Sau rất nhiều những ý kiến phản biện về việc không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động nói chung, nhà giáo nói riêng thì sáng ngày 20/11 đã có kết quả chính thức.
Với 453 đại biểu tham gia biểu quyết, 435 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những năm tới đây sẽ tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Khi bước gần đến ngưỡng tuổi 60 thì liệu giáo viên có còn nhảy múa với học trò như thế này? (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Không có quy định riêng cho nhà giáo
Theo điều 169, Bộ luật Lao động (sửa đổi) hướng dẫn: "Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ".
Như vậy, cũng đồng nghĩa là đội ngũ nhà giáo không nằm ngoài quy định chung này. Vẫn biết, nhà giáo cũng là người lao động nên việc mong muốn có một chính sách riêng cũng là một việc rất khó trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, nghề dạy học có những đặc thù rất riêng bởi chủ yếu họ là người lao động trực tiếp, kể cả lãnh đạo nhà trường thì họ cũng đang trực tiếp giảng dạy theo hướng dẫn hiện hành.
Hàng ngày, nhà giáo trực tiếp giảng dạy, nếu có những hôm dạy 4-5 tiết liên tục liệu các thầy cô 60- 62 tuổi có còn kham nổi công việc hay không?
Mỗi lớp hiện nay có trên dưới 40 học trò, gặp phải lớp học mà có nhiều em nghịch ngợm thì thầy cô chỉ quản lớp cũng đã khổ chứ chưa nói là chuyện dạy dỗ.
Tăng tuổi hưu đối với giáo viên sẽ cản bước phát triển của giáo dục |
Nhất là nhiều học trò thấy thầy cô lớn tuổi, chậm chạp mà không tạo điểm điểm nhấn riêng biệt thì thường là các em không thích thú. Lúc đó, thầy cô làm sao có thể làm trọn vai trò dẫn dắt, quán xuyến được lớp học một cách trọn vẹn?
Trong khi đó, cũng tại điều 169, Bộ luật Lao động (sửa đổi) hướng dẫn đối với các trường hợp được nghỉ hưu sớm hơn quy định như sau:
“Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Theo hướng dẫn này thì đội ngũ nhà giáo chỉ có thể về hưu sớm đối với trường hợp “suy giảm khả năng lao động” hoặc “làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” là có thể về hưu khi nữ đủ 55 tuổi, nam đủ 57 tuổi.
Các trường hợp khác còn lại có lẽ nhà giáo không được nghỉ hưu sớm hơn quy định bởi giáo viên không được xếp vào các trường hợp “công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”.
Canh cánh nỗi lo khi tăng tuổi hưu đối với giáo viên
Nghề dạy học thời nay không bao giờ được xem là một nghề nhàn hạ và dễ dàng, nhiều người còn nói nghề giáo bây giờ là nghề nguy hiểm bởi có nhiều hiểm họa bất chợt đến với người thầy.
Áp lực công việc đối với giáo viên bây giờ rất lớn, nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây đang hướng tới việc dạy 2 buổi/ngày và phải bồi dưỡng chuyên môn suốt nhiều năm.
Giáo viên phổ thông nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi là phù hợp? |
Ngoài chuyên môn thì sức khỏe của đội ngũ thầy cô giáo, nhất là đối với những giáo viên nữ rất khó đảm nhận được công việc giảng dạy khi đã chạm ngưỡng 60 tuổi.
Khi đó, mắt mũi kém, chân tay chậm chạp mà gặp trường xa thì phải nói là tiềm ẩn nhiều rủi ro vô cùng. Hơn nữa, học sinh bây giờ mấy em thích học với thầy cô lớn tuổi.
Vẫn biết ai rồi cũng già đi theo năm tháng bởi đó đã là quy luật của tạo hóa rồi. Song, đứng trước mấy chục học trò mà thầy cô không đủ năng lượng để truyền dạy, không có sức hút với học trò thì hiệu quả công việc liệu có tốt và đáp ứng được yêu cầu của ngành hay không?
Đặc biệt, đối với những thầy cô ở nông thôn thường vất vả từ nhỏ, lao động sớm nên đến ngưỡng trên 50 tuổi đã già đi trông thấy. Nhiều người đã chậm chạp lắm rồi.
Lúc ấy, thầy cô có còn múa hát (giáo viên mầm non), còn hướng dẫn cho học sinh những kiến thức cần thiết mà chương trình giáo dục phổ thông mới đã đề ra hay không?
Thiết nghĩ, dù Quốc hội đã bấm nút đồng ý việc tăng tuổi hưu đối với người lao động nhưng các bộ, ngành cũng cần xem xét, tham mưu những chính sách cần thiết đối với người lao động, trong đó có đội ngũ nhà giáo trước khi Luật đi vào thực hiện.
Chúng ta vẫn còn một chút hy vọng bởi ngay sau khi Quốc hội biểu quyết về việc tăng tuổi hưu thì Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã chia sẻ với báo chí rằng:
“Một lần nữa tôi muốn nói đây là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chung và điều chỉnh trong điều kiện người lao động bình thường, còn đối tượng đặc thù sẽ có hướng dẫn rất cụ thể”. Vì thế, người lao động vẫn đang còn hy vọng...
Có lẽ không riêng gì đội ngũ giáo viên mà phần đông những người đang lao động trực tiếp ở nhiều ngành nghề khác nhau cũng sợ khi tăng tuổi hưu trong những năm tới đây.