Muốn học trò "cá biệt" mở lòng thì thầy cô phải rất chân thành

20/06/2019 07:02
Tùng Dương
(GDVN) - Nếu như giáo viên không có cái nhìn tích cực ngay từ đầu thì sẽ thấy cái gì cũng màu tối hết, cái gì cũng bế tắc cả và trong đầu chỉ toàn định kiến với trò.

Làm thế nào để học trò mở lòng với thầy cô? Cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga dạy môn ngữ Văn, Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng, đã trải lòng về điều này trong một cuộc trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, trân trọng mời quý bạn đọc, thầy cô theo dõi.

Có học sinh tôi thấy rất ít khi chép bài và thường xuyên ngủ gật trong giờ học.

Sau đó, tôi tìm hiểu thì được biết gia đình em rất khó khăn, buổi sáng sớm em phải đi phụ hồ, xách vữa cùng với bố mẹ, rồi mới thay quần áo để đến lớp học.

Em luôn trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ và trong mắt nhiều giáo viên thì có thể em học sinh đó là lười, không chịu học.

Có những em học sinh nam tôi gặp ở ngoài chợ trong công việc phụ giúp mẹ bán hoa quả, và khi đến lớp em bị bạn bè trêu rất nhiều.

Khi tôi tiếp xúc với những hoàn cảnh cụ thể như vậy, thì ngay từ lần đầu tiên nó đã giúp và cũng định hướng cho tôi rất nhiều, trước hết là phải tìm hiểu sự việc với một tư duy mở, mọi chuyện đều có lý do của nó.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga: Quan điểm của tôi là dùng lý lẽ và Giáo dục bằng chân tâm, hướng dẫn tận tình, dạy kiến thức bằng tình cảm chứ không phải là áp đặt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Nga: Quan điểm của tôi là dùng lý lẽ và Giáo dục bằng chân tâm, hướng dẫn tận tình, dạy kiến thức bằng tình cảm chứ không phải là áp đặt. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm 2004 khi vừa ra trường, tôi đã đi dạy và lớp đầu tiên tôi nhận làm chủ nhiệm là lớp 10. Đây là một lớp được đánh giá là có nhiều học sinh cá biệt ở vùng ngoại thành của Thành phố Hải Phòng.

Quan điểm của tôi là dùng lý lẽ và giáo dục bằng chân tâm, hướng dẫn tận tình, dạy kiến thức bằng tình cảm chứ không phải là áp đặt.

Thời gian đầu tôi cũng chưa hiểu biết hết hoàn cảnh của những học sinh cá biệt. Cá biệt nhưng không có nghĩa là các em đó xấu, mà do môi trường xã hội, gia đình, hoàn cảnh dẫn đến các em bị ảnh hưởng việc học tập, và kết quả không được như giáo viên mong muốn.

Nhiều em trong lớp có những phản ứng rất dữ dội nếu như giáo viên nhìn nhận, đánh giá mang tính định kiến về các em.

Ngay từ những năm đầu tiên tôi tiếp xúc với các em đó và cho đến nay tôi vẫn nghĩ là tôi rất may mắn, tôi đã hiểu được rất nhiều về những hoàn cảnh, mà trong con mắt của nhiều người thì những em học sinh đó khó có thể giáo dục được.

Thực tế là trong mỗi một học sinh đó đều có những cảnh ngộ và những điều uẩn ức ở phía sau.

Điều quan trọng là không phải mình phán xét đánh giá vào bề ngoài, mà phải đi tìm nguyên nhân để có hướng giải pháp.

Trong suốt mười mấy năm đi dạy, tôi luôn đi theo tôn chỉ tìm nguyên nhân để ưu tiên giải pháp”, cô Nga tâm sự.

Trong cách giáo dục học sinh thì bản thân giáo viên phải chân thật, và có 3 yếu tố quan trọng.

“Thứ nhất, trung thực trong cách sống và công việc. Tôi vẫn thường nói với học sinh rằng: Nếu bản thân cô không sống trung thực, thì cô cũng không thể đủ tư cách để lên lớp dạy các em.

