Nhân đọc bài viết: “Trong giáo dục liệu có chuyện nịnh bợ cấp trên không?” của tác giả Mai Công Tình đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 16/1/2019 bàn về Quyết định 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, chúng tôi thấy đồng cảm vô cùng.
Thực tế, hành vi “nịnh bợ” trong môi trường nào cũng có nhưng đối với môi trường giáo dục thì hành vi này thường được xem là… không đẹp.
Vậy nhưng, ở trường học bây giờ thì chuyện cấp dưới nịnh bợ cấp trên cũng nhiều vô kể.
Trong trường học hiện nay, người được cấp dưới nịnh bợ, lấy lòng là các thành viên trong Ban Giám hiệu nhà trường mà đặc biệt nhất là Hiệu trưởng đã không còn là chuyện hiếm.
Hành vi nịnh bợ, tâng bốc cấp trên trong trường học hiện nay không hiếm ( Ảnh minh họa: Báo Quân đội Nhân dân) |
Có người nịnh trực tiếp với lãnh đạo, quản lý, có người công khai nịnh bợ, ca tụng lãnh đạo nhà trường trong các cuộc họp.
Họ nịnh không biết “ngượng mồm”. Tuy nhiên, với nhiều người hay nịnh- có lẽ họ xem đó là điều cần thiết trong cuộc sống của họ.
Ngày đánh giá đảng viên cuối năm của đơn vị trường chúng tôi vừa qua, khi Hiệu trưởng đọc bản kiểm điểm cá nhân xong, đến phần tập thể đánh giá, nhận xét thì có một thầy giáo đứng lên góp ý với những lời lẽ cực kỳ hoa mỹ.
Thầy giáo này nói: “Hiệu trưởng trường mình không có hạn chế, khuyết điểm nên tôi thống nhất với mức tự đánh giá của đồng chí Hiệu trưởng là Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Nghe đồng nghiệp của mình nhận xét như vậy, anh em trong chi bộ đang ngồi họp cảm thấy choáng vô cùng.
Thôi thì nịnh, cũng một vừa hai phải và kín đáo, chứ cả một năm điều hành công việc nhà trường với rất nhiều mảng lớn như: Hoạt động giảng dạy, tài chính, nhân sự, các phong trào… lẽ nào Hiệu trưởng lại không có khuyết điểm, hạn chế gì?
Cần loại những người đi làm mà chỉ biết đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên |
Hành vi nịnh bợ, tâng bốc cấp trên có lẽ là vấn đề không mới, nó xuất phát từ lợi ích cá nhân trong quá trình công tác ở mỗi đơn vị.
Thường, những người nịnh bợ, tâng bốc cấp trên giỏi lại thường là những người hay yếu về chuyên môn nhưng lại rất giỏi lấy lòng lãnh đạo.
Họ nịnh để được quy hoạch, cất nhắc vào các vị trí có địa vị trong nhà trường.
Nịnh để Ban Giám hiệu nương đỡ trong mỗi lần kiểm tra nội bộ, dự giờ và đánh giá, nhận xét, xếp loại giáo viên cuối năm.
Tất nhiên, việc nịnh của họ luôn có mục đích bởi nịnh không chỉ qua lời nói mà còn thể hiện trong các hành vi khác.
Các ngày lễ, ngày tết, ngày sinh nhật Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng thì một số giáo viên rất chịu khó đến nhà lãnh đạo để gửi quà cáp hoặc đem bia, đem mồi đến nhậu để chia vui.
Nhiều lần, sau mỗi lần sinh nhật hay thăm viếng ngày Tết ở nhà các thành viên trong Ban Giám hiệu, một số giáo viên "hay nịnh" lại chia sẻ hình ảnh đang cùng lãnh đạo nhà trường nâng ly chúc mừng nhau lên Facebook.
Tất nhiên, trên mỗi hình ảnh như vậy, họ không quên viết vài lời minh họa là chúc mừng sinh nhật sếp lần thứ (…) để mọi người bày tỏ cảm xúc và thêm vào những lời chúc bổ sung nữa.
Hàng ngày, các thành viên Ban Giám hiệu vẫn thường ngồi uống cà phê với mấy thầy cô “thân cận” trong căn tin nhà trường.
Việc lãnh đạo ngồi uống nước với cấp dưới cũng rất bình thường nhưng nó cứ lặp đi lặp lại từ ngày này sang tháng khác tất nhiên ai cũng hiểu những người đó mặc nhiên đã là “phe” của nhau.
Vì thế, trong hội họp người ta cũng thường nâng đỡ nhau, góp ý nhau bằng những lời lẽ tế nhị và có lợi cho nhau nhiều nhất.
Việc nịnh bợ cấp trên sẽ tạo ra một tiền lệ xấu cho môi trường giáo dục.
Bởi, khi mọi người trong trường đã ngầm hiểu người này, người kia là “phe” của các thành viên trong Ban Giám hiệu thì trong hội họp sẽ mất đi tính dân chủ.
Các giáo viên trong trường muốn góp ý cho Hiệu trưởng thì họ cũng ngại góp ý bởi mỗi lần góp ý xong rồi sẽ có nhiều cánh tay giơ lên để “đỡ” và thanh minh cho Hiệu trưởng.
Góp ý những thành viên khác lại ngại Hiệu trưởng có những lời lẽ bênh vực cho người kia.
Vì thế, các cuộc họp bây giờ phần nhiều là Hiệu trưởng nói sao thì tập thể tán đồng những chỉ đạo đó.
Và, thực tế nhiều trường học bây giờ đang như vậy.
Muốn hạn chế được hành vi nịnh bợ, tâng bốc cấp trên để mọi người có thái độ ứng xử phù hợp trong môi trường giáo dục là điều rất cần thiết.
Tất nhiên phải bắt đầu từ sự gương mẫu từ các thành viên trong Ban Giám hiệu mà trong đó Hiệu trưởng phải là người gương mẫu trước.
Hiệu trưởng phải là người liêm khiết, chính trực để đối xử bình đẳng với các thành viên cấp dưới của mình.
Trong trường, quy chế dân chủ phải được triển khai thực hiện và phát huy tối đa.
Trong các cuộc họp thì công tác phê và tự phê bình phải được thực hiện tốt, tránh hình thức, cả nể và a dua với nhau.
Xét về mọi khía cạnh, giáo viên là những người trí thức trong xã hội, vì thế, mỗi thầy cô không chỉ là tấm gương sáng cho học trò mà quan trọng hơn là cần có thái độ ứng xử phù hợp trong môi trường giáo dục.
Hành vi "nịnh" dù trong hoàn cảnh nào cũng là điều đáng chê trách bởi nó sẽ làm mất đi tính liêm sỉ của người trí thức.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Trong-giao-duc-lieu-co-chuyen-ninh-bo-cap-tren-khong-post194778.gd