Những đứa trẻ người H’Mông nay đã có chữ rồi

28/11/2019 06:26
Vũ Ninh
(GDVN) - Trong những nếp nhà thơm mùi khói bếp, một vài cụ già người H’Mông thi thoảng vẫn múa khèn, hát những câu ca: Người Mèo có chữ…rồi…

“Người Mèo có chữ…rồi…”

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn vừa nâng chén rượu vừa cười khà khà: “Người Mèo (dân tộc H’Mông) nay đã có chữ rồi”.

Cao hứng, ông Mìn ngâm nga vài câu hát: “Quê ta núi cao cao suối reo gió ngàn kêu vi vu đón trăng lên; Muôn tiếng ca vang hát mừng vui đón người Mèo có chữ rồi…Cuộc đời đôi ta đẹp như trăng lên; Ngời chiếu sáng hòa vang tiếng hát... ; Người Mèo có chữ... rồi….”.

Nhìn đồng nghiệp cắm bản để yêu công việc của mình hơn
Nhìn đồng nghiệp cắm bản để yêu công việc của mình hơn

Ông Mìn chỉ tay vào đứa cháu đang học cấp 6 tại trường Trung học cơ sở thị trấn Mường Khương nói: 

“Bọn trẻ người H’Mông bây giờ đứa nào cũng biết đọc, biết viết, nghịch điện thoại nhoay nhoáy…

Thế hệ của chúng tôi, thế hệ của bố mẹ nó làm gì có mấy ai biết chữ.

Bây giờ nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người H’Mông có chữ hết cả rồi. 

Những người thuộc diện “tồn kho”, lịch sử để lại cũng tham gia các lớp xóa mù chữ. Biết cái chữ, đời sống ấm lo hơn, sướng lắm”.

Từ xa đi lại, những đứa trẻ người dân tộc Mông khoanh tay, xếp hàng chào ngoan ngoãn: 

“Chúng em chào thầy ạ!”. Cái không khí giáo dục vùng cao, vừa dễ thương, vừa gây ấn tượng mạnh. 

Ở đây giáo dục vẫn giữ được bản chất nguyên sơ của tình cảm, của sự nhân văn…ít nhất là không bị xô bồ, thị trường hóa như ở các thành phố lớn.

Cô Trần Thu Hằng, hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ, xắn tay áo đang quét dọn trường lớp cùng học sinh. 

Những ngôi trường vùng cao được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, phòng ốc, hạ tầng (Ảnh:Đức Minh)
Những ngôi trường vùng cao được Nhà nước đầu tư về cơ sở vật chất, phòng ốc, hạ tầng (Ảnh:Đức Minh)

Cô Hằng phấn khởi: “Các em học sinh bây giờ thích đến trường lắm. Nhiều khi cuối tuần học sinh còn xin ở lại trường vì về nhà bố mẹ bắt lên nương, lên rẫy. Ở trường có các thầy cô chăm bẵm, được ăn ngon, mặc ấm lại được vui chơi. 

Học sinh đi học bây giờ sướng lắm, không còn khổ và vất vả như trước đây. Một phần đến từ sự đầu tư và quan tâm của Đảng, Nhà nước.

Những ngôi trường bán trú như trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ được xây dựng mới, đầu tư phòng ốc, cơ sở khang trang”.

Len lỏi trong những lời tâm sự của cô Hằng là tiếng nhạc, tiếng hát của học sinh vọng ra từ phòng âm nhạc.

Vàng A Lầu xung phong làm quản ca. Cô bé người dân tộc H’Mông chững chạc bắt nhịp các bạn hát những bài hát tiếng Kinh, tiếng Mông, dân ca Bắc Bộ rất thành thục.

Nhìn Vàng A Lầu đi học, chẳng ai nghĩ được rằng trước kia đến vận động Lầu đi học, anh Sinh, bố của Lầu còn đuổi mắng cô giáo: “Cô để cho cháu ở nhà làm rẫy với tôi. Mẹ cháu mới sinh em, không có ai đi làm rẫy”.

Vàng A Lầu còn nhỏ chưa hiểu đi học là gì? trong nhà cũng không ai biết chữ, nào biết con chữ nó tròn, nó vuông ra làm sao? Lầu chỉ thấy các cô nói: “Đi học vui lắm!”.

Học sinh vùng cao được Nhà nước tạo mọi điều kiện cho ăn học (Ảnh:V.N)
Học sinh vùng cao được Nhà nước tạo mọi điều kiện cho ăn học (Ảnh:V.N)

Đứa trẻ người H’Mông cuối cùng cũng được bố mẹ cho xuống núi đi học. Gần 5 theo học tại trường Trung học cơ sở Tả Ngài Chồ, Vàng A Lầu được các thầy cô chăm sóc từng cái ăn, cái mặc, được dạy chữ, dạy đàn, dạy hát.

A Lầu vui sướng khoe: “Em thích đi học lắm, đến trường được ăn ngon, mặc ấm, được vui chơi. Em rất biết ơn các thầy cô đã cho em đi học”.

Những người H’Mông nay đã có chữ rồi. Tại ngôi trường 100% con em là người dân tộc H’Mông cô Hằng thông báo: “Tỷ lệ chuyên cần của nhà trường luôn đạt từ 98%-100%.

Nhiều năm trước đây để vận động một đứa trẻ người H’Mông đi học rất vất vả. Có những ngày chúng tôi phải đến tận nhà để vận động, phụ huynh còn không hợp tác, mắng chửi.

