LTS: Bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu và gây ra những hệ quả tiêu cực đối với đời sống xã hội và đặt biệt là ngành giáo dục.
Tiếp tục đưa ra những chia sẻ về vấn đề này, tác giả Sông Trà đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Ai cũng biết bệnh thành tích trong ngành giáo dục đang hoành hành và nhức nhối đến mức nào.
Đã có nhiều nhà giáo tâm huyết với nghề lên tiếng cảnh báo, hàng ngàn bài báo phản ánh những biểu hiện đau lòng của bệnh thành tích ấy.
Có tác giả kết luận rất chính xác rằng: “Nếu chúng ta không diệt được thứ bệnh nguy hiểm ấy thì nền giáo dục nước nhà càng tụt dốc, bệ rạc, tan hoang… như ngôi nhà tranh đứng trước bão lớn”.
Căn bệnh thành tích trong giáo dục (Ảnh minh họa: laodongthudo.vn). |
Sự thực khủng khiếp đã được phơi bày ra tất cả. Vậy nhà trường, thầy cô giáo và các bậc phụ huynh, các chủ thể chính gây nên vấn nạn trên cần phải làm gì để đẩy lùi, loại bỏ hẳn thứ bệnh nguy hiểm đó khỏi ngành giáo dục?
Là người trong cuộc, tôi nhận thấy, nhiều lãnh đạo, ban giám hiệu trường học lâu nay vẫn thờ ơ, lãnh đạm, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra xung quanh mình, cứ tiếp tục say sưa, hứng thú, hả hê với những kết quả, thành tích “ảo”, giả dối, không có đúng với thực tế.
Có những người đứng đầu nhà trường như thế thì đến khi nào ở trường lớp đó các chỉ tiêu, con điểm, thành tích được tạo ra một cách chân thực, chuẩn xác nhất?
Về phía thầy cô giáo, tôi nhận thấy, có nhiều thầy cô đã quen với kiểu sống, làm việc dễ dãi, “an phận thủ thường”, họ sao mình vậy, rất ngại va chạm, đấu tranh, chỉ giỏi phàn nàn, kêu ca ở đâu đâu ấy.
Thiếu đi đội ngũ nhà giáo tâm huyết, thấy cái đúng không dám bảo vệ, thấy cái sai không đủ bản lĩnh kiên quyết đấu tranh, phản bác thì muôn năm nữa cái sai, bệnh thành tích vẫn nhởn nhơ “sống”, tàn phá ngành giáo dục.
Về phụ huynh học sinh, tôi biết, nhiều bậc cha mẹ nhận thức và giáo dục con cái chưa đúng, nặng điểm số và thành tích, tạo áp lực nặng nề lên con trẻ.
Thậm chí có một số phụ huynh hay chạy chọt, gởi gắm, nhờ vả nhà trường, thầy cô giáo nâng điểm, làm “đẹp” học bạ cho con của mình để thỏa ước mong và thích được khoe mẽ với mọi người.
Một số nhà trường, thầy cô giáo sẵn sàng “chiều” theo ý nguyện của phụ huynh.
Lãnh đạo nhà trường - thầy cô giáo và các phụ huynh, ba chủ thể trụ cột đều lỏng lẽo, sa sút, mất “thương hiệu”, cùng nhau chạy theo những con số, kết quả “ảo” trên trời thì làm sao chất lượng giáo dục được đánh giá thực chất, công bằng, khách quan nhất?
Thưa Bộ trưởng, áp lực nặng nền nhất của giáo viên chính là...thành tích |
Áp lực của học sinh, nhất là học sinh đầu cấp, lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên lớp 10 ngày càng gia tăng, vì phải ôn luyện đêm ngày, vì phải trải qua nhiều môn thi căng thẳng, tại ai đây?
Có phải do chủ trương, quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo không?
Tôi xin thưa là không có, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng đưa ra chủ trương không tổ chức thi tuyển sinh vào đầu cấp, từ lớp 5 lên lớp 6 mà chỉ xét tuyển dựa trên kết quả học tập và rèn luyện của các em ở tiểu học.
Nhưng ngặt nỗi, nhiều trường trung học cơ sở ở các thành phố lớn chẳng thể nào lựa chọn, phân loại được vì có quá nhiều em toàn điểm 10, toàn học bạ “đẹp” cả.
Tại nhà trường, thầy cô giáo không phân loại, đánh giá đúng học sinh. Gỡ khó cho các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đành phải “mở” quy chế, vừa xét tuyển vừa thi tuyển.
Thương học trò, tội cho học trò chịu nhiều vất vả, áp lực trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 với cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, 30 em lấy 1 em, song các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo ở trung học cơ sở lại không chịu đánh giá, ghi điểm một cách chính xác, công tâm nhất.
Toàn điểm cao, danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, biết loại học sinh nào đây, buộc địa phương phải tổ chức thi tuyển cho công bằng, bãi bỏ hình thức xét tuyển sau nhiều năm gây tranh cãi, bất bình.
Các em học sinh không có lỗi. Các em còn đang phải gánh gồng thay cho sự thiếu trách nhiệm, lối giáo dục dễ dãi, chạy theo bệnh thành tích của nhà trường, giáo viên và phụ huynh.