Ngày 21/11/2019, Báo VnExpress.net đưa tin: “Chính phủ yêu cầu đánh giá lại sách Công nghệ giáo dục”.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao rà soát việc thẩm định sách giáo khoa, trong đó có chương trình thực nghiệm.
Trước đó, ngày 15/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, Phó giáo sư Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm (sách giáo khoa Công nghệ giáo dục).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng có trách nhiệm chỉ đạo rà soát việc thẩm định sách giáo khoa, trong đó lưu ý đánh giá về chương trình thực nghiệm; tổ chức đối thoại giữa các bên để tiếp thu trên tinh thần cầu thị, xây dựng, đúng pháp luật.
Là người nghiên cứu về ngôn ngữ, chúng tôi khẳng định, sách Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại còn nhiều bất cập về ngữ âm, từ vựng khiến cho việc dạy học còn gặp nhiều khó khăn.
Bất cập về ngữ âm
Về mặt ngữ âm, cách đánh vần của sách Công nghệ giáo dục gây nhiều tranh cãi nhất trong thời gian vừa qua.
Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao? |
Chúng tôi đã trao đổi với Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngôn ngữ học Dương Hữu Biên (Trưởng khoa Ngữ văn và Văn hóa học, Trường Đại học Đà Lạt) về vấn đề này thì được thầy chỉ ra một số bất cập của cuốn sách như sau:
Thứ nhất, sách Công nghệ giáo dục đang rơi vào chỗ nhầm lẫn nghiêm trọng, đó là, tác giả sách giáo khoa không phân biệt được công việc của nhà nghiên cứu với người sử dụng ngôn ngữ; không xác định được quyển sách đó viết ra cho đối tượng nào tiếp cận; không phân biệt được đâu là tri thức đại học và đâu là tri thức phổ thông.
Theo cách đánh vần của cuốn sách này thì học sinh tiểu học, thầy, cô giáo và cả phụ huynh phải hiểu được những khái niệm ngữ âm học, âm vị học tiếng Việt, phải làm luôn công việc nghiên cứu ngôn ngữ.
Những âm vị học xa lạ và khó hiểu như âm đầu, âm đệm, âm chính, âm cuối (thuộc cấu trúc âm tiết tiếng Việt) không nhất thiết phải bắt học sinh lớp 1 hiểu.
Chính những âm vị đó làm phức tạp hóa nhiệm vụ nhớ mặt chữ và đánh vần thành tiếng của bậc học có tính chất “vỡ lòng” này.
Đối với trẻ em, điều quan trọng là đọc thông viết thạo để thành bản năng ngôn ngữ thì các nhà nghiên cứu lại không tính đến. Vì thế chương trình ít chú tâm rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, sử dụng tiếng Việt, tác động tiêu cực đến nói và viết.
Thứ hai, âm và chữ là hai phạm trù khác nhau, vì âm liên quan đến nhận diện âm thanh, còn chữ liên quan đến nhận diện hình ảnh. Đọc chữ (nhận diện hình ảnh) không thể đồng nhất với đọc âm (nhận diện âm thanh).
Thầy Biên nói rằng, đánh vần là việc bất đắc dĩ khi học tiếng Việt. Ví dụ, từ “biên” đọc nuốt âm sẽ đọc là [iên-bờ-iên-biên] hoặc rõ từng âm là [bờ-i-ê-n].
Nhưng sách của thầy Đại đã lẫn lộn giữa việc đọc chữ với việc đọc âm, không tập trung vào mục đích nhận diện chữ viết để viết đúng chính tả, đó là chưa kể vô tình bắt trẻ em trình độ lớp 1 phải nhận diện một cách khoa học vấn đề âm vị vốn là tri thức của đại học.
Thứ ba, [d], [gi] là 2 phụ âm với hai âm đọc khác nhau. Nếu dựa vào thực tiễn phát âm người Việt, có thể coi [d] và [gi] cùng âm đọc “dờ” thì tạm chấp nhận được.
Sách Công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại bị loại, oan ức gì? |
Trong khi đó, [c], [k], và [qu] thuộc về chữ viết (nhận diện hình ảnh) lại nhầm lẫn sang phạm trù âm vị (nhận diện âm thanh) đọc thành “cờ” là mâu thuẫn, thực tế ấy cho thấy rằng nhà soạn sách đã nhầm lẫn.
Thứ tư, phụ âm với cách viết [gh] và [g] đều có âm đọc là “gờ”. Vậy tại sao [gh] phải học là “gờ kép”?
Chẳng hạn, khi gặp từ [ghi], học sinh đánh vần là “gờ-kép-i” hay “gờ-hờ-i”?
