Nỗi đau của ngành giáo dục

15/05/2019 06:39
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Một số nhà giáo đã phạm pháp, làm những điều trái với luân thường đạo lý và làm ảnh hưởng chung đến hình ảnh người thầy trong cả nước.

Khi chúng ta sống trong một nhà nước pháp quyền thì bất kỳ ai vi phạm pháp luật của nhà nước đều bị xử lý đúng theo luật pháp hiện hành. Chuyện  khởi tố, bắt giam những cá nhân, tập thể phạm pháp thì chúng ta vẫn thấy thường xuyên.

Nhưng, mỗi lần đọc báo thấy cơ quan điều tra bắt một nhà giáo nào, có lẽ mọi người đều thấy chạnh lòng xót xa.

Bởi, họ được đào tạo để làm thầy, họ đã từng đứng lớp và dạy dỗ học trò không chỉ về tri thức mà còn dạy về nhân cách làm người nhưng trớ trêu ở chỗ là chính những cá nhân người thầy đó lại vướng vào những việc phi pháp.

Một số nhà giáo này không chỉ đã làm những điều trái với luân thường đạo lý mà còn làm ảnh hưởng chung đến hình ảnh người thầy trong cả nước.

Nhìn những hình ảnh như thế này, chúng ta không khỏi xót xa (Ảnh minh họa: Báo Lao động)
Nhìn những hình ảnh như thế này, chúng ta không khỏi xót xa (Ảnh minh họa: Báo Lao động)

Thầy giáo- cũng là một con người, cũng đều có những mối quan hệ với mọi người, cũng có những ích kỷ cá nhân, những ham muốn …như bao con người khác.

Song, vượt lên trên tất cả những cái bản năng tầm thường của con người thì người thầy cần có những giới hạn của lòng tham và bước dừng lại trước cái xấu, cái ác, những điều trái với đạo đức của một nhà giáo.

Nhưng, vẫn có một số người thầy đã gần như suốt cuộc đời gắn bó với sự nghiệp trồng người thì đến lúc về già lại "trở chứng" làm những điều sai trái.

Trong những người thầy mà đã bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam, chúng ta thấy nổi lên hiện tượng là có một số thầy giáo đã không kìm nén được dục vọng thấp hèn của mình nên đã trở thành những con quỷ dữ.

Một số thầy giáo đã tự đánh mất mình khi có những hành động không đúng mực trước học trò của mình.

Chúng ta từng chứng kiến những người thầy như: Sầm Đức Xương, Đinh Bằng My…và mới đây nhất là thầy giáo Nguyễn Việt Anh (Lào Cai) đã để lại một hậu quả nặng nề cho học trò của mình.

Những hành động như vậy của những người thầy không chỉ bị pháp luật trừng trị mà lương tâm của họ khi ngồi trong nhà giam chắc cũng cắn rứt, nhục nhã cho việc làm đê hèn của mình.

Khi hết hạn tù, những người thầy như vậy liệu sẽ ăn nói sao với gia đình, với con cái, với những học trò  và mọi người sống xung quanh mình?

Nỗi đau của ngành giáo dục ảnh 2Khởi tố, bắt tạm giam Phó Trưởng ban chấm thi Hòa Bình

Khi sống trong nền kinh tế thị trường, nhiều giá trị đạo đức bị đảo lộn. Nhiều hiệu trưởng nhà trường đứng ra làm cò chạy việc.

Họ có ưu thế là làm việc trong ngành giáo dục, có mối quan hệ rộng với lãnh đạo địa phương nên móc nối với những giáo viên hợp đồng, với những sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc để nhận tiền chạy việc.

Nhiều cuộc thi tuyển dụng trở thành bình phong để một số lãnh đạo, trong đó có những lãnh đạo ngành giáo dục, những hiệu trưởng nhà trường móc nối và “làm xiếc” với nhau.

