Học trực tuyến, học qua truyền hình không phải là khoán hết cho học sinh

23/03/2020 06:33
Tùng Dương
(GDVN) - Muốn dạy trực tuyến được tốt, mặc dù không có học sinh trực tiếp nhưng giáo viên nên cảm nhận là các em ngồi đó, như vậy sẽ có cảm giác thực để dạy hiệu quả.

“Khi học trực tuyến hay học qua truyền hình thì theo tôi giáo viên phải liên lạc thường xuyên với phụ huynh, để họ hiểu được đây là vấn đề học chính khóa, chứ không phải là học để đối phó trong thời gian nghỉ phòng chống dịch.

Truyền tải ý thức học, cộng với sự kết hợp nhắc nhở, giám sát ở nhà của phụ huynh, vì thế nên phụ huynh phải cùng vào cuộc, đó là điều rất quan trọng nhất. Còn học sinh chắc chắn sẽ có em chăm học và cũng có em chưa chăm.

Trong lớp thì tôi đã liên lạc và thông báo đến từng phụ huynh rõ nội dung, quy trình học, rằng học sinh phải tiếp thu ghi chép bài đầy đủ, điểm số sẽ lấy trực tiếp luôn chứ không phải chỉ là học cho vui, sau này giáo viên sẽ không có thời gian để dạy lại cho các em nữa”, cô Nguyễn Thị Thúy - Giáo viên dạy môn Toán Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy, Thừa Thiên Huế, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy: "Trong lớp thì tôi đã liên lạc và thông báo đến từng phụ huynh rõ nội dung, quy trình học rằng học sinh phải tiếp thu ghi chép bài đầy đủ, điểm số sẽ lấy trực tiếp luôn chứ không phải chỉ là học cho vui". Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy: "Trong lớp thì tôi đã liên lạc và thông báo đến từng phụ huynh rõ nội dung, quy trình học rằng học sinh phải tiếp thu ghi chép bài đầy đủ, điểm số sẽ lấy trực tiếp luôn chứ không phải chỉ là học cho vui". Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Thúy cho biết: “Trong thời gian vừa qua tôi đã dành thời gian hướng dẫn học sinh của mình cách sử dụng một số phần mềm để học Online, và các em đã sử dụng thành thạo, đồng thời thông báo luôn lịch học để các em nắm được.

Tôi thường xuyên theo dõi những tiết dạy trên truyền hình trong thời gian qua, sau đó lập các nhóm học sinh của lớp mình dạy thông qua phần mềm Zoom, đồng thời triển khai đưa kiến thức đến các em, bổ sung những điều còn thiếu khi các em học qua truyền hình.

Buổi sáng các em theo dõi tiết học trên truyền hình thì bản thân tôi cũng ngồi theo dõi, ghi chép lại để đến giờ học Online sẽ giải đáp những thắc mắc mà các em chưa hiểu, có như vậy thì học qua truyền hình mới có hiệu quả.

Đúng 20h tối cùng ngày tất cả lớp phải ngồi vào bàn học, bật Webcam lên, sách vở đàng hoàng và bắt tay vào làm bài tập. Tôi cũng yêu cầu các em có trang phục nghiêm túc để tạo cảm giác cho học sinh đây là những tiết học chính khóa, điều đó sẽ giúp học sinh có thái độ học tập tích cực  hơn.

Đầu mỗi tiết dạy Online tôi đều tiến hành điểm danh học sinh, và xem đây như là điểm danh trên lớp, sẽ tính vào điểm chuyên cần của các em.

Cá nhân tôi thấy những tiết học trên truyền hình hiện nay giống như là bài thuyết trình nhiều hơn là truyền kiến thức, nó rất khó đi vào lòng người, do đó phần kỹ năng của giáo viên cần phải được tập huấn và thay đổi.

Và nếu cứ tiếp tục dạy như vậy thì chắc chắn kiến thức truyền tải đến học sinh chỉ đạt được 50% là cùng, chính vì vậy mà phần tương tác của giáo viên và phụ huynh đối với học sinh phải rất chặt chẽ.

