LTS: Liên quan đến việc giáo viên phải tham gia trực trường dịp hè, thầy giáo Sơn Quang Huyến chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này trong bài viết sau.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Theo thông tư 15/2017/TT-BGDĐT - Sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT Quy định ở Điểm a, khoản 3, Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)".
Như vậy, trong suốt thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, giáo viên cũng không phải tham gia trực trường.
Thế nhưng, không ít nơi, Hiệu trưởng vẫn điều động giáo viên đến trực trường trong kì nghỉ hè; điều đáng nói giáo viên “được” cử đi trực hè không được thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định hiện hành.
Ảnh minh họa: Thanhtra.com.vn |
Ai phải trực trường trong dịp hè?
Cần phải nói rõ khái niệm trực trường: Trực trường là bảo vệ cơ sở vật chất của trường học; trách nhiệm này là của bảo vệ.
Ai phải đến trường làm việc trong dịp hè?
Theo quy định, nhân viên (kế toán, văn thư, bảo vệ, phục vụ, thư viện thiết bị) trong trường học làm việc 8 giờ trong một ngày, tuần 40 giờ; vì thế dù học sinh nghỉ hè, nhân viên cũng phải làm việc.
Đối tượng thứ hai, chính là Hiệu trưởng, hiệu phó! Hiệu trưởng, hiệu phó làm việc theo chế độ hành chính; thời gian học sinh, giáo viên nghỉ hè cũng phải đến trường để giải quyết công việc liên quan đến nhà trường; tức là họ phải trực trường!
Những người đến trường làm việc trong dịp hè, không có quy chế riêng của đơn vị quy định, không phải chịu trách nhiệm trực trường.
Tại sao hiệu trưởng vẫn ký quyết định phân công giáo viên đến trực trường trong hè?
Có thể khởi kiện khi hiệu trưởng yêu cầu giáo viên phải trực trường không công |
Một là Hiệu trưởng không biết gì về luật nói chung và Luật Lao động nói riêng; không biết luật, làm việc theo “luật của mình”, kiểu “luật rừng”.
Hai là Hiệu trưởng nhờn luật, đã từng “đạp” trên luật pháp làm việc; coi thường các tổ chức trong nhà trường; coi thường các cơ quan cấp trên; “tự cho” mình là “vua một cõi”, thích làm gì thì làm; không có ý thức bảo vệ sự tôn nghiêm của luật pháp.
Ba là, Hiệu trưởng “học theo” các cơ quan quản lý như phòng giáo dục… thường xuyên coi thường pháp luật, thích làm sao thì làm.
Cả ba trường hợp, phản ánh chất lượng cán bộ địa phương yếu kém; công tác thanh kiểm tra, quản lý cán bộ có vấn đề; pháp luật không được tôn trọng; dân chủ, kỉ cương bị chà đạp.
Xử lý thế nào khi hiệu trưởng có quyết định yêu cầu giáo viên trực trường trong hè?
Tổ chức Đảng, Công đoàn … trong nhà trường đưa Luật Lao động, Luật Giáo dục để góp ý, giáo dục Hiệu trưởng; yêu cầu Hiệu trưởng thực hiện đúng luật.
Nếu hiệu trưởng không thực hiện đúng luật khi đã góp ý, giáo dục; Công đoàn … phải có văn bản kiến nghị lên cấp cao hơn như Phòng giáo dục, Liên đoàn lao động, Chủ tịch Huyện (Các trường hợp này xảy ra chủ yếu ở bậc Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở; Trung học phổ thông không có).
Sự coi thường pháp luật, yếu kém về quản lý của hiệu trưởng, đã xảy ra sự việc đau lòng với cô P.T.N.N (33 tuổi) Trường trung học cơ sở Lê Thuyết – Thị xã Hương Trà – Thừa Thiên Huế; trong thời gian trực trường, đã bị một thanh niên bịt mặt, xông vào trường dùng dao đe dọa, uy hiếp, khống chế và thực hiện hành vi xâm hại.
Sống, làm việc theo Hiến pháp, Pháp luật, đó là đỉnh cao của một công dân tốt. Hiệu trưởng không nắm được các luật pháp cơ bản, để thực hiện đúng luật về quản lý, chưa phải là công dân tốt; chưa đạt “chuẩn” Hiệu trưởng.
Đề bạt, bổ nhiệm những người như thế làm Hiệu trưởng, trách nhiệm thuộc chính quyền sở tại. Vì thế, không tái bổ nhiệm những Hiệu trưởng yếu kém như thế, làm mất uy tín chính quyền, Đảng bộ địa phương.