Một số người có tiền thì được tuyển dụng, một số người thi bằng chuyên môn thì rớt. Những giáo viên đã đưa tiền nhưng vì không được việc nên họ đứng ra tố cáo.

Một số hiệu trưởng bị khởi tố, bị đứng trước vành móng ngựa như ông Huỳnh Bê, hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Ngô Mây (Đăck Lắk) vừa bị kết án 14 năm tù ngày 24/4/2019 là một ví dụ.

Nhìn bộ dạng tiều tụy của ông Huỳnh Bê tại tòa với mái tóc bạc phơ đang phải trả giá cho việc làm tham lam của mình thấy thật cám cảnh.

"Điển hình" cho việc nhà giáo bị khởi tố và bắt giam là sự việc tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Ngày 13/5/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bà Diệp Thị Hồng Liên, Phó Trưởng phòng khảo thí và Quản lý chất lượng Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình.

Bà Liên bị bắt vì trong kỳ thi năm 2018 với nhiệm vụ được phận công là Phó Trưởng Ban chấm thi, phụ trách chấm bài thi tự luận môn Ngữ văn nhưng đã “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” để làm điều phi pháp.

Nỗi đau của ngành giáo dục ảnh 3Có bao nhiêu Hiệu trưởng làm “cò” chạy việc?

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại đã có 18 nhà giáo bị khởi tố và bắt giam và chưa chắc con số này đã được dừng lại. Trong số họ đa phần là lãnh đạo Sở Giáo dục và phần lớn đều có địa vị cao trong ngành.

Nếu nói về tiền, chúng tôi nghĩ rằng trong số 18 nhà giáo bị khởi tố và bắt giam thì chỉ có 3 giáo viên Ngữ văn- đang là giáo viên trực tiếp giảng dạy có thể là còn khó khăn bởi cả 3 cô cũng trẻ hơn cả.

Những người còn lại chắc không đến nỗi nghèo vì tiền bởi họ đã có nhiều năm làm lãnh đạo quản lý. Nhưng, cái chính là họ “nghèo” về nhân cách.

Là những lãnh đạo ngành giáo dục đang trực tiếp chỉ đạo, điều hành Hội đồng chấm thi mà đang tâm nâng khống điểm cho 222 thí sinh. Đương nhiên, khi cơ hội dành cho thí sinh này cũng đồng nghĩa là thí sinh khác mất cơ hội.

Điều tréo ngoe ở chỗ là họ đã “ưu tiên” cho những thí sinh là con của một số quan chức, con của lãnh đạo của 3 địa phương này. Những con nông dân thì gần như không bao giờ có cơ hội được ưu ái như vậy.

Điều đáng buồn nhất, trong số những người bị bắt, bị khởi tố có một số nhà giáo đã và đang là giáo viên dạy Văn- một môn học quan trọng trong trường phổ thông có nhiệm vụ giáo dục học sinh về nhân cách.

Vì thế, cho dù họ nhận tiền để làm việc phi pháp hay nhận được một chỉ đạo, một sự nhờ vả của một ai đó thì việc làm của 18 nhà giáo ở 3 địa phương này cũng đều đáng lên án vô cùng.

Ngành giáo dục nước nhà hiện có hơn 1 triệu nhà giáo đang công tác. Những sự cố, những sai phạm xảy ra là điều khó tránh khỏi. Nhưng, khi mà nhà giáo vi phạm về phạm trù đạo đức là điều không thể chấp nhận được.

Cuộc sống nhà giáo dù còn khó khăn nhưng mỗi người thầy cần nêu cao phẩm chất đạo đức của mình trước mọi người, nhất là đối với học trò. Mỗi thầy cô phải thực sự là một tấm gương sáng chứ không phải “tấm gương” nằm trong khẩu hiệu để hô hào.

Khi người thầy “sáng” thì mới đào tạo, giáo dục ra những học trò “sáng”, mới làm tiền đề tốt cho xã hội cả hiện tại và trong tương lai.

NGUYỄN CAO