Chỉ có giáo viên mới hiểu được học sinh của lớp mình dạy có trình độ tiếp thu ra sao, có đồng đều hay không, mạnh và yếu ở điểm nào để bổ trợ cho các em sau tiết dạy.

Về phần tương tác của giáo viên, bắt buộc các giáo viên bộ môn cũng phải xem tiết dạy đó để nhắc lại những phần kiến thức chưa được truyền đạt hết, giải đáp cho học sinh của mình những phần chưa rõ, đó là nhiệm vụ của giáo viên, chứ không phải giáo viên cứ để mặc các em tự học qua truyền hình.

Sau tiết học trên truyền hình, tôi thường dùng công cụ Zoom để bổ trợ tiếp cho học sinh theo nhóm, nhóm khá thì tôi bộ trợ nâng cao, còn nhóm yếu hơn tôi lại phải có biện pháp hỗ trợ cần thiết để các em hiểu được bài.

Còn nếu cứ phó mặc cho truyền hình thì làm sao học sinh học có chất lượng được. Nhưng nếu bây giờ chúng ta nói học qua truyền hình không chất lượng và không triển khai thì hoàn toàn không được, đây là điều kiện bắt buộc trong thời gian này nên tất cả phải khắc phục, không thể bàn lùi được”.

Cô Thúy nhấn mạnh: “Phải đánh thẳng vào tâm lý học sinh và phụ huynh rằng việc học này là cấp thiết, bắt buộc, chứ không phải như những bài học phụ, thích thì học mà không thích thì nghỉ.

Học Online là giải pháp tức thời trong một hoàn cảnh bắt buộc, và nếu tình trạng này kéo dài thì chắc chắn sẽ phải công nhận kết quả, còn học sinh nào đứng ngoài cuộc, không đảm bảo được tiến độ học phần thì chắc chắn sẽ phải ở lại lớp.

Phụ huynh cũng phải ý thức và giúp đỡ con mình trong thời gian này, không thể vì một vài học sinh không đảm bảo được tiến trình học, mà bỏ luôn việc công nhận kết quả Online chung thì cũng không được”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy, Thừa Thiên, Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy và các em học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Duy, Thừa Thiên, Huế. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cần tạo cảm giác cho người học

“Phần dạy trực tuyến nên có phong cách thoải mái một chút, từ vị trí bảng, đứng dạy…mọi thứ phải thoải mái, nhưng khi quan sát trên truyền hình thì tôi thấy không khí nó quá nghiêm túc, quá đàng hoàng khiến cho cảm giác hơi chán.

Tôi cũng đã được học rất nhiều qua trực tuyến, Online của nước ngoài, những tiết học đó họ cũng dạy phổ cập toàn dân chứ không phải riêng cho một đối tượng nào, nhưng phong cách của giáo viên rất thoải mái, từ cử chỉ vung tay, ánh mắt của họ như thể họ đang dạy trực tiếp.

Họ có những tương tác như thể có học sinh ngay trước mặt, họ nheo mắt, lắng nghe như đang đợi những câu hỏi của học sinh, và chính những động tác lắng nghe đó khiến cho người học có phản xạ trả lời ngay, mặc dù là học trực tuyến.

Giáo viên họ thường có những câu hỏi như theo các bạn thì ý này thế nào, có thể đọc ra sao? Và họ dừng lại vài giây đồng hồ, nheo mắt như đợi câu trả lời của học sinh, cảm giác lúc đó của tôi là rất muốn trả lời ngay câu hỏi đó.

Muốn dạy tốt thì mặc dù dạy Online không có học sinh phía trước, nhưng giáo viên nên cảm nhận là có các em ngồi đó, như vậy mới có cảm giác thực để dạy có hiệu quả.

Còn về giáo án thì việc chuẩn bị cho dạy Online sẽ rất tỉ mỉ, hướng dẫn cẩn thận và giáo án nên theo hướng các câu hỏi để học sinh trả lời, như vậy sẽ thú vị hơn là việc giáo viên sẽ bảo bài học này gồm 1 gạch đầu dòng, 2 gạch, mục 2 gồm …thì lúc đó học sinh có cảm giác chỉ ghi chép lại thôi chứ không phát triển được ý tưởng, kiến thức không vào đầu các em được.