Tương tự, phụ âm có chữ viết [ng] và [ngh] đều có âm đọc là “ngờ”. Theo sách Công nghệ giáo dục thì chữ [ngh] học là “ngờ kép” thì khi đánh vần từ “nghi” phải đọc là “ngờ-kép-i” hay “nờ-gờ-hờ-i”?
“Theo tôi, nên giữ cách đánh vần truyền thống, vì nó dễ hiểu, phổ cập, quan trọng hơn là đã trở thành tập quán, thói quen, là cảm thức ngôn ngữ của người Việt.
Bởi cái gì đã trở thành tập quán, cảm thức, nhất là tập quán và cảm thức của cả một cộng đồng hay một dân tộc, thì không nên thay đổi.
Hơn nữa, đối với trẻ em, điều quan trọng là đọc thông viết thạo để thành bản năng ngôn ngữ mới là cốt lõi.
Và đó là mục tiêu cao nhất mà mọi chính sách, chương trình dạy và học tiếng, trong đó có tiếng mẹ đẻ cần đạt được”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Dương Hữu Biên nêu quan điểm.
Từ vựng xa lạ
Từ năm 2015, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phản ánh: “Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao?” [2]
Bài viết có nội dung đáng chú ý là, ý nghĩa của nhiều từ ngữ trong sách không phù hợp với lứa tuổi Tiểu học.
Chúng tôi không nhắc lại hàng loạt từ ngữ bất cập về mặt ngữ nghĩa tác giả đã chỉ ra, mà chỉ lấy một ví dụ khác minh chứng.
Chẳng hạn như, bài “Thằng Bờm” trong sách Công nghệ giáo dục 1 (sách thực hành) có câu cuối “Phú ông xin đổi hòn xôi Bờm cười” khiến nhiều người không thể hiểu “hòn xôi” là “hòn” gì.
Bài “Thằng Bờm” trong sách Công nghệ giáo dục 1 (sách thực hành) có câu cuối “Phú ông xin đổi hòn xôi Bờm cười” khiến nhiều người không thể hiểu “hòn xôi” là “hòn” gì. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Theo từ điển tiếng Việt, “hòn” (danh từ) là “từ dùng để chỉ từng đơn vị những vật nhỏ, gọn, thường có hình tròn”. Ví dụ: hòn bi, hòn than, hòn đất ném đi, hòn chì ném lại… Đồng nghĩa với “hòn” là “viên”.
“Hòn” cũng là “từ dùng để chỉ từng đơn vị những núi, đảo đứng riêng một mình”. Ví dụ: hòn đảo, hòn núi...
Còn “nắm” là động từ, có nét nghĩa thứ nhất “co các ngón tay vào lòng bàn tay và giữ chặt lại cho thành một khối”. Ví dụ: nắm tay lại, bàn tay xoè ra nắm vào...
Nét nghĩa thứ hai là “bóp chặt lại trong lòng bàn tay cho nén thành khối nhỏ”. Ví dụ: cơm nắm muối vừng, than nắm thành từng bánh… Đồng nghĩa với nắm là “vắt”.
Nét nghĩa thứ ba “giữ chặt trong lòng bàn tay”. Ví dụ: nắm chặt sợi dây, nắm tay kéo đi…
Qua cách định nghĩa từ “hòn” và từ “nắm” theo từ điển tiếng Việt, có thể khẳng định rằng, người Việt nói “nắm xôi” chứ không ai nói “hòn xôi”.
Hơn nữa, muốn ăn xôi thì người ta thường dùng tay nắm lại để để những hạt xôi khỏi rời ra và cầm gọn trong lòng bàn tay. Nắm xôi cũng sẽ làm cho xôi dẻo, dai để ăn được ngon hơn.
Cách nói “hòn xôi” được đưa vào sách giáo khoa là chưa chuẩn từ vựng. Sử dụng từ “hòn xôi” không những làm cho cách hiểu nghĩa từ vựng bị sai lạc mà còn mất đi sự trong sáng của tiếng Việt.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, sau 40 năm áp dụng giảng dạy ở nhiều nơi, sách Tiếng Việt 1 công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng đầu tiên.
Sách này bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ mà phần lớn bị đánh giá là “vượt chương trình” hay “quá khó với học sinh lớp 1”.
Bộ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục gửi tới Hội đồng thẩm định sách giáo khoa không được xây dựng theo khung chương trình mới mà tác giả bê y nguyên bộ sách đã dùng 40 năm nay kèm theo cuốn Tự học mới viết gửi tới Hội đồng thẩm định.
Tài liệu tham khảo:
[1] //vnexpress.net/giao-duc/chinh-phu-yeu-cau-danh-gia-lai-sach-cong-nghe-giao-duc-4015923.html
[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/sach-cong-nghe-giao-duc-cua-thay-ho-ngoc-dai-bi-loai-oan-uc-gi-post202481.gd