Nhưng hiện nay phụ huynh rất yên tâm trao con cho nhà trường. Bởi họ biết ở trường các con được ăn ngon, mặc ấm, được các thầy rèn vào nội quy, biết lễ phép, biết chào hỏi, tính toán con chữ”.

Quả thật đối với những người làm báo Giáo dục như chúng tôi, có chứng kiến sự thay da đổi thịt của bức tranh giáo dục vùng cao mới thấy được sự đầu tư và quan tâm của Đảng, Nhà nước vô cùng lớn.

Giữa lưng quả đồi được đánh phẳng để xây trường, nhiều ngôi trường tại huyện Mường Khương (Lào Cai) được đầu tư cả phòng âm nhạc, phòng thí nghiệm, phòng vi tính.

Học sinh học bán trú được ăn ngon, mặc ấm, sướng hơn so với ở nhà (Ảnh:V.N)
Học sinh học bán trú được ăn ngon, mặc ấm, sướng hơn so với ở nhà (Ảnh:V.N)

Người H’Mông nay đã biết con chữ rồi, anh Sinh nói: “Chúng tôi ơn Đảng, Nhà nước và các thầy cô nhiều lắm”.

Cô Hằng bày tỏ: “Không phải ngẫu nhiên mà các ngôi trường vùng cao, giáo dục vùng cao có sự thay da đổi thịt như ngày hôm nay. Trước hết phải nói đến sự đầu tư của Nhà nước cho giáo dục.

Các con đến đây gạo Nhà nước cấp, tiền ăn uống, sinh hoạt Nhà nước lo. Phụ huynh gửi con ở đây chẳng phải bận tâm gì.

Ngoài ra cơ sở vật chất cũng được Nhà nước đầu tư vô cùng khang trang, sạch đẹp kết hợp với nhiều phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ được học sinh rất thích”.

Thay đổi cuộc đời nhờ con chữ

Nhà thơ Pờ Sảo Mìn tổng kết lại cuộc đời mình bằng một câu: “Tôi có được ngày hôm nay là nhờ Nhà nước cho đi học, biết con chữ.

Và tôi cũng mong muốn những đứa trẻ vùng cao có thể được đi học, không mong các em có thể thành đạt chỉ mong các em có thể lên người.

Cả cuộc đời gắn bó với con chữ, vợ tôi cũng làm giáo dục cho nên tôi nghiệm rằng giáo dục gần như là con đường thoát nghèo duy nhất và bền vững nhất.

Phóng sự ảnh: Niềm vui cơm có thịt của học sinh bán trú trường Nậm Khắt
Phóng sự ảnh: Niềm vui cơm có thịt của học sinh bán trú trường Nậm Khắt

Tôi cũng thấy Nhà nước mình rất đầu tư cho giáo dục.

Thời tôi đi học làm gì được như bây giờ. 

Chỉ mong sao có nhiều hơn những đứa trẻ người H’Mông và các dân tộc khác được học con chữ, quánh quẩy xuống phố tiến thân lập nghiệp”.

Trong đôi mắt trong sáng của Vàng A Lầu cũng ấp ủ một ước mơ trở thành giáo viên đem con chữ về cho bản làng em. 

A Lầu nói: “Được đi học em rất thích. Không chỉ là biết viết tên, biết tính toán mà em còn được dạy múa hát, dạy cách làm người”.

Gần 20 năm làm công tác hiệu trưởng, cô giáo Trần Thu Hằng cho rằng: Ý nghĩa lớn nhất của giáo dục là thay đổi một con người.

Cô Hằng tâm sự: “Ý nghĩa lớn nhất của giáo dục không phải vì mong các cháu thành ông nọ, bà kia. 

Thầy cô chỉ mong có thể giúp các em nhận thức được thay đổi cuộc sống từ nếp ăn, nếp ở, sinh hoạt.

Dù sau này các em có đi đâu thì những bài học tại trường vẫn ứng dụng được trong cuộc sống. Các em thay đổi vì cả cuộc sống và thế hệ sau này, con cháu của các em.

Tôi có nhiều thế hệ học trò rất thành đạt, giàu có, địa vị. Các em đều nói rằng: Sự thay đổi và thành công của cuộc sống là do con chữ, do các thầy cô mang lại.

Không khí giáo dục vùng cao nói chung vẫn giữ được nguyên giá trị và bản ngã của nó: Tất cả vì con người”.

Con đường chân chính và gần như là duy nhất giúp học sinh thoát nghèo đó là con chữ (Ảnh:V.N)
Con đường chân chính và gần như là duy nhất giúp học sinh thoát nghèo đó là con chữ (Ảnh:V.N)

Những câu nói của cô giáo Hằng khiến nhiều người phải suy ngẫm về ý nghĩa của 2 chữ giáo dục. 

Bao lâu nay, người ta vẫn loay hoay tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vậy thật ra giáo dục là gì? Suy cho cùng như cô Hằng đã đúc kết: Giáo dục tất cả vì con người.

Chia tay nhà thơ Pà Sảo Mìn, em Vàng A Lầu, cô Trần Thu Hằng, bên tai chúng tôi còn văng vẳng câu hát: “Cuộc đời đôi ta đẹp như trăng lên; Ngời chiếu sáng hòa vang tiếng hát... ; Người Mèo có chữ... rồi….”.

Vũ Ninh