Thầy cô muốn học trò tin yêu, cần học cách gần gũi và biết tôn trọng học trò

06/07/2019 07:46
Tùng Dương
(GDVN) - Trong bất cứ một lớp học nào thì trình độ các em đều không như nhau, về hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng như nhận thức của bố mẹ.

Muốn làm một giáo viên dạy tốt, chủ nhiệm tốt, được học sinh tin yêu, vượt qua những rào cản về suy nghĩ giữa 2 thế hệ thầy và trò là những điểm chung của rất nhiều thầy cô giáo trẻ mới đi dạy.

Một số thầy cô chưa có đủ kinh nghiệm về tâm lý học để cảm hóa học sinh, nhưng cũng có không ít thầy cô không quan tâm đến vấn đề này.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2003, thầy giáo trẻ Nguyễn Thanh An đã trở thành giáo viên dạy môn Địa lý của Trường Trung học phổ thông Giao Thủy C - Thành phố Nam Định, đây cũng là ước mơ của thầy An trên chính mảnh đất quê hương mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy An cho biết: 

“Năm đầu tiên tôi đi dạy, tôi có phân công một em học sinh lớp 10 làm lớp trưởng, nhưng ngay lập tức em đó đứng phắt dậy với thái độ bực bội và nói: Em không làm. Sự việc đó làm tôi nhớ mãi đến tận bây giờ.

Lúc đó, tôi nghĩ mình phải lùi và chấp nhận vì có nhiều lí do, nhưng có lẽ nguyên nhân chính là các em chưa đồng cảm với mình, giữa thầy và trò như hai bên bờ “chiến tuyến”.

Tôi nói: Em không làm thì thầy sẽ phân công người khác. Mặc dù tôi có thoáng nghĩ nếu mình làm căng lên thì khả năng giữa thầy và trò sẽ điều qua tiếng lại.

Tôi tôn trọng suy nghĩ cá nhân của các em và đó chính là giới hạn không nên vượt qua, nếu như tôi cố vượt qua thì rất có thể dẫn đến đổ bể mọi chuyện và bản thân tôi cũng sẽ phải ân hận, còn học sinh cũng sẽ thiệt thòi.

Về nhà, tôi cứ suy nghĩ mãi và quyết định gặp riêng em học sinh đó để chia sẻ, em đó tâm sự: Trong lớp có nhiều bạn năng lực hơn em, em thấy mình chưa xứng đáng…cùng rất nhiều lí do khác nữa.

Tôi có hỏi: Liệu có phải do em ghét thầy không? Em đó nói là có ghét nhưng không nhiều.

Nhận thấy đây là phản ứng chung của cả lớp tôi đang làm chủ nhiệm, chứ không phải riêng em đó. Ngẫm lại tôi thấy mình có lúc rất nhẹ nhàng, nhưng đôi khi học sinh không nghe lời thì mình lại có thái độ giận dữ.

Sau năm đầu tiên đó, tôi nghĩ chắc chắn bản thân mình có vấn đề cần phải khắc phục.

"Năm đầu tiên tôi làm chủ nhiệm lớp, mặc dù đã rất nhẹ nhàng và gần gũi với các em học sinh nhưng dường như các em chưa đồng cảm với mình". Ảnh: Thầy An cung cấp.
"Năm đầu tiên tôi làm chủ nhiệm lớp, mặc dù đã rất nhẹ nhàng và gần gũi với các em học sinh nhưng dường như các em chưa đồng cảm với mình". Ảnh: Thầy An cung cấp.

Những ngày đầu đi dạy, tôi cũng bị ảnh hưởng rất nhiều từ những người thầy đã dạy tôi hồi nhỏ, phong cách dạy của các thầy rất nhẹ nhàng, vui vẻ nên tôi rất ấn tượng và nhờ đó tôi có những tiết học rất vui.

Thấy mình có cùng quan điểm với những người thầy trước đó và đây cũng là những việc tốt nên làm với học sinh, tôi đã áp dụng đúng như vậy vào công việc.

Năm đầu tiên tôi làm chủ nhiệm lớp, mặc dù đã rất nhẹ nhàng và gần gũi với các em học sinh nhưng dường như các em chưa đồng cảm với mình?

Tôi cảm nhận thấy mình nhẹ nhàng bao nhiêu thì học sinh lại coi thường bấy nhiêu, và kết quả năm đó giữa tôi và học sinh có thể nói là không thành công cho lắm.

Trong giờ học trên lớp, các em học sinh hay có điều qua tiếng lại trực tiếp với tôi, nó khiến cho tôi cảm thấy có gì đó rất là nặng nề.

