Hội thi giáo viên dạy giỏi sắp tới sẽ thay đổi thế nào?

07/01/2020 06:29
Hồng Trang
(GDVN) - Ngày 20/12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 22 quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông.

Hội thi giáo viên dạy giỏi và giáo viên chủ nhiệm giỏi cơ sở giáo dục phổ thông có một số thay đổi so với Thông tư 21 năm 2010.

Một số quy định mới

Thứ nhất, giáo viên thực hành một hoạt động giáo dục cụ thể theo kế hoạch giáo dục tại thời điểm diễn ra Hội thi. Hoạt động giáo dục tham gia Hội thi được tổ chức lần đầu tại nhóm, lớp với nguyên trạng số lượng học sinh của nhóm, lớp đó.

Thứ hai, giáo viên không được dạy trước (dạy thử) hoạt động giáo dục trong năm học tổ chức Hội thi. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho hoạt động giáo dục trong thời gian không quá 02 ngày trước thời điểm thi.

Thứ ba, giáo viên trình bày biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục của cá nhân tại cơ sở giáo dục, nơi giáo viên đang làm việc.

Thứ tư, danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường và cấp huyện được bảo lưu trong thời hạn 01 năm tiếp theo năm được công nhận. Với danh hiệu cấp tỉnh được bảo lưu trong thời hạn 03 năm tiếp theo của năm được công nhận.

Thứ năm, giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi có trách nhiệm dạy lại tiết dạy, hoạt động giáo dục và báo cáo biện pháp đã tham gia Hội thi trong phạm vi cấp trường, liên trường trên địa bàn để chia sẻ những kinh nghiệm vận dụng hiệu quả trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và trong công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/02/2020.

Hội thi giáo viên dạy giỏi sắp tới sẽ thay đổi thế nào? (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Baobackan.org.vn)
Hội thi giáo viên dạy giỏi sắp tới sẽ thay đổi thế nào? (Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn: Baobackan.org.vn)

Quy định mới đánh giá giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi thực chất hơn

Thứ nhất, quy định đánh giá giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi yêu cầu giáo viên phải dạy nguyên trạng học sinh của lớp đó, đã tránh được việc tách lớp để chọn toàn học sinh khá giỏi.

Trước đó, có tình trạng giáo viên tham dự kì thi dạy giỏi, nhưng dạy toàn học sinh khá giỏi nên tiết học diễn ra rất suôn sẻ, người đánh giá có cảm giác như tiết “diễn” chứ không phải “dạy”.

Giáo viên dạy giỏi là phải dạy được mọi đối tượng học sinh bằng kiến thức và khả năng sư phạm của người thầy. Người thầy giỏi là phải giúp học sinh từ yếu kém lên trung bình, từ trung bình lên khá, từ khá lên giỏi và truyền đạt cho học sinh một cách dễ hiểu nhất.

Thứ hai, giáo viên chỉ được chuẩn bị tiết dạy trước 02 ngày thay vì một tuần như trước đó, nhằm tránh việc học thuộc giáo án.

Việc quy định giáo viên chỉ được chuẩn bị tiết dạy trước 02 ngày, buộc người thầy phải có kiến thức vừa sâu, vừa rộng (chứ không chỉ giỏi về một mảng nào đó).

Ví dụ, giáo viên Toán có thể dạy tốt phần đại số nhưng hình học thì không. Tương tự, giáo viên Ngữ văn có thể dạy tốt lí luận văn học nhưng bình giảng tác phẩm khô khan, nhàm chán.

Nhiều giáo viên huyện Kỳ Sơn nói bị ép đi thi giáo viên dạy giỏi
Nhiều giáo viên huyện Kỳ Sơn nói bị ép đi thi giáo viên dạy giỏi

Thứ ba, giáo viên không cần viết sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã triển khai có hiệu quả.

Trước đó, nhiều giáo viên viết sáng kiến nhưng thực chất là sao chép tràn lan trên mạng hoặc xin từ đồng nghiệp khác tỉnh nên chỉ mang tính đối phó nhằm hợp thức hóa điều kiện dự thi.

Thứ tư, giáo viên không còn phải làm bài thi tự luận/trắc nghiệm trình bày hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của ngành.

Việc Thông tư mới bỏ nội dung này đã chú trọng đến năng lực giáo viên thông qua việc đánh giá chất lượng chuyện môn bằng một hoạt động giáo dục cụ thể.

Giáo viên chúng tôi mong muốn, việc thi giáo viên dạy giỏi là hoàn toàn do giáo viên tự nguyện chứ cơ sở giáo dục không được ép buộc vì thành tích chạy đua theo số lượng.

Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo của tỉnh/thành cần có quy định cụ thể về chế độ đối cho giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi.

Chẳng hạn, giáo viên được nâng lương trước thời hạn 6 tháng (cấp huyện), 1 năm (cấp tỉnh/thành) để khích lệ người thầy cố gắng hơn về phát triển chuyên môn.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-22-2019-tt-bgddt-quy-dinh-ve-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-179675-d1.html

//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-21-2010-TT-BGDDT-Dieu-le-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-cac-cap-ho-108943.aspx

Hồng Trang