Hàng ngàn học sinh bị điểm 0 - Nhìn từ trách nhiệm của giáo viên

28/07/2015 07:29
Trần Sơn
(GDVN) - Thành ngữ có câu “Con dại cái mang”, kết quả hàng ngàn học sinh bị điểm 0 trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa qua, liệu các thầy cô có “vô can”?

LTS: Sau nhiều thủ khoa các trường được truyền thông công bố, nhiều người giật mình khi “mặt trái” của kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015 lộ hàng ngàn điểm 0 của các thí sinh. Phải chăng đang tồn tại lỗ hổng trong việc đào tạo và thi cử của học sinh hiện nay?

Vấn đề này, thầy giáo Trần Sơn mạnh dạn đưa ra quan điểm nhìn nhận trách nhiệm của người thầy, người cô đằng sau hàng ngàn điểm 0 kia. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 

Theo phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia 2015 mà Bộ GD&ĐT đã công bố công khai (lần 3, chiều tối 26/7/2015) thì số lượng học sinh bị điểm 0 cụ thể như sau: môn Toán là 2670, môn Lịch sử là 258, môn Ngữ văn là 186, môn Địa lí là 165, môn Hóa học là 6, môn Sinh học là 3, môn Vật lí là 4, môn Ngoại ngữ là 36.

Đi thi thì có người đỗ kẻ trượt, người điểm cao, người điểm thấp. Đó là chuyện bình thường, nhưng đây là kỳ thi mà có tới 816.830/1.005.654 (chiếm 81,22%)  thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT. 

Có nghĩa là cấu trúc đề thi các môn sẽ có những câu dễ dành cho học sinh có học lực trung bình có thể làm được, thế mà trong 8 môn thi có đến 3328 học sinh bị điểm 0. 

Tức là những học sinh này hoặc là để giấy trắng hoặc là không làm đúng một ý nào, câu nào dù là câu dễ nhất trong bài thi. 

Cũng có thể là có những em vì các lí do khác (không phải do không nắm được kiến thức) mà không chịu làm bài hoặc không để tâm làm bài nên bị điểm 0.

Còn các em khác ngoài lí do đó ra thì có thể nói rằng kiến thức để đi thi của các em này hoàn toàn “rỗng”.

Có nhiều lí do dẫn đến kiến thức của học sinh “rỗng” như vậy như: học sinh không chịu học, chương trình học các môn học còn bất cập, phương pháp giảng dạy của một số thầy cô chưa hiệu quả, vì bệnh thành tích mà đánh giá “nâng” học sinh dẫn đến tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp”,...

Ở đây, là một giáo viên phổ thông, tôi xin được đưa ra các ý kiến ít nhiều mang tính chủ quan của cá nhân về các nguyên nhân từ giáo viên dẫn đến kết quả đáng buồn này, rất mong nhận được ý kiến trao đổi, phản biện của các thầy cô và bạn đọc.

Chất lượng giảng dạy của một số thầy cô còn nhiều hạn chế

Việc giảng dạy chưa hiệu quả của thầy cô có nhiều nguyên nhân: do năng lực hạn chế, kiến thức không chắc chắn, phương pháp giảng dạy lạc hậu, hình thức tổ chức dạy học đơn điệu, chưa thực sự tâm huyết với nghề, không dạy cho học sinh được cách học và ý thức tự học, ...

Quả thật ở các trường phổ thông ít nhiều vẫn còn một số thầy cô có kiến thức chuyên môn không sâu, từ khi ra khỏi trường sư phạm gần như không còn tự học nữa, khả năng cập nhật kiến thức hạn chế dẫn đến kiến thức mai một dần. 

Có nhiều lí do dẫn đến kiến thức của học sinh “rỗng” (Ảnh: Người Lao động)
Có nhiều lí do dẫn đến kiến thức của học sinh “rỗng” (Ảnh: Người Lao động)

Một số thầy cô chưa thực sự đổi mới phương pháp dạy học vì tư duy sợ vất vả và ngại phải thay đổi một thói quen cố hữu bấy lâu nay nên giờ học không tạo được hứng thú cho học sinh và tất nhiên không đạt được mục tiêu bài học.

Một số thầy cô thì chưa chú trọng đến việc dạy cho học sinh cách học và thói quen tự học nên học sinh “học trước quên sau”.

