhiều địa phương khác cũng sẽ công bố bỏ cộng điểm nghề như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Học sinh thi nghề Điện dân dụng (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) |
Trước đó, vào tháng 3/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức ban hành Thông tư 05 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, theo quy định trước đây, tại Điều 7 quy định về “Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên, khuyến khích”, về đối tượng được cộng điểm khuyến khích nêu rõ:
Sở Giáo dục và Đào tạo quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho từng loại đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích.
Tuy nhiên, trong thông tư vừa ban hành, tên của Điều 7 đã được sửa thành “Tuyển thẳng, chế độ ưu tiên”, không còn chế độ khuyến khích nữa, đồng thời quy định "Sở Giáo dục và Đào tạo quy định đối tượng và điểm cộng thêm cho đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích" cũng chính thức được bãi bỏ.
Như vậy, điều này đồng nghĩa với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo không giao cho các sở quy định đối tượng và mức cộng điểm khuyến khích nữa.
Bỏ cộng điểm thi Nghề phổ thông trong tuyển sinh lớp 10 là hợp lý |
Do đó, trong kỳ thi vào lớp 10, thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích bao gồm cả điểm thi nghề phổ thông ở cấp Trung học cơ sở hay cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa do các sở giáo dục tổ chức.
Về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng cho rằng:
“Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa việc bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 vào Thông tư số 05 sửa đổi, bổ sung Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông năm 2014 là để lấy lại mục đích và ý nghĩa của việc giáo dục hướng nghiệp cũng là để chấn chỉnh tình trạng loạn các cuộc thi ở địa phương theo lối hình thức gây mệt mỏi cho phụ huynh và học sinh”.
Thực tế lâu nay cho thấy, trước đây, các cơ sở giáo dục, trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề cấp huyện, quận có tổ chức học và thi nghề song hầu hết mục đích học nghề của học sinh chủ yếu là để lấy điểm cộng vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Vì vậy, các em chủ yếu học để đối phó.
Việc được cộng nhiều điểm gây ra sự chênh lệch và thiếu công bằng cho các em học sinh.
Những em có tư duy tốt, chăm chỉ ôn luyện lại không bằng những em được hưởng nhiều điểm khuyến khích.
Ở nhiều trường, trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10, thí sinh có điểm cao nhất không phải là thí sinh có tổng điểm 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ cao nhất mà là thí sinh có điểm cộng cao nhất.
Thầy Đỗ Tấn Ngọc ủng hộ bỏ các loại điểm khuyến khích tuyển sinh đầu cấp |
Nhiều thầy cô giáo và phụ huynh rất phấn khởi, vui mừng với quy định xóa bỏ cộng điểm nghề trong tuyển sinh vào lớp 10 từ năm 2019 của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh vì sẽ giảm được bệnh thành tích, các biểu hiện tiêu cực trong thi nghề Trung học cơ sở, thi học sinh giỏi các lớp ở Trung học cơ sở.
Em Trần Duy Hưng, học sinh lớp 9, một trường Trung học cơ sở ở quận Bình Tân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết:
"Bản thân em và nhiều bạn đồng tình, ủng hộ việc bỏ cộng điểm học nghề, vì như thế sẽ tạo sự công bằng về học lực, về thi cử đối với tất cả học sinh.
Cứ học thật, thi thật thì các bạn học sinh không còn học theo kiểu đối phó hoặc đi học nghề một cách hình thức để có điểm cộng.”
Các chuyên gia giáo dục có nghị kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên cho những học sinh là con em gia đình chính sách, diện khó khăn được cộng điểm.
Đồng thời nên giữ việc cộng điểm cho học sinh đoạt giải quốc gia vì như vậy mới tìm kiếm, phát hiện, khuyến khích các em tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi các môn.