Chính vì vậy mà trong mọi lĩnh vực cũng như công việc, không bao giờ tôi đề cao những "thủ thuật" để đạt được mục đích của mình.

Thứ hai, phải thành thật trong cảm xúc. Nếu học sinh thấy thầy cô lúc nào cũng chỉ nói những lời hay ý đẹp, và ngay cả những lúc chúng em sai mà cô vẫn chỉ nói lời hay thì sẽ làm cho học sinh cảm thấy bất an, và những lời cô nói chưa phải là sự thật.

Lúc đó mình phải truyền đạt cho học sinh hiểu những điều các em còn thiếu sót, nhưng phải bằng phương pháp nhẹ nhàng gợi mở.

Tôi thường hướng dẫn học sinh bằng cách tôi chỉ đặt câu hỏi, và học sinh trong quá trình trả lời thì các em sẽ tìm ra vấn đề của chính mình. Đó cũng là yếu tố về thành thật.

Thứ ba, là cách nhìn nhận và đánh giá. Đối với học sinh thì tôi thường trao đổi thẳng, tuyệt đối không bao giờ nói một đằng nhưng suy nghĩ phía sau lại khác, đó là chân thành, thẳng thắn”, cô Nga cho biết.

Có nhiều lúc tôi ngồi trò chuyện và học sinh cũng thường kể với tôi về những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống, gia đình…có nhiều em đã ra trường rồi những vẫn thường xuyên gọi điện về xin tôi tư vấn cho em về vấn đề này, vấn đề kia.

Khi nghe và nói chuyện với học sinh thì tôi thường dùng từ "chúng ta nói chuyện", hoặc trên lớp tôi không bao giờ nói cô bảo các em thế này, thế kia.

"Có nhiều ý kiến cho rằng tôi không nên dân chủ quá như vậy, mà phải thiết quân luật thì học sinh sẽ ngoan và vào nề nếp nhanh hơn", cô Nga chia sẻ.Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Có nhiều ý kiến cho rằng tôi không nên dân chủ quá như vậy, mà phải thiết quân luật thì học sinh sẽ ngoan và vào nề nếp nhanh hơn", cô Nga chia sẻ.Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Kỹ năng từ thực tế

“Nhớ lại lớp "cá biệt" mà tôi làm chủ nhiệm, trong quá trình tìm hiểu nói chuyện thì tôi nhận thấy các em rất nhạy cảm.

Nếu như mình dùng những từ kiểu như đánh là giá, yếu hay kém thì các em phản ứng rất là mạnh, nhưng nếu tôi dùng những từ: chưa đạt hoặc chưa được tốt lắm thì các em có thái độ rất vui vẻ.

Qua những lần như vậy thì tôi cũng rút ra được kinh nghiệm cho bản thân khi nói chuyện với các em, và từ đó cho đến nay tôi không bao giờ dùng những từ phán xét.

Tôi cũng thường trao đổi với các em rằng: Điểm số là một yếu tố quan trọng trong cuộc sống, là thước đo năng lực của các em, nhưng nó không phải là cái để đua tranh.

Ngoài điểm vào sổ theo quy định, tôi có dùng một số các biện pháp khác như đánh giá theo thang điểm A, B, C…và thực sự là học sinh rất thích thang điểm này, nó không gây áp lực cho các em, mà ngược lại nó còn khuyến khích các em phấn đấu.

Có nhiều ý kiến cho rằng tôi không nên dân chủ quá như vậy, mà phải thiết quân luật thì học sinh sẽ ngoan và vào nề nếp nhanh hơn.

Nhưng làm theo cách của tôi là thuyết phục các em nhận ra vấn đề, tuy có chậm nhưng nó rèn luyện được cho các em tính tự giác và nhìn vấn đề một cách thấu đáo.

Muốn học trò "cá biệt" mở lòng thì thầy cô phải rất chân thành ảnh 3

Chỉ biết trừng phạt và kỷ luật học trò là thất bại

Tôi thường hỏi các em khi có vấn đề sai sót rằng: Em có thể nói đánh giá của bản thân khi nhìn lại vấn đề đó?

Em nghĩ gì về cách nhìn nhận của người khác trong việc làm của mình?

