Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã xây dựng kịch bản đón học sinh trở lại trường với 4 giai đoạn, trong đó dự kiến giai đoạn đầu cho cho học sinh khối 9 và 12 đi học từ ngày 4/5 để chuẩn bị các kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông.
Lúc này, do số học sinh đi học ít nên đủ phòng và đủ cơ số giáo viên để chia tách ra từng lớp nhỏ, đảm bảo khoảng cách giãn cách học sinh tối thiểu 1,5 m theo quy định của Bộ Y tế.
Giai đoạn 2 dự kiến khoảng sau đó 2 tuần, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, đảm bảo học sinh có thể đi học lại bình thường sẽ cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 đi học.
Giai đoạn 3, dự kiến tuần cuối cùng của tháng 5, học sinh từ lớp 1 đến 12 sẽ trở lại trường. Riêng lứa tuổi mầm non sẽ là giai đoạn cuối cùng đi học, nếu dịch kiểm soát tốt sẽ cho các cháu đi học trở lại từ đầu tháng 6.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp: "Dự kiến cho lớp 12 đi học trước, khoảng 2 tuần sau đó cho các khối còn lại đi học tiếp, nếu như vậy thì trường chúng tôi không lấy đâu ra đủ số phòng học để mà đáp ứng được 1,5 m2 cho 1 học sinh, còn nếu có chia ca học ra thì giáo viên lấy đâu ra sức để mà dạy”. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam về những băn khoăn khi phải tách lớp 12 thành 2 lớp cho đúng với theo quy định giãn cách hiện nay là 1,5 m, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội, chia sẻ: “Nếu tách lớp ra như vậy thì trường chúng tôi không đủ giáo viên để giảng dạy.
Hơn nữa số giáo viên hiện nay đang dạy lớp 12 nhưng vẫn phải dạy cả lớp 10 và lớp 11, chứ đâu phải chỉ dạy riêng một khối 12.
Bình thường giáo viên dạy 17 tiết trong 1 tuần, nếu tách lớp thì số buổi dạy của mỗi giáo viên sẽ tăng gấp đôi, 1 tiết học sẽ thành 2 tiết, việc đó dẫn đến giáo viên dạy thừa giờ, vậy thì chúng tôi lấy đâu ra kinh phí để trả những tiết dạy thêm đó cho các thầy cô?
Còn nếu nhà trường chỉ tập chung vào dạy lớp 12 thôi thì lấy đâu ra giáo viên để dạy Online lớp 10 và lớp 11?
Một giáo viên thậm chí là dạy cả 3 khối, vậy nên chúng tôi cũng đã bàn một số phương án, thứ nhất là ngày 4/5 vẫn dạy trực tuyến cả trường. Phương án 2 là dạy học sinh trực tiếp nếu tất cả đồng loạt đi học trở lại.
Ban giám hiệu đã phải bàn đến phương án 3 là khối 12 học trực tiếp, khối 10 và 11 học trực tuyến, vậy nên chúng tôi phải điều chỉnh số tiết học như thế nào cho phù hợp?
Ví dụ có giáo viên đến trường dạy khối 12 vào tiết 1 và tiết 2, nhưng sẽ phải bố trí để nếu tiết 3 dạy trực tuyến thì giáo viên đó vẫn có thể dạy luôn ở trường, nó là cả một bài toán nan giải.
Nếu học sinh lớp 12 đi học trước thì việc dạy trực tuyến và dạy trực tiếp không tương đồng với nhau. Vậy nên để đảm bảo được tiến độ như bình thường thì bắt buộc chúng tôi lại phải điều chỉnh lại toàn bộ.
Còn việc tách mỗi lớp học sinh lớp 12 ra thành 2 lớp thì nói thật là ban giám hiệu chúng tôi đã bàn là không thể giãn được, bản thân giáo viên thuộc biên chế của trường cũng rất ít, luôn luôn có xu hướng tiết kiệm biên chế, tính toán làm sao để giảm tối đa theo tinh thần chỉ thị tinh giảm biên chế.
Hơn nữa có phải giáo viên nào cũng có thể đưa vào dạy lớp 12, đó cũng là một bài toán chưa có lời giải nhất là trong giai đoạn như hiện nay, giáo viên đang dạy lớp 10 giờ lại chuyển sang dạy lớp 12, cô trò chưa quen nhau thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Vẫn phải là những người đang dạy thì mới hiểu được tính cách cũng như trình độ tiếp thu kiến thức của từng học sinh, đâu phải trình độ em nào cũng như nhau”.
Cô Nhiếp cho biết: "Hiện chúng tôi có 462 học sinh lớp 12 chia đều cho 12 lớp và gần 80 giáo viên dạy các khối, nếu theo quy định giãn khoảng cách thì sẽ chia thành 24 lớp, vậy chúng tôi lấy đâu ra giáo viên để dạy". Ảnh học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Hòa. |
Không quá lo về học phần
Dự kiến 8/8 sẽ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, như vậy là còn khoảng 10 tuần là đến kì thi, theo cô Nhiếp: “Việc này đối với Trường Trung học phổ thông Yên Hòa thì không đáng lo, vì trong suốt thời gian nghỉ vừa qua chúng tôi vẫn tiến hành giao bài ôn tập kết hợp với dạy trực tuyến, học qua truyền hình.
Dự kiến khoảng 15/6 là chúng tôi hoàn thành chương trình bởi phần giảm tải của Bộ khá là nhiều, sau thời gian đó chúng tôi chỉ tập trung vào ôn tập củng cố kiến thức cho các em.
Hi vọng thời gian đó dạy trực tiếp các em ở trên lớp sẽ tốt hơn rất nhiều so với dạy trực tuyến, nhưng việc này cũng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như việc tiếp thu của học sinh, cũng như trình độ và kỹ năng của giáo viên, vì thế thứ mà chúng tôi cần nhất trong lúc này là quỹ thời gian ôn tập.
Kế hoạch của chúng tôi nếu mùng 4/5 đi học thì các em sẽ phải qua một bài kiểm tra xem kiến thức trong thời gian học trực tuyến vừa qua ra sao, từ đó sẽ biết được kiến thức của các em để có hướng bổ sung phù hợp.
Kiểu thi năm nay thay đổi như vậy nên chúng tôi phải xoay chuyển rất nhiều, bình thường khối D1 ở Trường Yên Hòa là mạnh nhất, thứ 2 là khối A1 Toán - Lý - Anh.
Nhưng cho dù thế nào thì ban giám hiệu nhà trường chúng tôi cũng lấy học sinh làm trung tâm, tất cả vì học sinh để làm sao giúp cho các em có được một kì thi có kết quả tốt nhất.
Hiện nay chúng tôi rất muốn biết rõ phương án xét tuyển, quy chế chung nhất ra sao, để từ đó nhà trường sẽ hướng dẫn học sinh có được kiến thức và phương pháp ôn tập thực tế.
Còn dự kiến cho lớp 12 đi học trước, khoảng 2 tuần sau đó cho các khối còn lại đi học tiếp, nếu như vậy thì trường chúng tôi không lấy đâu ra đủ số phòng học để mà đáp ứng được 1,5 m2 cho 1 học sinh, còn nếu có chia ca học ra thì giáo viên lấy đâu ra sức để mà dạy”.