Nên có một lời xin lỗi về tiêu cực ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018

26/04/2019 06:23
NHẬT DUY
(GDVN) - Có lẽ, không chỉ cá nhân Bộ trưởng phản đối và kiên quyết chống tiêu cực mà phần lớn người dân cả nước cũng phản đối tiêu cực trong thi cử.

Gần một năm trước, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra 114 thí sinh được sửa điểm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc năm năm 2018 ở Hà Giang.

Tiếp theo, là Sơn La, Hòa Bình cũng phát hiện tiêu cực nhưng mọi dữ liệu đã bị tiêu hủy. Tuy nhiên, cơ quan an ninh cũng đã tìm ra bằng chứng và bắt giam một số cán bộ ngành giáo dục ở 2 tỉnh này để điều tra.

Tháng 3/2019 thì có danh sách thí sinh tiêu cực ở Hòa Bình và Sơn La mới bắt đầu lộ diện. Vụ án tiếp tục được mở rộng và những người liên quan tiếp tục bị khởi tố, bắt giam.

Với cương vị là người đứng đầu kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên có một lời xin lỗi (Ảnh: quochoi.vn)
Với cương vị là người đứng đầu kỳ thi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên có một lời xin lỗi (Ảnh: quochoi.vn)

Điều mà dư luận thấy là với chừng ấy sự kiện xảy ra liên quan đến một kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì là điều đáng buồn.

Đến nay, đã xác định ra 3 tỉnh có thí sinh được sửa điểm, hàng trăm thí sinh đã bị trả về địa phương, hàng chục cán bộ ngành giáo dục bị bắt giam, một số cán bộ an ninh đã bị kỷ luật, thậm chí bị tước quân tịch.

Song chúng ta chưa thấy một Trưởng Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 nào thực sự nhận trách nhiệm của mình trước những sự việc này.

Trước hết, chúng tôi nói đến vai trò của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ- Trưởng Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Khi kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 đã xảy ra những tiêu cực ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình với rất nhiều sai phạm trong công tác chấm thi, nhập điểm cho thí sinh.

Sau đó, tại  phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Bộ trưởng Nhạ đã xin “nhận trách nhiệm” tại phiên họp.

Khi nêu quan điểm về tình trạng tiêu cực trong Kì thi phổ thông quốc gia năm 2018 trước những chất vấn của đại biểu Quốc hội thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đưa ra chính kiến:

Tinh thần sai là xử, xử nghiêm theo đúng quy chế. Cá nhân tôi là Bộ trưởng, phản đối và kiên quyết chống tiêu cực”.

Nên có một lời xin lỗi về tiêu cực ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 ảnh 2Bộ Giáo dục không chấp nhận thầy cô, học trò vướng gian lận thi cử

Có lẽ, không chỉ cá nhân Bộ trưởng phản đối và kiên quyết chống tiêu cực mà phần lớn người dân cả nước cũng phản đối tiêu cực trong thi cử.

Chỉ có một số kẻ cơ hội mới đồng tình về những tiêu cực này.

Chỉ tiếc, sau lời “nhận trách nhiệm” trước Chính phủ thì bẵng đi một thời gian rất lâu, đến những ngày cuối tháng 4/ 2019 ông mới trải lòng rằng:

Tôi rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh.

Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những cán bộ này.

Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vị phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch”.

Với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, Bộ trưởng chỉ “rất đau lòng” và “cương quyết đưa ra khỏi ngành giáo dục những cán bộ” đã tham gia vào sự việc này thì e rằng chưa đủ.

Với vai trò là người đứng đầu ngành Giáo dục cả nước, là Trưởng Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 thì trước tiên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cần có một lời xin lỗi trước nhân dân cả nước.

Nên có một lời xin lỗi về tiêu cực ở kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 ảnh 3Cảm ơn kì thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018!

Nhất là đối với những thí sinh đã tham gia kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 bởi có hàng trăm em đã bị tước mất cơ hội.

Không chỉ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà các Phó Chủ tịch Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang- Trưởng Ban chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia của 3 tỉnh này và cả 3 vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cần có những lời xin lỗi nhân dân địa phương mình.

Thực tế, chúng ta chỉ mới thấy ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Hòa Bình lên tiếng xin lỗi các phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo.

Còn Giám đốc Sở Giáo dục- Đào tạo Sơn La thì trong lúc dầu sôi lửa bỏng  vừa qua đã xin nghỉ phép 8 ngày, xem như mình…chẳng liên quan gì.

Trường hợp ông Bùi Văn Cửu - Phó Chủ tịch tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 tỉnh Hòa Bình đang lên tiếng chuyện cháu ruột được nâng điểm là không chính xác.

Ông nói: “Tôi không có cháu ruột nào dự kỳ thi này mà đó là cháu vợ. Thực sự chúng tôi không hề biết gì về việc cháu được nâng điểm.

Là Trưởng Ban chỉ đạo thi tại địa phương nhiều năm nay, tôi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo để Sở giáo dục – Đào tạo tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông thành công”.

Chúng ta đều biết, sự việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La và Hà Giang xảy ra là điều không ai mong muốn.

Nhất là cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hay các cá nhân là Trưởng Ban chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia của các tỉnh và các Giám đốc Sở lại càng không muốn điều này xảy ra.

Tuy nhiên, sự việc đã xảy ra rồi thì trách nhiệm của mỗi người đứng đầu là điều không thể phủ nhận.

Vì thế, một lời xin lỗi nhân dân cả nước, một lời xin lỗi địa phương mình xem chừng vẫn là điều cần thiết cho dù đó là lời xin lỗi muộn màng!

Tài liệu tham khảo:

https://vtc.vn/bo-truong-gddt-cuong-quyet-dua-ra-khoi-nganh-nhung-can-bo-gian-lan-diem-thi-d470668.html

https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/pho-chu-tich-tinh-hoa-binh-chau-vo-duoc-nang-diem-chu-khong-phai-chau-ruot-525963.html

NHẬT DUY