LTS: Sau hơn nửa tháng công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban Phát triển chương trình (Ban soạn thảo) đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của những người quan tâm tới giáo dục.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình đã có những trao đổi ban đầu về đợt đóng góp ý kiến này.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Cùng với việc việc tiếp thu ý kiến từ các phương tiện thông tin đại chúng, Ban soạn thảo cũng đang tập hợp ý kiến của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở, học sinh và phụ huynh học sinh từ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông qua các hội nghị, các cuộc khảo sát thực địa, phỏng vấn cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và điều tra bằng phiếu hỏi đối với cán bộ, giáo viên và học sinh trung học phổ thông cả nước.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về cơ bản nội dung dự thảo chương trình tổng thể và cho rằng dự thảo đã quán triệt quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nêu tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Quyết định của Chính phủ.
Kế thừa, phát huy ưu điểm của các chương trình giáo dục phổ thông đã có, đồng thời tiếp cận xu hướng quốc tế về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông phát triển năng lực người học, thể hiện quyết tâm đổi mới của ngành Giáo dục.
Bên cạnh những đánh giá tích cực về dự thảo, Ban soạn thảo cũng thu nhận được nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp cho chương trình, cụ thể là về một số vấn đề sau:
Căn cứ xác định các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh; một số phẩm chất, năng lực cụ thể; số lượng môn học và hoạt động giáo dục; tên các môn học và hoạt động giáo dục; thời lượng học tập; tiến độ triển khai chương trình.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, Ban Phát triển chương trình tổng thể đã họp để trao đổi, bước đầu thống nhất hướng tiếp thu ý kiến của các tầng lớp nhân dân.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: Xuân Trung) |
Để các tầng lớp nhân dân tập trung góp ý cho những điểm thật sự còn hạn chế, nhằm hoàn thiện dự thảo chương trình, bước đầu, Ban Phát triển chương trình tổng thể xin có một số giải trình và nghiên cứu tiếp thu ý kiến như sau:
Căn cứ xác định 6 phẩm chất, 10 năng lực cốt lõi
Yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh được đặt ra trong các văn kiện của Đảng và Nhà nước về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Đó là sự tiếp nối truyền thống xây dựng con người toàn diện có đức có tài, vừa hồng vừa chuyên của dân tộc.
Trong giáo dục cũng như trong đời sống, phẩm chất được đánh giá bằng hành vi, còn năng lực được đánh giá bằng hiệu quả của hành động.
Căn cứ để xác định các phẩm chất chủ yếu là những đức tính của người Việt Nam được nêu ra trong các nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hoá, con người Việt Nam, đặc biệt là Năm điều Bác Hồ dạy học sinh và yêu cầu giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh hiện nay.
Giáo viên và học sinh được chủ động thế nào ở chương trình mới? |
Về các năng lực cốt lõi nêu trong chương trình tổng thể, 3 năng lực chung (năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và 7 năng lực chuyên môn là những năng lực mà ai cũng cần có để sống, làm việc trong xã hội hiện đại.
Các năng lực đó đã được xác định trong nhiều chương trình và tài liệu giáo dục nước ngoài, đặc biệt là các tài liệu Xác định và lựa chọn các năng lực cốt lõi của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế) năm 2005, Các năng lực cốt lõi để học tập suốt đời – Khung tham chiếu châu Âu của EU (Liên minh Châu Âu) năm 2006 và Tầm nhìn mới về giáo dục – Mở khóa tiềm năng về công nghệ của WEF (Diễn đàn Kinh tế Thế giới) năm 2015.
Sau khi ban hành dự thảo đã có một số ý kiến đề nghị bổ sung các năng lực tư duy phản biện, tư duy logic, quản lý tài chính cá nhân vào những năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh.
Ban Phát triển chương trình tổng thể xin báo cáo là các năng lực trên đã được quan tâm đúng mức trong dự thảo chương trình tổng thể.
Ví dụ, tư duy phản biện là nội dung quan trọng, xuyên suốt của năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Một trong những biểu hiện của tư duy phản biện ở học sinh các cấp học được dự thảo chương trình tổng thể chỉ ra là: “nêu được thắc mắc về sự vật, hiện tượng; không e ngại nêu ý kiến cá nhân trước các thông tin khác nhau về sự vật, hiện tượng” (học sinh tiểu học);
“Quan tâm tới các chứng cứ khi nhìn nhận, đánh giá sự vật, hiện tượng; đánh giá vấn đề, tình huống dưới những góc nhìn khác nhau” (học sinh Trung học cơ sở);
“Không dễ dàng chấp nhận thông tin một chiều; không thành kiến khi xem xét, đánh giá vấn đề; quan tâm tới các lập luận và minh chứng thuyết phục; sẵn sàng xem xét, đánh giá lại vấn đề” (học sinh trung học phổ thông).
Số lượng môn học không nhiều hơn các nước tiên tiến
Chương trình tổng thể mới chỉ là bộ khung của chương trình giáo dục phổ thông. Để đánh giá mức độ nặng nhẹ của chương trình, cần phải có chương trình cụ thể của các môn học.
Tuy nhiên, có thể nêu ra so sánh về số lượng môn học và hoạt động giáo dục như sau:
Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9):
Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (Trung học phổ thông), theo chương trình mới, lớp 10 có 13 môn học và 2 hoạt động giáo dục; lớp 11 và lớp 12 có 9 môn học và hoạt động giáo dục.
Chương trình hiện hành có 13 môn học và 4 hoạt động giáo dục ở tất cả các lớp.