Lớp 10 tôi chủ nhiệm năm thứ 2 thì lại khác, thậm chí những em học sinh lớp đó đến tận bây giờ vẫn giữ quan hệ tốt với tôi, thường xuyên gọi điện hỏi thăm.

Năm học này, tôi thay đổi suy nghĩ và thấy mình cần phải tâm sự với học sinh nhiều hơn, và trước khi giao cho các em một trọng trách gì đó thì tôi đều hỏi ý kiến các em trước.

Tôi gặp riêng và trao đổi xem các em có thoải mái khi nhận việc này và các em có làm được không? Nếu làm thì em có khó khăn gì? Các em đều có bộc bạch, kết quả cuối cùng là đồng ý làm và rất có trách nhiệm, đặc biệt là không có em nào từ chối.

Tôi rút ra được bài học từ những cách tiếp cận, đặt vấn đề, mình không nên hành chính quá mọi việc và trên cả là sự tôn trọng học sinh.

Trong bất cứ một lớp học nào thì trình độ các em đều không như nhau, về hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng như nhận thức của bố mẹ cũng hoàn toàn không giống nhau.

Chính vì vậy mà tôi dành thời gian gần gũi tìm hiểu từng em, xem các em có khúc mắc gì trong cuộc sống để rồi thầy trò cùng tìm cách tháo gỡ, chính vì vậy mà khoảng cách giữa tôi và học sinh dần được xóa bỏ.

Có một số em học lực rất yếu và muốn bỏ học, tôi lại động viên phân tích: Em học lực yếu và muốn bỏ cuộc thì sau này các em sẽ hối hận, em thấy năng lực của mình không theo kịp các bạn thì thầy không chê trách.

Nhưng thôi học là quyết định tức thời, nó sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của em. Sau rồi em đó suy nghĩ lại và học tiếp, đến giờ em vẫn thỉnh thoảng gọi điện và tôi được biết hiện nay em đó khá thành đạt.

Tôi nhớ năm lớp 10 đó có một em học sinh nữ là cán bộ lớp, một hôm nói muốn gặp riêng tôi vào cuối buổi học.

Khi gặp, tôi rất bất ngờ khi em đưa cho tôi một gói quà và nói: Bố mẹ em gửi biếu thầy gói bánh kẹo vì hôm nay nhà em có lễ ăn hỏi chị gái, tôi thật sự rất vui vì qua đó nó thể hiện được sự gần gũi giữa thầy và trò." 

"Tôi không bao giờ kiểm tra bài cũ theo cách truyền thống, mà dùng cách trực quan như sử dụng bản đồ và giáo cụ để gián tiếp kiểm tra". Ảnh minh họa: Thầy An cung cấp.
"Tôi không bao giờ kiểm tra bài cũ theo cách truyền thống, mà dùng cách trực quan như sử dụng bản đồ và giáo cụ để gián tiếp kiểm tra". Ảnh minh họa: Thầy An cung cấp.

Thay đổi cách dạy

“Trong các giờ chuyên môn, tôi luôn luôn tạo ra các tiết học vui vẻ, nhẹ nhàng, đưa các bài học từ sách giáo khoa ra ngoài thực tế.

Thay vì truyền đạt kiến thức theo cách thông thường, tôi cho học sinh được đóng vai các nhân vật khác nhau như chuyên gia vật lý, biên tập viên thời tiết để lên thuyết trình, rồi mời các bạn khác nhận xét.

Tôi thường sử dụng các thiết bị, áp dụng công nghệ để thiết kế bài giảng một cách sinh động. Điều này tạo sự thích thú cho học sinh, khiến lớp học thêm phần sôi nổi.

Tôi không bao giờ kiểm tra bài cũ theo cách truyền thống, mà dùng cách trực quan như sử dụng bản đồ và giáo cụ để gián tiếp kiểm tra.

Ví dụ: Em có thể chỉ ra từng tỉnh trên bản đồ Việt Nam được không? Nước mình nằm ở vị trí nào trên bản đồ Đông Nam Á…những lúc như vậy các em rất sôi nổi, vui vẻ và cũng rất là nhớ kiến thức đã học.

Đó là cách tôi dạy tất cả các lớp, 16 thế hệ học sinh đều nhắc đến tôi với những kỉ niệm rất tốt đẹp về bộ môn Địa lý”, thầy An nói.

Nhìn thấy điểm yếu

“Sau khi được xem lại Video những tiết học tôi đã dạy, tôi nhận thấy mình có niềm say mê và nhiệt huyết dành cho môn Địa lý, nhưng dường như lại thiếu đi cảm xúc đối với học sinh.

