“Trước đây, quan niệm của tôi thì trường học là nơi tiếp thu kiến thức, học để làm người. Giáo viên với góc độ là truyền kiến thức cho học sinh, thì học sinh phải nghe lời và tuân thủ những yêu cầu mà giáo viên đặt ra, phải đạt ngưỡng mà giáo viên kì vọng.
Nếu học sinh không đạt được ngưỡng đó thì những giáo viên có trách nhiệm sẽ cảm thấy thất vọng, từ cảm xúc thất vọng đó sẽ dẫn đến những cảm xúc tiêu cực khác như tức giận, bất lực.
Ngay lập tức học sinh cũng phản ứng tiêu cực, năng lượng tiêu cực đó lan tỏa trong lớp học và tạo nên cả một lớp học với không khí căng thẳng, học sinh và cả giáo viên đều không vui vẻ.
Học sinh sẽ thất vọng vì bản thân các em đã được dạy rằng: Giáo viên như mẹ hiền, nhưng thực tế cách nhìn nhận của giáo viên và học sinh không giống nhau.
Không đạt được kì vọng cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân mà học sinh cho rằng tại sao cô giáo không dạy hấp dẫn hơn? Cô giáo phải hiền hơn…
Giáo viên không đạt được kì vọng thì có thể cho rằng học sinh lười học, mải chơi, chống đối…
Cả hai bên không tìm được tiếng nói chung nên đã dẫn tới tình trạng học sinh thì chống đối, giáo viên thì gây áp lực và cuối cùng thì đỉnh điểm mà thực tế đã diễn ra nhiều như thời gian gần đây là những hình phạt và bạo lực”, cô Lê Thị Thanh Nga - Giáo viên dạy môn lịch Sử, Trường Trung học phổ thông Bến Tre, Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc, chia sẻ với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề: Thầy cô đã thay đổi vì một trường học hạnh phúc.
Theo cô giáo Lê Thị Thanh Nga - Giáo viên dạy môn lịch Sử, Trường Trung học phổ thông Bến Tre, Phúc Yên, Tỉnh Vĩnh Phúc, thì giáo viên phải là người thay đổi trước tiên. Ảnh: vtv. |
Trải nghiệm và thay đổi
Cô Nga chia sẻ: “Sau khi được trải nghiệm một số buổi học về tâm lý học do giáo viên nước ngoài giảng dạy, và đặc biệt là thầy Pechtro là người sáng lập ra chương trình này, và bản thân thầy đến từ một nền Giáo dục tiên tiến.
Thầy Pechtro thường nói: “Muốn giải quyết được vấn đề thì phải tìm ra căn nguyên của vấn đề”.
Tại sao giáo viên lại có những năng lượng tiêu cực như vậy? Đó là do kì vọng, vậy tại sao giáo viên lại kì vọng quá nhiều vào học sinh như vậy? Là bởi vì giáo viên rất quan tâm đến học sinh, có trách nhiệm với nghề nghiệp nhà giáo”.
Nhưng cái cách mà giáo viên thực hiện lại sai. Chúng ta phải nhìn vào cốt lõi của vấn đề, nếu như thầy cô giáo không quan tâm gì đến học sinh thì sẽ chẳng có vấn đề gì hết, các em học hay không cũng không quan trọng, giáo viên cứ dạy, ai học thế nào cũng được, hết giờ thì về.
Nhiều thông tin gần đây cho thấy giáo viên ở nhiều nơi liên tiếp có hành động phạt học sinh, nhưng theo khảo sát thì đa phần những sự việc đó xảy ra ở các trường chuyên lớp chọn, và cũng là những giáo viên có kinh nghiệm, dạy giỏi… họ có kì vọng, nhưng vấn đề ở đây là những giáo viên đó lựa chọn sai cách.
Vậy làm thế nào để thay đổi và giáo viên phải là người hạnh phúc, trước khi làm cho một lớp học hạnh phúc.
Nếu chỉ nói hạnh phúc không thôi thì rất khó hình dung, nhưng hạnh phúc là niềm vui và niềm vui đó lấy từ cuộc sống, nhìn mọi thứ ở khía cạnh tích cực, không nên nhìn ở góc độ tiêu cực. Đây là việc khó không phải ngày một ngày hai đã luyện được.
Bản thân giáo viên phải tìm thấy niềm vui trong cuộc sống trước, và khi giáo viên có niềm vui thì sẽ lan tỏa ra lớp học và tác động tới các em học sinh.
Theo các chuyên gia nước ngoài đánh giá thì các giáo viên cần phải học một lớp về tâm lý học trước khi giảng dạy, có không ít giáo viên đã đưa những cái tiêu cực trong cuộc sống vào giờ dạy trên lớp. Vậy cho nên giáo viên chính là người phải thay đổi trước.
“Một biện pháp nữa để giáo viên cân bằng là nhìn vào khía cạnh tích cực của học sinh, ghi nhận những tiến bộ dù là nhỏ nhất, không so sánh bạn này với bạn kia, lớp này với lớp kia, giáo viên phải giảm bớt ngưỡng kì vọng.
Thực tế học sinh không đồng đều nên giáo viên phải chấp nhận sự khác biệt, không thể nào bắt các em phải có trình độ và học lực như nhau, vì thực tế mỗi em học sinh là một thực thể khác nhau.
Khi giáo viên không cau có, khó chịu thì sẽ không tạo ra không khí căng thẳng trong lớp học, không căng thẳng thì học sinh sẽ thoải mái, khi các em thoải mái thì lớp học mới hạnh phúc được.