Định hướng nghề nên bắt đầu từ lớp 8 |
Trong các môn học và hoạt động giáo dục, môn Giáo dục thể chất được tổ chức dưới hình thức các câu lạc bộ thể thao tự chọn; Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh chủ yếu là thực hành, luyện tập.
Thực chất, chỉ có 6 môn có lý thuyết và thực hành là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và 3 môn định hướng nghề nghiệp tự chọn.
So sánh với chương trình nước ngoài: chương trình tú tài quốc tế (IB), chương trình của Vương quốc Anh có 6 môn học bắt buộc; chương trình Australia, Đức, Pháp có từ 5 đến 6 môn bắt buộc; chương trình của Mỹ có 4 môn bắt buộc toàn quốc và một số môn bắt buộc khác tùy theo từng bang; chương trình Malaysia bắt buộc học 10 môn; chương trình Trung Quốc có 12 môn bắt buộc hoặc tự chọn có giới hạn,…
Thời lượng học tập ít hơn các nước OECD
Theo số liệu của OECD (The Learning Environment and Organisation of Schools, 2009, có thể tìm trên trang https://www.oecd.org/education/skills-beyond-school/48631122.pdf), trong độ tuổi từ 7 đến 15, tương đương từ lớp 1 đến lớp 9, trung bình mỗi học sinh học 7.390 giờ (60 phút/giờ).
Còn theo dự thảo chương trình tổng thể của Việt Nam, từ lớp 1 đến lớp 9, mỗi học sinh học nhiều nhất 6.957 giờ, kể cả thời gian tự học dành cho học sinh tiểu học và thời gian học các môn tự chọn.
Tóm lại, chương trình mới đã giảm số môn học, thời lượng học so với chương trình hiện hành và còn thấp hơn chương trình các nước.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến phê bình, Ban Phát triển chương trình dự kiến báo cáo Hội đồng Thẩm định Quốc gia không tổ chức dạy môn Thế giới công nghệ ở các lớp 1, 2; chỉ bắt đầu dạy Tin học và Tìm hiểu công nghệ từ lớp 3.
Điều này cũng nhằm giảm áp lực phải trang bị phòng máy tính cho các trường tiểu học ngay từ năm đầu tiên triển khai chương trình mới. Số giờ học ở các lớp 8, 9, 10 cũng sẽ được nghiên cứu để giảm xuống dưới 30 tiết/tuần.
Tại sao có tên một số môn học mới?
Thực chất, hầu hết các môn học trong dự thảo chương trình tổng thể đều được phát triển trên cơ sở những môn đã có trong chương trình hiện hành.
Ví dụ, từ lớp 1 đến lớp 3 có môn Cuộc sống quanh ta, được xây dựng trên cơ sở môn Tự nhiên và Xã hội trong chương trình hiện hành. Chương trình nhiều nước cũng có môn học này với tên gọi tương tự.
Chương trình mới đã chú trọng tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 chưa? |
Cuộc sống quanh ta giúp học sinh có những hiểu biết ban đầu về các hiện tượng tự nhiên và xã hội xung quanh, biết giữ vệ sinh, chăm sóc sức khỏe…
Lên lớp 4, lớp 5, môn học này phân hóa thành 2 môn Tìm hiểu tự nhiên và Tìm hiểu xã hội; ở cấp Trung học cơ sở là 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.
Việc dạy học tích hợp mạnh ở các lớp dưới, phân hóa dần ở các lớp trên phù hợp với quá trình nhận thức của học sinh, theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Một hoạt động giáo dục cũng đang được quan tâm nhiều là hoạt động trải nghiệm sáng tạo.
Trong chương trình mới có hai loại hoạt động trải nghiệm sáng tạo:
Loại 1: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong từng môn học nhằm trải nghiệm kiến thức môn học trong thực tiễn;
Loại 2: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo mang tính tích hợp, trong đó HS dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục.
Hoạt động trải nghiệm sáng tạo được phân bổ thời lượng giáo dục riêng trong dự thảo chương trình tổng thể thuộc loại 2.
Nội dung Hoạt động trải nghiệm sáng tạo bao gồm các hoạt động tập thể (chào cờ, sinh hoạt lớp, sinh hoạt Sao Nhi đồng Tháng Tám, Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), các hoạt động tham quan, nghiên cứu thực tế, lao động, vui chơi, thiện nguyện, phục vụ cộng đồng,… được thực hiện theo tinh thần học sinh là người tổ chức hoạt động dưới sự hướng dẫn của nhà giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, nhu cầu và điều kiện thực hiện của cơ sở giáo dục và địa phương.
Phần lớn các hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa là những hoạt động quen thuộc ở tất cả các trường phổ thông. Một số nội dung hoạt động mới trên thực tế cũng đã được triển khai ở các trường từ nhiều năm nay.
Kiến nghị triển khai đại trà ở lớp 1 vào năm học 2018 - 2019
Nhiều ý kiến lo lắng về khả năng tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai chương trình mới từ đầu năm học 2018 – 2019.
Đây là những lo lắng rất có cơ sở.
Tháng 4/2018 sẽ có sách giáo khoa theo chương trình mới |
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia và nhân dân, Ban Phát triển chương trình kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai chương trình mới theo từng bước, cụ thể như sau:
Trong năm học 2018 – 2019, cho triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10.
Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10... Đến năm học 2022 – 2023, chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra.
Như vậy, các địa phương sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới.
Ban Phát triển chương trình tổng thể chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia, cán bộ, giáo viên và các tầng lớp nhân dân đã đóng góp nhiều ý kiến động viên, phê bình và mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phê bình để hoàn thiện chương trình giáo dục phổ thông mới.