Yêu cầu điều tra bổ sung vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang là cần thiết

18/07/2019 07:08
THANH AN
(GDVN) -Nếu không có lợi ích gì thì họ không bao giờ bắt tay, thông đồng để cùng bày mưu, tính kế nâng điểm cho hơn 300 bài thi.

Nếu phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang mà mở ra như dự kiến và chỉ có 5 bị can với chừng ấy tội danh thì e rằng không chỉ người dân Hà Giang mà người dân cả nước cũng sẽ thất vọng.

Niềm tin vào cán cân công lý sẽ hoàn toàn bị lung lay nhưng rất may là phiên tòa đã không diễn ra như dự kiến trong tháng 7 này.

Việc Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang trả lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra bổ sung lóe lên một hy vọng. Dù nó chưa rõ ràng nhưng ít ra chúng ta còn tin và chờ đợi một sự thật.

Đã có 5 người bị khởi tố trong vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang (Ảnh CA Hà Giang)
Đã có 5 người bị khởi tố trong vụ án gian lận thi cử tại Hà Giang (Ảnh CA Hà Giang)

Vụ án này đã bị kéo dài đằng đẵng suốt cả một năm qua, bây giờ xử đã chậm, kéo dài thêm càng chậm nhưng chậm mà mọi việc được đưa ra ánh sáng vẫn còn hơn xử sớm mà mọi chuyện vẫn bế tắc, để lại sự hoài nghi cho dư luận.

Không một ai có thể tin rằng với 107 thí sinh được nâng điểm, thí sinh nâng ít nhất là 2,2 điểm/1môn, thí sinh nâng nhiều nhất là 29,95 điểm/4 môn mà người sửa điểm lại không được hưởng lợi lộc gì.

Không ai tin người ta đã lên kế hoạch sửa điểm trước kỳ thi hàng tháng trời, dám đánh đổi cả công danh, sự nghiệp và danh dự của bản thân các nhà giáo có hàng chục năm công tác để làm điều viển vông, nịnh bợ mơ hồ.

Không ai tin người thấp nhất liên quan đến vụ án là Phó phòng của Sở Giáo dục, người cao nhất là Phó Giám đốc Sở lại có những suy nghĩ ấu trĩ đi chỉ đạo, nhờ vả và trực tiếp lao vào để tìm những bài thi, những kẽ hở của phần mềm để nâng điểm cho các thí sinh.

Không ai tin về sự “vô tình” khi những thí sinh được sửa điểm đa phần là con quan chức, con các doanh nghiệp hoặc ít nhất là con cháu, người thân của mấy vị sửa điểm.

Nếu liêm chính, trách nhiệm thì khi phát hiện ra kẽ hở của phần mềm, họ có thể sẽ báo lại với lãnh đạo Sở, lãnh đạo Bộ để tìm cách khắc phục.

Yêu cầu điều tra bổ sung vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang là cần thiết ảnh 2Đề nghị cơ quan cấp cao vào cuộc làm rõ vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang

Nếu liêm chính, ông Vũ Trọng Lương đã không làm theo chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Hoài và bà Triệu Thị Chính.

Nếu không có lợi ích gì thì họ không bao giờ bắt tay, thông đồng để cùng bày mưu, tính kế nâng điểm cho hơn 300 bài thi.

Vậy cái gì làm cho những cán bộ như ông Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung cùng đi chung trên một chuyến đò?

Trong 5 bị can của vụ án chỉ duy nhất ông Phạm Văn Khuông gửi 1 thí sinh là con trai của mình. Còn lại, 4 bị can kia liên quan trực tiếp đến 106 thí sinh được sửa điểm.

Nếu như chỉ nhờ vả đơn thuần, chắc chắn không ai có thể ra tay giúp đỡ khi mà quy định của kỳ thi nghiêm ngặt, nhiều khâu thuộc dạng bảo vệ nghiêm ngặt. Vì thế, nếu không vì quyền lợi (tiền bạc, nâng đỡ, chỉ đạo…) thì những người này sẽ chối từ là điều hoàn toàn hợp lý.

Thế nhưng, tại sao nhiều phụ huynh trên các địa bàn khác nhau lại cùng tìm đúng địa chỉ để họ nhờ cậy? Vì sao bị can Lê Thị Dung lại có thể móc nối với các cán bộ ngành giáo dục Hà Giang để nhờ nâng điểm hàng chục thí sinh?

Ai tìm đến với bà Dung, vì sao mà Dung biết những người của Sở Giáo dục dám sửa điểm, động cơ nào để họ “xích lại” gần nhau? Rất nhiều vấn đề cần được làm rõ.

Về phía phụ huynh, trong đó có cả con ông Triệu Tài Vinh (nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Giang) lẽ nào lại đứng ngoài cuộc?

Câu hỏi của dư luận là vì sao con ông Vinh được nâng điểm mà ông không biết. Nếu ông Vinh không biết thì ai nhờ nâng điểm cho con ông Vinh? Cơ quan chức năng làm rõ điều này không khó.

Yêu cầu điều tra bổ sung vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang là cần thiết ảnh 3
Tòa án Hà Giang trả hồ sơ vụ gian lận điểm thi Quốc gia năm 2018

Việc cơ quan điều tra đề nghị các cơ quan chức năng xử lý 210 phụ huynh có thí sinh được nâng điểm sao chỉ có ông Phạm Văn Khuông được nêu đầy đủ thông tin sự việc?

Vậy còn ông Triệu Tài Vinh và hơn 200 vị phụ huynh khác thì sao? Lẽ nào cơ quan điều tra lại không làm rõ được chuyện này khi mà các bị can đang bị giam hoặc bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

Trong đó, ông Vũ Trọng Lương và ông Nguyễn Thanh Hoài là những người bị cơ quan điều tra bắt giam ngay từ những ngày đầu xảy sự việc?

Và, hy vọng…

Bây giờ vụ án được đề nghị điều tra bổ sung cũng đồng nghĩa cơ quan điều tra sẽ phải điều tra lại nhiều khâu và làm rõ thêm nhiều vấn đề. Tất nhiên khi điều tra lại sẽ cho ra kết quả khác với cáo trạng hiện nay.

Vụ án gian lận điểm ở Hà Giang có phần…bế tắc suốt một thời gian dài có lẽ nó liên quan đến nhiều phụ huynh quan chức ở địa phương, trong đó có ông Triệu Tài Vinh.

Bây giờ, ông Triệu Tài Vinh đã về Hà Nội và được phân công làm Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương thì "cái bóng" của ông Vinh sẽ không còn ảnh hưởng nhiều như khi còn ở Hà Giang.

Vì thế, chúng ta hy vọng các cơ quan điều tra ở Hà Giang không còn phải e ngại khi làm rõ được những trắng đen của vụ án.

Nhất là khi ông Đặng Quốc Khánh về làm Bí thư tỉnh ủy Hà Giang, dư luận hy vọng ông Khánh sẽ chứng minh được khả năng, phẩm chất của mình để có những chỉ đạo sâu sát về sự việc này.

Đây có thể xem là bài trắc nghiệm đầu tiên cho ông Đặng Quốc Khánh trên cương vị mới.

Nếu vụ việc ở Hà Giang cũng như Sơn La hay Hòa Bình mà không đi đến tận cùng sự thật, không làm rõ được dấu hiệu chạy điểm hoặc can thiệp để nâng điểm cho hơn 200 thí sinh của 3 địa phương này thì đó là sự thất bại của nhiều ngành chức năng ở đây.

THANH AN