Việc em làm nó có ảnh hưởng đến người khác hay không? Và nếu như làm lại thì em có tiếp tục làm như vậy không?

Tôi thường rèn các em theo phương pháp tự hỏi để các em hiểu được bản chất của vấn đề, vậy nên có nhiều em khi nhìn lại và đã tự nhận ra rằng mình sai.

Các em sẽ không có cơ hội để nhìn nhận cái sai của mình nếu như cô giáo không hỏi những câu như vậy, và điều đó thực sự rất có ích đối với các em học sinh.

Để học sinh vui vẻ và bớt được áp lực trong học tập, cũng như nhận ra được những việc làm chưa đúng của mình thì tôi thấy chúng phải hài hòa được 3 yếu tố.

Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm phần lớn, nhưng có một phần không nhỏ là sự phối hợp của những giáo viên bộ môn, nếu các thầy cô bộ môn cũng tham gia như một chủ nhiệm nhỏ ở lớp thì lớp học đó sẽ rất tuyệt vời.

Giáo viên bộ môn cũng tác động khá lớn nếu như các thầy cô để ý và phối hợp cùng với giáo viên chủ nhiệm.

Khi mà thầy cô giáo gửi thông báo và nhận được sự hưởng ứng, phối hợp tích cực từ phía gia đình thì kết quả cuối cùng khá là hoàn hảo.

Tôi luôn cho rằng giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất quan trọng, và có muốn thay đổi hay không đều xuất phát từ quan niệm của bản thân người giáo viên đó.

Chủ nhiệm phải trả lời được câu hỏi: chủ nhiệm là ai trong các mối quan hệ ở trường?

Khi lần đầu tiếp xúc, tôi thường xác định luôn với học sinh và phụ huynh rằng: chủ nhiệm là người dẫn đường học sinh chứ không phải là người cai quản.

Học sinh đi theo người dẫn đường và khi đi vững rồi thì giáo viên chỉ còn chỉnh sửa thôi.

Đối với phụ huynh thì chủ nhiệm là cầu nối để phụ huynh hiểu được con em họ, hiểu những chính sách về Giáo dục của nhà trường”, cô Nga cho biết.

Theo cô Nga:Trong suốt mười mấy năm đi dạy thì tôi luôn đi theo tôn chỉ tìm nguyên nhân để ưu tiên giải pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Theo cô Nga:Trong suốt mười mấy năm đi dạy thì tôi luôn đi theo tôn chỉ tìm nguyên nhân để ưu tiên giải pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tạm ứng niềm tin

“Tôi thường nói với học sinh là “tạm ứng niềm tin”, bản thân giữa giáo viên và học sinh khi mới bắt đầu đều có những chướng ngại về mặt tâm lý, và thường các em không dám nói thật suy nghĩ.

Đứng trước một định hướng của giáo viên chủ nhiệm thì các em thường có những băn khoăn là mình có làm được không? Làm thì liệu có đi đến đâu không?

Vậy nên, đối với học sinh bao giờ tôi cũng nói là cho cô “tạm ứng niềm tin” của các em, và trong quá trình các em sẽ đánh giá.

Bản thân giáo viên cũng phải “tạm ứng niềm tin”, không bao giờ được mất niềm tin vào cái bản chất cực tốt của trò. Bản thân mình cứ phải tin đã rồi sau đó sẽ đánh giá, điều chỉnh.

Nếu như giáo viên không có cái nhìn tích cực ngay từ đầu thì sẽ thấy cái gì cũng mầu tối hết, cái gì cũng bế tắc cả và trong đầu chỉ toàn định kiến với trò.

Khi về trường mới, tôi thực sự yêu thích môi trường này. Học sinh ở đây có một cách nhìn nhận rất là hồn nhiên, các em không bắt đầu bằng sự nghi ngờ mà sẵn sàng tin tưởng ở giáo viên.

Ở ngôi Trường Trung học phổ thông Trần Nguyên Hãn này, bản thân những người làm công tác giáo dục cũng đã sẵn sàng “tạm ứng niềm tin” cho những giáo viên còn trẻ và đang trên con đường phấn đấu như tôi”, cô Nga chia sẻ.

Tùng Dương