Huyện Hậu Lộc có cán bộ cố chấp, không công tâm khi điều chuyển giáo viên

20/09/2018 07:06
QUỐC TOẢN
(GDVN) - "Người đứng đầu thiếu hiểu biết pháp luật, không công tâm khi xem xét xử lý vấn đề liên quan tới việc điều động, thuyên chuyển sẽ gây ra dư luận không tốt...".

Việc nhỏ chưa làm xong, việc lớn làm sao nổi?

Đến nay, các bằng chứng cụ thể mà phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có được cho thấy, việc điều động, thuyên chuyển giáo viên đối với trường hợp bà T.T.P từ trường trung học cơ sở Hoa Lộc đến công tác tại trường trung học cơ sở Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) biểu hiện rất rõ nét nhiều vi phạm. 

Những dấu hiệu vi phạm trong điều động, thuyên chuyển giáo viên đối với cô T.T.P. đã được phóng viên nêu rõ ở bài viết "Giáo viên uất nghẹn, bật khóc vì bị huyện Hậu Lộc...đánh úp"; "Hậu Lộc điều chuyển giáo viên bằng miệng, chả theo quy định nào cả”, nên không tiện nêu cụ thể trong bài viết này.

Một điều được cho là hết sức trớ trêu trong vụ việc nói trên nằm ở chỗ, từ cơ quan chuyên môn đến Phó Chủ tịch huyện, Chủ tịch huyện nhận định, phân tích, đánh giá và phát ngôn sự việc theo kiểu mỗi người một phách.

Trong buổi làm việc trước đó với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 10/09, đại diện phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết, việc điều chuyển cô T.T.P từ trường trung học cơ sở Hoa Lộc đến trường trung học cơ sở Ngư Lộc là đúng, nhưng không nêu được căn có tính pháp lý có tính thuyết phục (bằng văn bản) để chứng minh cho khẳng định trên. 

Trong một cuộc trao đổi khác, ông Nguyễn Văn Luệ - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc lại phát ngôn theo kiểu chẳng giống ai khi cho rằng, việc điều chuyển giáo viên của huyện "Chả theo quy định nào cả”.

Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, các lý giải trên của đại diện Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc được cho là rất mơ hồ, bởi cơ quan có thẩm quyền không đưa ra được các căn cứ, chứng cứ (bằng văn bản) để khẳng định việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trong trường hợp nói trên là đúng. Trong ảnh, ông Phạm Cao Thương, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc. Ảnh của Quốc Toản.
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, các lý giải trên của đại diện Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc được cho là rất mơ hồ, bởi cơ quan có thẩm quyền không đưa ra được các căn cứ, chứng cứ (bằng văn bản) để khẳng định việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trong trường hợp nói trên là đúng. Trong ảnh, ông Phạm Cao Thương, chuyên viên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hậu Lộc. Ảnh của Quốc Toản.

Ông Luệ còn nói việc điều động, thuyên chuyển đối với cô T.T.P theo kiểu hết sức mơ hồ rằng, việc điều động thuyên chuyển đối với cô T.T.P và thầy L.V.T nhằm mục đích điều tiết giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu vào đầu năm học mới, mà không hề nắm rõ về kế hoạch biên chế giáo viên của huyện năm học 2018-2019.

Vị Chủ tịch huyện cũng cho biết, đối với những trường hợp công tác lâu năm (từ 10 năm trở lên...) phải điều động, thuyên chuyển tới nơi khác.

Đây là quan điểm của Thường trực Huyện ủy, mà không đưa ra được các căn cứ, văn bản quy phạm pháp luật nào để bảo vệ cho chính kiến của mình.

Huyện Hậu Lộc có cán bộ cố chấp, không công tâm khi điều chuyển giáo viên ảnh 2Giáo viên uất nghẹn, bật khóc vì bị huyện Hậu Lộc...đánh úp

Những phát ngôn "suông" của Chủ tịch huyện Hậu Lộc trong vụ việc nêu trên cũng đã được phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nêu rõ tại bài viết Hậu Lộc điều chuyển giáo viên bằng miệng, chả theo quy định nào cả”, xin không nhắc lại ở bài viết này.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc, phụ trách khối văn xã thì cho rằng, việc điều động, thuyên chuyển cô T.T.P tới trường trung học cơ sở Ngư Lộc có một số điểm chưa phù hợp.

"Việc chuyển cô T.T.P tới trường trung học cơ sở Ngư Lộc dẫn đến việc trường trung học cơ sở Hoa Lộc (nơi cô P. từng công tác) thiếu giáo viên Văn - Công dân.

Cô P. được điều động, thuyên chuyển khi chưa có báo cáo kế hoạch biên chế giáo viên năm học 2018 - 2019. Tôi không nhận được báo cáo của Phòng Giáo dục và Nội vụ về việc điều chuyển này.

Nếu phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu sai thì tôi sẽ đề xuất hủy quyết định thuyên chuyển, điều động đối với cô P.", bà Hà cho biết.

Đến nay, những dấu hiệu vi phạm trong việc điều động, thuyên chuyển giáo viên trong vụ việc nói trên tại huyện Hậu Lộc vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền làm rõ và trả lời khiếu nại của công dân theo đúng quy định.

Vụ việc cũng khiến người trong cuộc (thầy giáo L.V.T) hết sức hoang mang với quyết định điều động, thuyên chuyển được cho là không hợp lý của Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc.

Cục Nhà giáo nói gì?

