Ông Lê Như Tiến: "Chính phủ cần xem xét kiến nghị của các trường tư"

17/03/2020 06:11
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Lê Như Tiến cho rằng: "Cần có hình thức nào đó hỗ trợ, khuyến khích sự nghiệp giáo dục tư thục. Giáo dục là quốc sách nên không phân biệt công, tư".

Hiện nay, các trường tư thục đang gặp nhiều khó khăn vì không có nguồn thu từ khi xảy ra dịch Covid -19. Sau nỗ lực duy trì trả lương tháng đầu tiên, đến tháng thứ 2 trở đi các trường đã phải đối diện với áp lực tài chính rất lớn, dẫn tới tình trạng nhiều thầy cô nghỉ không lương, hoặc bị giảm lương dẫn đến đời sống gặp nhiều khó khăn.

Trái ngược với tình cảnh ấy, các thầy cô dạy ở trường công lập vẫn được nhận đủ lương, do đó nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cần sớm có hành động hỗ trợ trường tư trong giai đoạn này, cũng là biện pháp cần thiết ổn định hoạt động nhà trường trong thời gian tới.

Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang cố gắng duy trì vượt qua giai đoạn dịch bệnh nhưng thực sự họ đang đối mặt với nhiều khó khăn do không có nguồn thu (ảnh minh họa - do bạn đọc cung cấp).
Các cơ sở giáo dục mầm non tư thục đang cố gắng duy trì vượt qua giai đoạn dịch bệnh nhưng thực sự họ đang đối mặt với nhiều khó khăn do không có nguồn thu (ảnh minh họa - do bạn đọc cung cấp).

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đặng Minh Chưởng, chủ của hệ thống Trường mầm non tư thục Tuổi thơ ở Nghệ An cho rằng, giáo viên công lập hay tư thục đều thực hiện một nhiệm vụ xã hội là giáo dục học sinh để mỗi đứa trẻ có quyền được học hành. Lâu nay Chính phủ không phải lo đời sống cho họ giờ họ gặp khó khăn hoạn nạn thì cần giúp đỡ, hỗ trợ các thầy cô.

Việc hỗ trợ lương cho các giáo viên là vấn đề cấp thiết hiện nay. Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài thiếu nguồn tiền chi trả lương cho giáo viên thì khối trường tư thục cũng đang thiếu tiền để chi trả thuế, lãi ngân hàng, tiền thuê mặt bằng ...nên các trường mong muốn được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí…

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Cần có sự hỗ trợ chính thức với các trường tư. Tôi  rất ủng hộ với những kiến nghị đó. Chính phủ cần xem xét kiến nghị của các nhà trường tư".

Trước khó khăn của các trường tư, cùng với những kiến nghị của họ kêu gọi sự hỗ trợ để vượt qua khó khăn này, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Lê Như Tiến - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Ông Lê Như Tiến bày tỏ sự ủng hộ với các kiến nghị của các trường tư thục, bởi trong thời gian vừa qua Chính phủ đã trợ cấp và ủng hộ cho các doanh nghiệp do những thiệt hại vì dịch Covid -19 gây ra thì chắc chắn phải có những ủng hộ đối với các trường tư vì sự nghiệp giáo dục cần được ưu tiên.

“Đối với doanh nghiệp Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện miễn thuế, giãn thuế, và nhiều hình thức hỗ trợ khác nữa… Trong nông nghiệp do không xuất khẩu được hàng hóa nên cũng đã được hỗ trợ, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng thế.

Nhóm trẻ tư thục đang nguy lắm rồi!
Nhóm trẻ tư thục đang nguy lắm rồi!

Những việc này đã có chủ trường của Chính phủ ngay từ đầu dịch Covid -19.

Giáo dục trong thời gian vừa qua các nhà trường đóng cửa nên ảnh hưởng nghiêm trọng đặc biệt là giáo dục ngoài công lập.

Các nhà trường tư thục hoạt động chủ yếu thu nhập bằng tiền đóng góp của phụ huynh, học sinh chứ không phải được nhà nước hỗ trợ như các trường công lập.

Vì thế trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như hiện nay, tôi thấy cần có hình thức nào đó hỗ trợ, khuyến khích sự nghiệp giáo dục tư thục. Giáo dục là quốc sách nên không được phân biệt công lập, ngoài công lập, họ vì sự nghiệp của giáo dục nước nhà cả”, ông Tiến nêu quan điểm.

Trước đó, các trường ngoài công lập kiến nghị được: Miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội:

- Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2019. Khoản thuế giảm này xem như một phần để hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập vượt qua khó khăn kinh doanh năm 2020.

- Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho năm 2020, và giảm tối đa các khoản thuế, phí phải nộp ngân sách nhà nước.

- Chính phủ tác động và hỗ trợ các cơ quan bảo hiểm xã hội giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế từ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, ít nhất là giãn thời điểm nộp tới sớm nhất là  tháng  3/2021.

Đặc biệt được miễn nộp tối đa các khoản bảo hiểm, thuế, phí, lệ phí trong  thời gian nghỉ hoạt động do dịch.

Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng!
Bên bờ vực phá sản, hàng trăm trường tư thục ký đơn cầu cứu Thủ tướng!

- Kêu gọi sự chia sẻ, đồng cảm của xã hội và cộng đồng, đặc biệt là các đơn vị cho thuê địa điểm có thể hỗ trợ giảm tiền thuê, giãn thời gian thanh toán tiền thuê cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập: Giãn tiến độ nộp ít nhất tới Quý 4 năm 2020, giảm tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục tối thiểu 30% trong năm 2020.

- Điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân, tăng mức thu nhập chịu thuế và tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc đối với người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập;

Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản. Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Chỉ đạo, khuyến khích, hướng dẫn các ngân hàng chấp thuận các các gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, với mức lãi ưu đãi được kỳ vọng là từ 3 tới 6%/năm trong năm 2020, 2021;

Công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học trực tuyến (online), đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù, đảm bảo thời lượng và chất lượng giảng dạy.

Đồng thời đây chính là cách để số hoá nền giáo dục cũng như giảm chi phí không cần thiết và tăng sự đồng đều của chất lượng, cũng là cách góp phần chống các dịch bệnh khi phát tác;

Là khối doanh nghiệp đặc thù dễ bị tổn thương và tác động tức thì trong thời gian này, chúng tôi đề nghị được tiếp cận một đầu mối tập trung để chúng tôi có thể được hướng dẫn về các vấn đề pháp lý, tạo điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ, đồng thời giải quyết nhanh các thủ tục xin trợ cấp thất nghiệp cho giáo viên và được xác nhận trường hợp dịch bệnh này là điều kiện bất khả kháng, để chúng tôi có căn cứ thương lượng với các đối tác cung cấp sản phẩm, dịch vụ, địa điểm trong thời gian này, giúp chúng tôi vượt qua khó khăn từng bước đi vào ổn định hoạt động, phục vụ hàng triệu học sinh, học viên toàn quốc.

Kiến nghị của các trường tư thục là hoàn toàn hợp lý

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam từng cho rằng: “Giáo dục ngoài công lập đã giúp giảm đáng kể áp lực lên ngân sách nhà nước dành cho giáo dục, tuy nhiên tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới, hơn 1 tháng qua các nhà trường đã phải đóng cửa trường, không thu học phí trong khi lương giáo viên, tiền mặt bằng vẫn trả…

Do đó, việc họ kêu gọi Chính phủ miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản là hoàn toàn hợp lý”.

Trinh Phúc