Ở trong lớp, tôi ít khi nhìn học sinh, thiếu đi sự tương tác với các học trò mà chỉ cắm cúi điều chỉnh thiết bị hoặc nhìn về phía bảng khi dạy.

Thầy cô muốn học trò tin yêu, cần học cách gần gũi và biết tôn trọng học trò ảnh 3

Cô Lương cặm cụi viết 45 bức thư căn dặn từng học trò

Ngoài những tiết học hào hứng khi học sinh được thể hiện mình qua những vở kịch dí dỏm, nhưng có không ít tiết học tôi không thể thu hút sự chú ý của các em với bài giảng của mình.

Thậm chí, có lúc tôi còn “lười” giảng bài, phó mặc cho học sinh tự trao đổi kiến thức với nhau.

Tình trạng này đã khiến không ít học sinh cảm thấy chưa hiểu bài hay thậm chí mệt mỏi, chán nản trong giờ học.

Để từng bước thay đổi chính mình, tôi đã bước vào nhiệm vụ đầu tiên mang tên “Thiết kế một bài giảng theo tinh thần mới”.

Với chủ đề là Đông Nam Á, tôi đã mang đến niềm hứng khởi mới cho các em học sinh qua việc tương tác nhiều hơn với các em, biết cách động viên và dành lời khen ngợi đúng lúc.

Học sinh cũng nhận ra sự thay đổi của tôi và cảm thấy vui, vì giờ đây lớp học đã không còn tẻ nhạt”, thầy An cho biết .

Thế nhưng, khi ban cố vấn chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” rời đi, sự hào hứng đó cũng biến mất.

Những tiết học của thầy An quay trở lại như trước đây, trầm lắng và thiếu đi sự nhiệt huyết.

Cũng rất may mắn khi ê-kíp chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” tiếp tục cho thầy An cơ hội làm mới mình với nhiệm vụ tiếp theo, đó là tổ chức một buổi đi thực địa cho lớp.

“Lần này, thay vì cầm quyển Atlas và dạy học sinh những kiến thức trong sách vở, tôi đã chủ động cập nhật cho học sinh những thông tin mới, thực tế và rất gần gũi.

Tôi cũng trở nên cởi mở hơn khi lắng nghe những thắc mắc của học sinh và đưa ra những lời giải đáp.

Cũng nhờ đó, lượng kiến thức tôi truyền tải tới học sinh cũng lớn và hiệu quả hơn”, thầy An vui vẻ nói.

Trong giờ lên lớp, các thầy cô cần chú ý đến cảm xúc của học sinh đối với bài giảng của mình, nhưng điều cốt lõi là phải làm sao giúp cho các em dễ dàng tiếp thu kiến thức. Ảnh: Thầy An cung cấp.
Trong giờ lên lớp, các thầy cô cần chú ý đến cảm xúc của học sinh đối với bài giảng của mình, nhưng điều cốt lõi là phải làm sao giúp cho các em dễ dàng tiếp thu kiến thức. Ảnh: Thầy An cung cấp.

Chia sẻ cá nhân

“Bản chất tốt đẹp đã sẵn có trong mỗi thầy cô giáo như: Tình cảm dành cho học sinh, tình yêu dành cho bộ môn, cho khoa học…các thầy cô cần phải “đánh thức” những tình cảm đó lên, và tiếp cho nó một sức sống mãnh liệt.

Mỗi thầy cô giáo có một phong cách, và dạy học là một nghề mang đậm mầu sắc cá nhân, cùng là một giáo trình nhưng mỗi thầy cô sẽ đưa kiến thức đến cho học sinh bằng nhiều cách khác nhau.

Trong giờ lên lớp, các thầy cô cần chú ý đến cảm xúc của học sinh đối với bài giảng của mình, nhưng điều cốt lõi là phải làm sao giúp cho các em dễ dàng tiếp thu kiến thức.

Thầy cô cần gần gũi, chia sẻ với học sinh để hiểu các em nhiều hơn, cố gắng kiểm soát những cơn nóng giận, chuyển hóa nóng giận thành những phản ứng tích cực có lợi.

Nếu làm tốt được những việc như vậy, mỗi giờ lên lớp thì cả thầy và trò sẽ có không khí vui vẻ, không áp lực, và chất lượng giờ học sẽ được nâng cao, điều đó rất có ích đối với các thế hệ học sinh”, thầy An nhấn mạnh.

Tùng Dương