Thông qua câu hỏi thì học sinh sẽ  bắt buộc phải động não, khuyến khích được các em tham gia đóng góp kiến thức vào bài giảng, lúc này bài giảng sẽ là kiến thức chung, giáo viên là người hệ thống lại và chốt đáp án, học sinh có cảm giác đang được tương tác với giáo viên thật sự mặc dù chỉ là Online.

Còn nếu giáo viên cứ nói liên tục thì chắc chắn tôi cũng không muốn trả lời, mặc dù lúc đó tôi trả lời thì cũng chỉ có mình tôi nhưng sẽ có cảm giác rất gần với giáo viên, tạo cảm giác muốn học.

Trong khi giáo viên cứ nói với máy quay, chỉ là độc thoại và cứ như vậy sẽ giảm tương tác của học sinh với tiết học, mặc dù giáo viên đã rất cố gắng nhưng kết quả không được như mong muốn.

Khi theo dõi dạy trực tuyến trên truyền hình, tôi chỉ nghe và nghe thôi nhưng não tôi không hề hoạt động, vì thực chất là giáo viên không dành thời gian cho tôi hoạt động, giáo viên cứ nói hết những gì họ muốn nói.

Tôi thấy dạy Online phải tác phong gần giống như chuyên mục "dự báo thời tiết" thì mới được, phải thoát khỏi giáo án, phải thoát khỏi cái máy tính trước mắt thì mới là dạy, chứ còn cứ từng bước 1,2,3… như hiện nay thì làm sao thu hút được học sinh”.

Cô giáo Nguyễn Thị Thúy và học sinh trong buổi tổng kết năm học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cô giáo  Nguyễn Thị Thúy và học sinh trong buổi tổng kết năm học. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô Thúy chia sẻ: “Tôi thấy như vậy là các giáo viên đã rất cố gắng, nhiệt tình nhưng vì họ chưa bao giờ dạy như vậy, hơn nữa hiện nay ngành giáo dục đang trong lúc bắt buộc phải dạy bằng hình thức trực tuyến, Online nên các giáo viên không khỏi bỡ ngỡ.

Nhiều phụ huynh học sinh cũng hỏi tôi rằng học Online như vậy có hiệu quả không? Tôi nói rằng vì tình hình đất nước đang như vậy, do đó bắt buộc chúng ta phải chung tay, phụ huynh phải vào cuộc để giúp học sinh chứ không phải khoán hết cho giáo viên được.

Nếu phụ huynh có cảm giác lơ là, kệ cho con học thì kết quả sẽ không tốt, như vậy phụ huynh phải chấp nhận thôi.

Học trực tuyến, học qua truyền hình không phải là khoán hết cho học sinh ảnh 4

7 bí kíp sử dụng phần mềm miễn phí tổ chức dạy - học hiệu quả trong mùa dịch

Tôi thấy khâu giáo viên hướng dẫn phụ huynh và học sinh cũng rất quan trọng, ngay như trường tôi thì ban giám hiệu cũng đã cấp kinh phí cho giáo viên để duy trì liên lạc thường xuyên với phụ huynh và học sinh trong thời gian này.

Tôi phân tích cho phụ huynh một cách nghiêm túc để họ truyền đạt lại cho các em thấy được việc cấp thiết phải học Online, trực tuyến như thế nào, không được bàn lùi, không thể nói là hiểu hay không hiểu, mà phải ngồi nghiêm túc để học.

Các giáo viên trong trường cũng thường xuyên liên lạc với nhau để xem những tiết dạy trên truyền hình thường bị vướng ở chỗ nào để từ đó rút kinh nghiệm, cũng như gỡ rối cho học sinh của mình sau khi các em theo dõi tiết học đó, có như vậy thì việc dạy và học trực tuyến mới có hiệu quả tốt.

Dạy Online ở đây là mình không dạy tiếp một bài học, mà là dạy lại, củng cố kiến thức của bài ngày hôm nay khi học qua truyền hình, chứ không phải dạy bài cho ngày mai. Đó là mục đích chính của giáo viên khi học sinh học trực tuyến”.

Tùng Dương