Tháng 7 ở…Hà Giang!

07/07/2019 07:18
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Hà Giang không chỉ có những địa danh nhắc nhớ con người Việt Nam khắc khoải tìm về. Hà Giang còn có những nỗi đau rất lớn, nỗi đau của những người đang sống.

Đến bây giờ, Hà Giang vẫn đang là một trong những tỉnh nghèo nhất nước ta.

Nơi đây, có nhiều các dân tộc anh em đang sinh sống, đó là người Mông, người Tày, người Dao, người Kinh, người Nùng…

Mỗi dân tộc đều tạo được một nét văn hóa riêng làm nên một Hà Giang kiên cường trước bao khó khăn, thử thách suốt chiều dài lịch sử.

Tuy nhiên, gần 1 năm nay, người dân cả nước biết đến Hà Giang lại là những tai tiếng sau kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018.

Nghĩa trang Vị Xuyên- Nơi đang có hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc yên nghỉ (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Nghĩa trang Vị Xuyên- Nơi đang có hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc yên nghỉ (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Những sự kiện trong tháng 7 “đáng nhớ” ở Hà Giang

Hà Giang không chỉ có những địa danh nhắc nhớ con người Việt Nam khắc khoải tìm về. Hà Giang còn có những nỗi đau rất lớn, nỗi đau của những người đang sống.

Tháng 7/2018, sau khi công bố điểm thi của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, Hà Giang là một trong 3 địa phương được xác định để xảy ra tiêu cực.

Trong kỳ thi này, cả nước có 925.000 thí sinh tham dự kỳ thi và Hà Giang chỉ có 5.500 thí sinh, tỉ lệ chỉ là 1/170. Thế nhưng, số thí sinh trên cả nước đạt trên 27 điểm ở khối thi A1 là 76 thí sinh thì Hà Giang đã có 36 thí sinh- chiếm gần bằng một nửa thí sinh cả nước.

Ngay trong tháng 7/2018, ông Vũ Trọng Lương- Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục và ông Nguyễn Thanh Hoài-Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục Sở Giáo dục bị khởi tố, bắt giam.

Và, Hà Giang bắt đầu được “nổi tiếng” hơn bởi sự việc này liên tục được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong suốt gần một năm nay.

Hà Giang không chỉ “nổi tiếng” với số lượng thí sinh được điểm cao mà số lượng được sửa điểm cũng nhiều nhất nước với 107 thí sinh.

Tháng 7 ở…Hà Giang! ảnh 2Người Hà Giang kỳ vọng gì ở phiên xử gian lận điểm thi sắp tới?

Nhưng, Hà Giang "nổi tiếng" hơn cả có lẽ là Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh- người có con gái và 2 cháu ruột được nâng điểm trong kỳ thi năm 2018.

Bí thư Triệu Tài Vinh còn có rất nhiều những phát ngôn làm “bất ngờ” dư luận cả nước. Những phát ngôn của ông Vinh khiến cho dư luận không thể không…buồn cười.

Bởi, với vai trò là một Bí thư tỉnh ủy mà lại có con gái được nâng đến 5,4 điểm cho 3 môn thi nhưng ông lại không hề hay biết.

Có lẽ vì vậy nên dù cơ quan điều tra đã xác định được 210 phụ huynh có con được nâng điểm nhưng không  lại không có dấu hiệu…chạy điểm bằng tiền.

Báo Tuổi trẻ phản ánh rằng: “hồ sơ vụ án này có tới 6.000 trang bút lục, nhưng theo chiều hướng điều tra, xác minh của các cơ quan tố tụng cho đến nay thì việc nâng điểm cho 107 thí sinh ở Hà Giang chủ yếu là do "nhờ vả", "nể nang" chứ chưa phát hiện dấu hiệu tiền bạc”.

Chiều ngày 2/7/2019, tại Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ, Ban Kinh tế Trung ương công bố ông Triệu Tài Vinh sẽ thôi tham gia Ban chấp hành, Ban thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2015-2020 để giữ chức Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương.

Vậy là ông Triệu Tài Vinh xuống Hà Nội nhận công tác mới…

Tháng 7 ở…Hà Giang! ảnh 3Phải xét xử công khai, công tâm vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang

Theo dự kiến cũng trong tháng 7/2019 này, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang sẽ đưa vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” ở địa phương này ra xét xử.

Với 5 bị can đã bị truy tố, bắt giam trong thời gian qua, hy vọng phiên tòa sẽ làm rõ được nhiều “góc khuất” mà người dân cả nước đang mong chờ.

Còn một sự kiện trong tháng 7 này nữa…

Từ lâu, có rất nhiều địa danh ở Hà Giang luôn ở trong tâm trí của người dân cả nước như Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc, Quản Bạ…

Nhưng, có lẽ Nghĩa trang Vị Xuyên- Nơi yên nghỉ của hơn 4.000 liệt sỹ trong cuộc chiến tranh vệ quốc chống xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979 luôn là một địa chỉ khiến người dân cả nước biết đến nhiều nhất.

Những ký ức đau thương của dân tộc khi có hàng ngàn người con ưu tú nằm lại mảnh đất này…

Tháng 7, chúng ta lại hướng về Ngày thương binh liệt sỹ- ngày mà cả nước tri ân những thế hệ cán bộ, chiến sĩ- những người con ưu tú của dân tộc ta đã ngã xuống hoặc để lại một phần máu xương của mình vì nền độc lập của dân tộc.

Nghĩa trang Vị Xuyên từ lâu vẫn là địa chỉ của bao nhiêu cựu chiến binh tìm về thăm đồng đội của mình đã nằm lại…

Có lẽ, trước khi về Hà Nội công tác, ông Triệu Tài Vinh cũng đã nhiều lần cùng cán bộ, nhân dân Hà Giang đến với nghĩa trang Vị Xuyên?

Liệu những người lính  trên mọi miền tổ quốc đang nằm lại mảnh đất biên thùy Vị Xuyên của Hà Giang có vui không? Liệu những phụ huynh (là quan chức) có con được nâng điểm có bao giờ áy náy, cắn rứt lương tâm  của mình không?

Tài liệu tham khảo:

//tuoitre.vn/gian-lan-thi-cu-ha-giang-nho-nang-diem-khong-mat-dong-nao-20190605130421997.htm

NGUYỄN NGUYÊN