LTS: Cho rằng, có thể khởi kiện khi hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải trực trường không trả tiền thêm giờ trái Luật, thầy Bùi Nam đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đây là giai đoạn giáo viên cả nước đang trong thời gian nghỉ hè.
2 tháng hè là 2 tháng giáo viên được quyền nghỉ ngơi tái tạo sức lao động sau thời gian công tác, đó là đặc quyền của giáo viên. Bù lại với việc giáo viên không có 12 ngày nghỉ phép như các ban ngành khác.
Nhưng, hiện nay, hầu hết giáo viên đều phải tham gia trực trường trái Luật.
Công dân Việt Nam phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, mọi người không loại trừ bất kỳ ai có quyền đứng trên pháp luật.
Nhưng, cứ mỗi dịp hè về, các cơ sở giáo dục lại làm một việc trái luật là yêu cầu giáo viên trực trường trái luật mà không hề chi trả bất kỳ đồng nào.
Giáo viên có phải trực trường trong thời gian nghỉ hè? (Ảnh minh họa: ctv). |
Giáo viên trực trường không được trả tiền thêm giờ là trái Luật
Theo Thông tư số: 15/2017/TT-BGDĐT ngày 9/6/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số: 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
“Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 2 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)”.
Như vậy, việc giáo viên được nghỉ 2 tháng là thuộc về quyền lợi của giáo viên.
Do đó, nếu giáo viên được cử đi trực hè thì được thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định hiện hành.
Vai trò công đoàn mờ nhạt
Trong vấn đề này vai trò của tổ chức công đoàn trong nhà trường quá mờ nhạt.
Văn bản pháp luật đã có, căn cứ pháp lý đã rõ ràng, khi giáo viên có ý kiến, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, thì các vị Hiệu trưởng viện dẫn lý do là trường không thể không có người trực để bảo vệ tài sản.
Hay thậm chí có người tiếp nhận điện thoại của cấp trên nên phải phân công trực trường, mỗi buổi ít nhất 2 giáo viên.
Nhiều năm liền, giáo viên phải đi trực đêm - chuyện thật như đùa ở Tiền Giang |
Khi mà trường học có ít giáo viên, có giáo viên trực hè đến 10 – 15 buổi, rồi những buổi tập huấn, học chính trị,…như vậy chiếm gần nữa thời gian nghỉ ngơi của giáo viên.
Mang tiếng được nghỉ hè thay nghỉ phép nhưng giáo viên vẫn phải làm nhiều việc không tên khác, mà bức xúc nhất là việc trực trường trái Luật vẫn nhan nhản tồn tại.
Giáo viên tham gia trực trường chỉ tốn thời gian, công sức, tiền bạc,…mà không được ích lợi gì cả.
Bởi, giáo viên không có chức năng giải quyết bất kỳ vấn đề gì, nhiệm vụ của giáo viên là giảng dạy và giáo dục học sinh.
Công việc trong hè chủ yếu là của Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, kế toán, văn thư... mà những đối tượng trên phải làm việc trong dịp hè.
Cộng lại với việc có bảo vệ, tạp vụ,…nên trường học lúc nào cũng có người trực tiếp nhận hay bảo vệ tài sản, nên sự có mặt của giáo viên thêm thừa thãi, lãng phí nhân lực…
Vấn đề tôi cần nói, tổ chức công đoàn là tổ chức nắm vững các văn bản pháp luật liên quan đến quyền lợi giáo viên nhất.
Biết việc trực trường trái Luật nhưng hầu như không tổ chức công đoàn nào dám đứng ra bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp và chính đáng của công đoàn viên, giáo viên.
Khi đó tổ chức công đoàn cho thấy vai trò quá mờ nhạt thậm chí là bù nhìn, đứng ngoài việc làm trái Luật của lãnh đạo và không dám bảo vệ quyền lợi chính đáng giáo viên.
Trong khi đó, mỗi tổ chức công đoàn có đầy đủ ban bệ gồm Chủ tịch, các phó chủ tịch, ủy viên,…từ 5 đến 7 người nhưng vai trò thì mờ nhạt, trong khi đó kinh phí hoạt động chi trả cho tổ chức đó tại trường học là không nhỏ, nhưng vai trò quá kém.
Mong các tổ chức công đoàn và cá nhân Chủ tịch công đoàn cơ sở, căn cứ các văn bản pháp lý có văn bản kiến nghị thủ trưởng hoặc công đoàn cấp trên bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của giáo viên.
Giáo viên có thể khởi kiện tòa án đòi quyền lợi
Như đã nói việc trực trường trong thời gian hè là trái Luật, nếu vì lý do gì đó trực thì phải trả thêm tiền thêm giời đúng quy định như sau:
Giáo viên có phải bắt buộc trực trường trong thời gian nghỉ hè? |
Tại Điều 97 Bộ luật Lao động quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm như sau:
“Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm như sau:
Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày”.
Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày”.
Bây giờ, quyền tự chủ đã cơ bản giao cho các cơ sở giáo dục, hiệu trưởng căn cứ mà chi trả phù hợp, chứ không thể làm trái Luật.
Nếu hiệu trưởng quyết bắt giáo viên trực không trả tiền làm thêm giờ, tập thể giáo viên (thông qua tổ chức công đoàn) có quyền khởi kiện hiệu trưởng ra tòa án nhân dân cấp Huyện đòi quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình một cách hợp pháp.
Như tôi đã nói để tránh phức tạp tình hình thì từ thứ 2 đến thứ 6 hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, văn thư, kế toán,…đến trường làm việc. Bảo vệ, tạp vụ trực, ngày thứ 7, chủ nhật…
Nếu điều giáo viên trực thì tốn chi phí quá lớn mà không cần thiết, gây lãng phí.