Học cải thiện: Sân chơi cho những sinh viên nhà giàu?

28/07/2011 04:30
(GDVN) Những SV học lực khá nhưng gia đình khó khăn sẽ không có điều kiện học cải thiện trong khi những SV học kém, gia đình có điều kiện lại được thoải mái học

(GDVN) - Cầm tờ hóa đơn thanh toán học phí trên tay mà Thu Trang (sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Khoa học tự nhiên) không khỏi ngỡ ngàng với mức học phí tăng lên bất ngờ. So với năm ngoái, mỗi tín chỉ đã tăng lên hơn 50 nghìn (từ 150 nghìn lên hơn 200 nghìn/tín chỉ đối với môn tin học cơ sở). Kì này, Trang học 5 tín chỉ với hai môn và số tiền mà cô phải đóng là gần 1 triệu đồng.

Kỳ 1: Nở rộ lớp hè để nâng điểm cho sinh viên

Tại nhiều trường Đại học, trong đợt hè này, việc tổ chức lớp học cải thiện đã trở nên phổ biến. Tuy nhiên, do không được Nhà nước hỗ trợ tài chính nên nhiều trường đã tự điều chỉnh mức phí học cải thiện để đảm bảo quyền lợi của giảng viên và mức kinh phí cơ sở vật chất của Nhà trường.

Mỗi trường một mức học phí


Tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, mức phí học cải thiện trong hè là 174 nghìn/tín chỉ, so với mức học phí trong năm là 105 nghìn; như vậy, mức phí học cải thiện điểm trong hè tăng gấp 1,6 lần. Mỗi sinh viên có thể đăng kí cho mình tối đa 10 tín chỉ trong đợt học cải thiện điểm của hè này.

“Em cứ nghĩ mức học phí sẽ giống như mình học bình thường nên xin tiền nhà đủ 7 tín chỉ để đóng thôi. Lúc đóng tiền mới ngỡ ra mình phải đóng số tiền lớn tới thể nên đã đi vay tứ tung để đóng cho Nhà trường. Phải tận dụng thời gian trong hè học được  môn nào hay môn đó thôi, vào trong năm nhiều môn lắm lại toàn môn khó nữa. Vẫn biết là học phí sẽ cao hơn một chút nhưng đành phải cố thôi  anh ạ”. Tuấn – sinh viên năm thứ 4 Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ với tôi.

Ngoài ra, ở một số trường khác mức phí học cải thiện cũng tăng từ 1,1 cho tới 1,5 lần so với mức học phí của kì chính khóa.

Các lớp học cải thiện điểm “nhộn nhịp”  trong dịp hè
Các lớp học cải thiện điểm “nhộn nhịp” trong dịp hè

Cụ thể  là trường Đại học Thương mại có mức 130 nghìn/tín chỉ, trường đại học Khoa học Tự nhiên, bình quân mỗi tín chỉ có giá 165 nghìn (tùy vào môn thực hành hay lí thuyết để áp mức phí cho từng môn), trường Đại học Kinh tế Quốc dân  lại căn cứ theo mức học phí của kì chính khóa nhân lên 1,5 lần mà tính cho các môn học cải thiện (mỗi khoa, mỗi môn học có mức học phí khác nhau), trường Đại học Thủy lợi có giá là 120 nghìn (mức học phí bình quân của trường này là 95 nghìn/tín chỉ)…

“Do biết mức phí học cải thiện trong hè sẽ cao hơn trong kì học chính khóa cho nên nhiều đứa bạn em không đăng kí học cải thiện. Gia đình bọn nó hơi khó khăn nên đành ở quê phụ giúp bố mẹ” Chung – sinh viên năm thứ 4 trường Đại học Thương Mại thở dài chia sẻ với tôi.
Do tiết kiệm tiền cho gia đình, Ngân – sinh viên năm thứ 4 Đại học Kinh tế Quốc dân đã không chọn việc học cải thiện trong dịp hè.

Đã có trường ĐH bỏ việc dạy cải thiện môn

Lí giải điều này, nhiều trường Đại học cho rằng, do đặc thù đào tạo của từng trường cũng như việc đầu tư cơ sở vật chất của mỗi trường là khác nhau nên việc quy định mức phí học cải thiện điểm của mỗi trường cũng không giống nhau.

Mức tính phí học cải thiện của mỗi trường khác nhau do mức học phí của mỗi trường không giống nhau. Nhà trường sẽ căn cứ vào mức học phí của mỗi môn học, mỗi hình thức học trong kì chính khóa nhân với hệ số từ 1,1 – 1,6/ tín chỉ (tùy theo đặc thù từng trường và từng môn học) để quy định nên mức phí học cải thiện trong hè.

Liệu lớp cải thiện điểm vào dịp hè có phải là “sân chơi” của những sinh viên có điều kiện
Liệu lớp cải thiện môn vào dịp hè có phải là “sân chơi”
của những sinh viên có điều kiện

“Ban đầu chúng tôi định tính hệ số là 1,2 nhưng nghĩ thấy thương sinh viên và gia đình của các em nên đã hạ xuống 1,1 đối với mỗi tín chỉ. Đối với sinh viên thì 10 nghìn đáng quý lắm, chúng tôi phải cân nhắc rất kĩ khi quy định mức phí học cải thiện trong đợt hè cho sinh viên”. Tiến sĩ Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi.
 
“Nhà trường trước đây cũng đã từng tổ chức lớp học cải thiện nhưng hè này không tổ chức. Nguyên nhân  là do trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất cũng như là nguồn nhân lực phục vụ giảng dạy.

Thêm vào đó, sau kì học thử nghiệm trước đây Nhà trường đã nghe nhiều ý kiến phản hồi của sinh viên về sự bất công bằng về vấn đề học tập. Những sinh viên học lực gần khá nhưng gia đình khó khăn  sẽ không có điều kiện học cải thiện điểm trong khi những sinh viên học kém, gia đình có điều kiện lại được thoải mái học cải thiện cho tới khi kết quả học tập ưng ý thì thôi”. Thầy Xuân Anh – Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Xây dựng  Hà Nội cho biết.

Minh Quý – Quân Trang

Đón xem kỳ 3: Các trường ĐH nói gì?