Hôm 19/9, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Không có quy định nào về việc giáo viên ở lâu năm tại một trường (giáo viên công tác trên 10 năm tại một cơ sở giáo dục) phải điều động, thuyên chuyển về trường khác.

Các vấn đề liên quan tới việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, quản lý giáo viên căn cứ theo Luật viên chức và các nghị định có liên quan”, ông Minh cho biết.

Huyện Hậu Lộc có cán bộ cố chấp, không công tâm khi điều chuyển giáo viên ảnh 3"Hậu Lộc điều chuyển giáo viên bằng miệng, chả theo quy định nào cả”

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, các phát ngôn của ông Nguyễn Văn Luệ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hậu Lộc về việc những trường hợp công tác lâu năm (từ 10 năm trở lên...) phải điều động, thuyên chuyển tới nơi khác là thiếu căn cứ pháp lý và hết sức mơ hồ trong việc thực hiện điều động, thuyên chuyển giáo viên đối với cô T.T.P và thầy L.V.T.

Mặt khác, việc huyện Hậu Lộc ra quyết định điều chuyển bà T.T.P từ trường trung học cơ sở Hoa Lộc tới trường trung học cơ sở Ngư Lộc trong khi trường Ngư Lộc đang thừa giáo viên xã hội theo kế hoạch biên chế năm 2018-2019 là không phù hợp với nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 25, Mục 1, Chương III, Nghị định số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 04 năm 2012 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý viên chức.

(Khoản 2 nêu rõ: "Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm").

Việc điều động, thuyên chuyển này có dấu hiệu vi phạm quy định tại văn bản số 9656/UBND-VX, ngày 28/6/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc sắp xếp, bố trí điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở công lập.

Theo đó, văn bản này nêu rõ, chỉ được điều động cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hành chính dôi dư từ trường này sang trường thừa sang trường thiếu giữa các trường trong phạm vi huyện hoặc giữa các huyện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tính phù hợp với nhu cầu của các đơn vị trong chỉ tiêu biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao...

Ngoài ra, quyết định điều động, thuyên chuyển giáo viên đối với trường hợp cô T.T.P. còn thể hiện nhiều kẽ hở, chưa có tính thuyết phục từ việc viện dẫn các căn cứ điều động, thuyên chuyển đến việc thực hiện quy trình, quy định điều động giáo viên mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã chỉ rõ ở bài báo trước.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh của nhân vật cung cấp.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh của nhân vật cung cấp.

Nhận định sâu hơn về sự việc nói trên Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Việc điều động, thuyên chuyển giáo viên ở Hậu Lộc cho thấy Chủ tịch huyện này coi thường các quy định pháp luật, bỏ qua quy trình trong việc thực hiện điều động, thuyên chuyển giáo viên.

Tiến sĩ Vinh phân tích: “Việc điều động, thuyên chuyển giáo viên phải đảm bảo nguyên tắc: Giáo viên có nhu cầu điều chuyển; trường giáo viên chuyển đi đảm bảo đủ nhân sự để gánh việc giáo viên chuyển đi và trường nhận phải thiếu giáo viên bộ môn mà giáo viên chuyển đến để dạy.

Trên cơ sở đó Phòng Giáo dục và Đào tạo tập hợp danh sách, cân đối kế hoạch giáo dục và cùng phối hợp với Phòng Nội vụ xem xét và bàn bạc bằng việc thông qua hội đồng, sau đó trình phương án điều động thuyên chuyển để đảm bảo minh bạch, công khai trong việc thực hiện.

Sau khi thống nhất thì báo cáo lãnh đạo huyện ra quyết định điều động, thuyên chuyển.

Từ thực tế vụ việc điều động, thuyên chuyển giáo viên tại huyện Hậu Lộc cho thấy, việc đơn vị không thành lập hội đồng trong việc xét duyệt để điều động, thuyên chuyển giáo viên, không tuân thủ quy trình thực hiện là sai phạm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục, làm cho giáo viên và nhà trường bức xúc.

Qua sự việc này cũng cho thấy sự bất cập của phân cấp quản lý giáo dục khi trao quyền lực cho cấp huyện mà người đứng đầu thiếu hiểu biết pháp luật, không công tâm khi xem xét xử lý vấn đề liên quan tới việc điều động, thuyên chuyển.

Điều này sẽ gây ảnh tác động không nhỏ đến người trong cuộc và dư luận xã hội”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho biết.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, việc điều động, thuyên chuyển giáo viên sai nguyên tắc (chuyển giáo viên đến trường đang thừa giáo viên cùng bộ môn) là sai hoàn toàn và cần thu hồi quyết định điều động, thuyên chuyển đó.

"Chuyển sai thì cần điều chỉnh lại (hủy quyết định điều động, thuyên chuyển) và xin lỗi giáo viên bị điều chuyển và nhà trường", Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói.

Trong một diễn biến có liên quan, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy L.V.T. cho biết, bản thân đã có đơn khiếu nại gửi lãnh Chủ tịch, Bí thư tỉnh Thanh Hóa, đề nghị xem xét, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Trong đơn, thầy L.V.T. cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ dấu hiệu vi phạm trong việc điều động, thuyên chuyển cô T.T.P. từ trường trung học cơ sở Hoa Lộc, đến trường trung học cơ sở Ngư Lộc, đồng thời chuyển trả thầy về vị trí cũ (trường trung học cơ sở Ngư Lộc, nơi thầy T. từng công tác.

QUỐC TOẢN