Không được tăng giá sách giáo khoa mới cao hơn giá sách hiện hành.
Đây là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Bộ Tài chính nhằm kiểm soát giá bán sách giáo khoa mới.
Đồng quan điểm chỉ đạo, Bộ Tài chính cũng đã có Văn bản đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá sách giáo khoa mới theo đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là bảo đảm không vượt quá giá sách giáo khoa hiện hành.
Liệu việc giá sách giáo khoa mới cao hơn 267% so với mức giá sách đang hiện hành có hợp lý hay không?
Trong khi mặt hàng sách giáo khoa có tác động rất lớn đối với xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19 hiện nay, vùng sâu vùng xa kinh tế còn gặp nhiều khó khăn?
Nhà giáo Nguyễn Thị Thu: " Tôi theo dõi những đợt làm sách giáo khoa bằng nguồn tiền ODA, tốn kém rất nhiều nhưng những bộ sách đó cứ làm đi làm lại, bao nhiêu tiền đổ vào đó nhưng chưa hiệu quả". Ảnh: Tùng Dương. |
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, nhà giáo Nguyễn Thị Thu - Nguyên giáo viên Trường Cao đẳng nghề Hà Nội, đã chia sẻ quan điểm: “Sau khi nghe thông tin về giá sách giáo khoa mới thì tôi thấy có bất cập, ngay như giá cũ hiện nay thì các gia đình có con vào lớp 1 đã phải đắn đo rồi, chưa kể nhiều gia đình có 2 con cùng đi học, các em học sinh vùng sâu, vùng xa, miền núi hải đảo.
Tôi thấy bộ sách giáo khoa lớp 1 mới của các nhà xuất bản có giá thấp nhất là 188.000 đồng, cao nhất 200.000 đồng.
Ngoài sách giáo khoa môn học bắt buộc, còn có sách giáo khoa tiếng Anh (môn học tự chọn) theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới có giá từ 45.000 đến 99.000 đồng 1 cuốn, như vậy là cao hơn 4 lần so với sách hiện hành, thật không hợp lý chút nào.
Chúng ta nên có một cái ngưỡng về giá để những người làm ra sách thấy công sức của họ được quan tâm, ghi nhận, tất nhiên là giá không được cao quá, phải giám sát giá sách giáo khoa mới đảm bảo đúng tình hình thực tế hiện nay, mục đích chính là để phổ cập giáo dục, phục vụ nhiệm vụ chính trị xã hội, không để các đơn vị làm sách bỏ cuộc, nhưng cũng không để họ biến sách giáo khoa thành món hàng để thu lời
Hơn nữa, tôi thấy quá nhiều bất cập từ việc thay đổi sách, nếu nói như ngày xưa thế hệ chúng tôi học đâu có kém bây giờ, nhiều thế hệ học rất tốt và thành đạt, ra làm việc cũng rất tốt. Vậy tại sao bây giờ thay đổi sách liên tục?”.
Bà Thu cho biết: “Bọn trẻ bây giờ cũng khác xưa, ngay như các cháu quanh nhà tôi đang theo học trường tư thục cũng có những suy nghĩ khác hẳn với các cháu học trường công lập, tại sao tôi nói như vậy?
Vì tôi thấy trường công lập có nhiều thứ áp đặt quá, từ các thầy cô bị áp đặt rồi lại áp đặt lên các cháu làm cho chúng không phát huy được sáng tạo. Đây là vấn đề cần được đổi mới ngay.
Tôi theo dõi những đợt làm sách giáo khoa bằng nguồn tiền ODA, tốn kém rất nhiều nhưng những bộ sách đó cứ làm đi làm lại, bao nhiêu tiền đổ vào đó nhưng chưa hiệu quả, tiền vay thì cũng là tiền đóng thuế của người dân sẽ phải trả.
Sách giáo khoa có tác động rất lớn đối với xã hội, nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19 hiện nay, vùng sâu vùng xa kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Tôi cứ băn khoăn mãi sau bao nhiêu năm đi dạy học, kiến thức vẫn là nền tảng cơ bản và chung, có thể chưa vững nhưng sẽ được phát triển dần lên nhưng vẫn phải có một tiêu chí rành mạch
Hiện nay cái bất cập cơ bản là có nhiều bộ sách giáo khoa mới, vậy Bộ quản lý chất lượng giáo dục thế nào?
Cần phải có tiêu chí chuẩn để xem xét, lấy học trò làm trung tâm chứ đừng vì thế này thế khác abc…tôi thấy nhiều bộ sách giáo khoa như hiện nay là chưa lấy học trò làm trung tâm.
Hơn nữa điều cốt lõi là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có trách nhiệm biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn cả về chất lượng và giá thành, để từ cái mốc đó đem ra làm tiêu chuẩn chung cho việc xã hội hóa.
Như vậy thì các đơn vị làm sách giáo khoa mới không thể tăng giá cao như hiện nay được, nhưng thực tế Bộ lại không có bộ sách nào, dẫn đến thả nổi cho các nhà xuất bản tự biên soạn và đẩy lên giá cao, vậy thử hỏi Bộ Giáo dục đã làm tròn trách nhiệm của mình hay chưa?"
Theo bà Thu: "Ý kiến cá nhân tôi thì không cần thiết phải có nhiều bộ sách giáo khoa mới như vậy, rồi mỗi địa phương lại dạy theo cách khác nhau dẫn đến học sinh ở từng vùng lại có nhận thức khác nhau về một sự kiện.
Trong một đất nước mà mỗi trường lại có cách dạy khác nhau là không ổn, lớp 1 thì học bằng sách của đơn vị này, rồi lên lớp 2 lại dùng sách của đơn vị khác, như vậy sẽ không đảm bảo được chất lượng yêu cầu chung của cả nước, của một Quốc gia.
Có thể dạy bằng các phương pháp khác nhau nhưng phải yêu cầu chuẩn về cơ bản của 1 bộ sách giáo khoa. Tôi thấy càng nhiều bộ sách thì càng loạn, liệu Bộ có quản được không?
|
Ngay như về vấn đề từ ngữ của từng vùng miền, tôi ví dụ sách giáo khoa ở miền Bắc vẽ hình cái bát và viết là cái bát, nhưng với hình đó thì miền Nam lại viết là cái chén và cũng gọi là cái chén.
Chúng ta tôn trọng tiếng của từng vùng miền nhưng khi đã là nền giáo dục chuẩn của một Quốc gia thì phải dùng tiếng phổ thông.
Cứ chuẩn theo tiếng phổ thông thì cái bát cứ gọi là cái bát, rồi có thể chú thích thêm phía sau tên gọi theo tiếng địa phương. Nếu không sẽ dẫn đến sự bất đồng về nhận thức giữa học sinh các vùng miền mà sẽ không phân thắng bại, em nào cũng đúng.
Vậy đã có chuẩn tiếng phổ thông trên toàn quốc rồi thì tại sao chúng ta không dùng cho chuẩn, đã gọi là tiếng phổ thông, ngữ pháp Việt Nam thì tại sao lại phải dùng từ khác thay thế?
Có thể mở rộng ra là vùng này gọi thế này, vùng kia lại gọi khác nhưng chuẩn tiếng phổ thông thì phải chuẩn là thế này”.