Cũng có một số ít các thầy cô chưa thực sự tâm huyết với nghề, coi việc “gõ đầu trẻ” như một nghề “tay trái” nên không dành nhiều tâm sức vào việc trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tôi rất tâm đắc với các ý kiến của TS. Nguyễn Tùng Lâm - Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội trong bài viết Tư duy thầy giáo không thay đổi học trò không có đường tiến bộ đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam

Ông đã nói thẳng ra một thực tế rất đáng suy ngẫm về hoạt động giảng dạy của thầy cô: “Tất cả những chuẩn mực của một giờ lên lớp họ chỉ quan tâm thực hiện khi thao giảng hoặc có thanh tra, có người dự giờ”. 

Tất nhiên một giờ dạy không đảm bảo các chuẩn mực thì làm sao mà có hiệu quả được, và nhiều giờ dạy như vậy thì dẫn đến một số học sinh “rỗng” kiến thức như là một hệ quả tất yếu.

Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh chưa chính xác

Như trên đã nói, đây là một kỳ thi mang tính chất phổ cập, đại trà là chủ yếu, tức là những học sinh có học lực trung bình cũng có thể đạt điểm xét tốt nghiệp THPT. Thế thì những học sinh bị điểm 0 thì không thể có học lực môn đó trung bình được.

Đã có những ý kiến nghi ngờ về kết quả đánh giá, xếp loại trong học bạ của một số học sinh ở các trường phổ thông là chưa đúng với năng lực thực chất của các em. 

Những ý kiến này không phải không có cơ sở khi số lượng học sinh bị điểm 0 nhiều như vậy, nhưng thử hỏi bao nhiêu em trong số đó mà học bạ được xếp loại đúng năng lực thực sự của mình? Hay là ít nhất cũng phải loại trung bình, có khi còn được xếp loại khá cũng nên?

Hàng ngàn học sinh bị điểm 0 - Nhìn từ trách nhiệm của giáo viên ảnh 2

Nhiều điểm 0 biến mất bất thường tại phổ điểm lần ba của Bộ Giáo dục

(GDVN) - Điều khác biệt quan trọng là phổ điểm này được chi tiết hóa ở mức 0,25 điểm với số liệu cụ thể.

Phải chăng căn “bệnh thành tích” vẫn còn trầm trọng, để đạt được các chỉ tiêu thi đua, và cả vì những lí do khác nên việc đánh giá kết quả học tập của một số học sinh còn chưa đảm bảo thực chất?

Thế nên mới có không ít học sinh được “biếu” điểm, “nâng” loại và “đôn” lên lớp và khi các em “lâm trận”  thật thì bị “bong nước sơn” và lộ ra “chất gỗ” thật của mình?

Những câu hỏi này, chắc chắn các thầy cô giáo có học sinh bị điểm 0 trong kỳ thi vừa qua không khó để trả lời vì “không ai biết trò hơn thầy”.

Nhưng có một điều là năm nay, Bộ GD&ĐT quy định điểm học sinh nào thì học sinh được xem thôi mà không công bố công khai. 

Cách làm này của Bộ GD&ĐT phải chăng muốn giữ danh dự cho cả thầy và trò, làm cho những điểm 0 kia bớt “xót xa” hơn?

Thay lời kết

Pháp luật ngày nay đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức. Ngành Giáo dục mấy năm gần đây cũng nhấn mạnh việc “đề cao trách nhiệm” và “tự chịu trách nhiệm” của các cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý và giáo viên. 

Do vậy, với kết quả đáng buồn hơn 3 nghìn điểm 0 trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT vừa qua, thiết nghĩ các thầy cô và các cấp quản lý giáo dục cũng phải nhận trách nhiệm một cách đúng mức của mình trước xã hội.

Và hơn thế nữa, cần rút kinh nghiệm, suy ngẫm, tìm ra các giải pháp hiệu quả để làm sao cho các kỳ thi mang tính phổ cập, đại trà năm sau giảm đến mức thấp nhất số học sinh bị điểm 0.

Tài liệu tham khảo:

1. Chỉ thị số 3008/CT-BGD-ĐT ngày 18/8/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp năm học 2014-2015.

2. Văn bản Số 4119 /BGDĐT-GDTH ngày 6/8/2014 của Bộ GD-ĐT: V/v hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ GDTH năm học 2014-2015.

Trần Sơn