Với tư cách là giáo viên nhiều năm thì tôi thấy, ngoài những niềm vui ra thì phải cho học sinh thấy các em được quan tâm, không bị bỏ rơi so với các bạn trong lớp”, cô Nga nêu quan điểm.
Những giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm nhiều đến học sinh, cho học sinh cảm thấy được sự an toàn khi đến lớp, điều này rất quan trọng vì thời gian gần đây có quá nhiều vấn đề liên quan đến bạo lực.
Bạo lực đến từ bên trong và bên ngoài trường học khiến các em cảm thấy căng thẳng, mà như vậy thì lớp học không thể hạnh phúc được.
Ngay lập tức học sinh cũng phản ứng tiêu cực, năng lượng tiêu cực đó lan tỏa trong lớp học và tạo nên cả một lớp học với không khí căng thẳng, học sinh và cả giáo viên đều không vui vẻ.Ảnh: vtv. |
Trước khi học tâm lý
Cô Nga nhấn mạnh: “Giáo viên chính là nghề tôi đã lựa chọn và nguyện theo đuổi suốt đời, những lớp học tôi đã dạy nó thường có 2 trạng thái.
Thứ nhất, với những học sinh tích cực thì cả cô và trò rất là vui, giáo viên cũng tích cực và có cảm hứng để dạy.
Có những lớp mà đặc biệt là những lớp đầu cuối cấp học, thì các em không hề thích gì môn lịch Sử mà tôi dạy, nên cũng có em đã không học, chống đối.
Bản thân tôi cũng là giáo viên cầu toàn nên khi học sinh không đạt được ngưỡng kì vọng thì tôi cũng rất tức giận, khả năng khống chế cảm xúc của tôi không tốt, dẫn đến có những lúc tôi bộc phát ở trên lớp mắng học sinh và rồi đến khi về nhà thì mắng luôn cả con.
Không phải tất cả đều gây cảm xúc tiêu cực, nhưng cũng có những lớp học, giờ học làm cho giáo viên căng thẳng và học sinh cũng căng thẳng, dẫn đến giờ dạy không đạt hiệu quả.
Học sinh nhớ đến giờ học đó không phải là kiến thức như thế nào, mà chỉ nhớ là giáo viên đã tức giận như thế nào, bạn nào đã làm trò cười cho cả lớp”.
Giáo viên nên được đào tạo kỹ hơn về tâm lý học, với giáo trình được đào tạo tại trường Sư phạm là chưa đủ.
Giáo viên chưa hiểu biết được nhiều về tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, cách xử lý tình huống khiến cho giáo viên căng thẳng, để tránh tình trạng truyền năng lượng tiêu cực cho học sinh.
Cô Nga cho biết: “Tôi đã theo học chương trình của thầy Phetro gồm những khóa đào tạo ngắn, do những giáo viên tâm lý học hàng đầu thế giới giảng dạy.
Bản thân tôi sau một thời gian điều chỉnh đã thấy những sự bùng phát của mình trước kia ở trên lớp không hề có tác dụng gì, và mình nên khống chế những cảm xúc tiêu cực đó.
Chương trình tôi được học có đặt camera tại lớp mà tôi dạy trong 9 tháng, sau đó tôi được xem lại chính giờ dạy của mình.
Trước đó tôi thấy rất là bình thường, nhưng sau khi xem những hình ảnh như cáu gắt, giễu cợt, mắng…học sinh thì tôi thấy những hành động đó của mình rất là xấu xí.
“Để học sinh không ham thích môn Lịch sử, một phần do cách dạy của giáo viên" |
Những giờ học đó chỉ có học sinh nhìn thấy mình chứ mình đâu có tự nhìn thấy.
Nhưng giờ được xem lại thì tôi cảm thấy sao mà mình xấu thế, xấu hổ quá, kinh dị thế…mình mà có bà giáo như thế này chắc mình cũng phải phản ứng.
Sau khi biết như vậy rồi thì những khi bị chọc giận, tôi cố gắng không phát tác ra nữa bởi vì mình đã biết rồi, tôi tìm cách để điều hòa cảm xúc nóng giận.
Dần dần, tôi nhận thấy những tiết học nhẹ nhàng hơn rất nhiều, không khí lớp học tốt lên và học sinh có những phản hồi tích cực hơn, tất cả mọi cố gắng của giáo viên sẽ diễn ra từ từ và người phán xét giáo viên có thay đổi hay không sẽ chính là học sinh”.
Không có giáo viên nào là hoàn hảo, mà chỉ có giáo viên tích cực thay đổi bản thân để đạt được tiệm cận với giá trị hoàn hảo.
Người quản lý phải cho giáo viên động lực để khuyến khích họ thay đổi, nên có khen thưởng, nhìn nhận sự thay đổi tích cực của giáo viên.
Xã hội không nên phán xét một cách phiến diện về nghề giáo, điều này khiến cho giáo viên thêm một tầng áp lực ngoài những áp lực về thành tích, từ chương trình, áp lực bản thân, từ học sinh và phụ huynh…
Chia sẻ kinh nghiệm
Thứ nhất hãy đặt tất cả những vấn đề khác bên ngoài cánh cửa lớp học, và khi về đến nhà, cũng hãy đặt tất cả công việc cơ quan ở bên ngoài cánh cửa của nhà mình.
Thứ hai, với lứa tuổi học sinh cấp 3 đang trong giai đoạn “nổi loạn” thì giáo viên không thể chuyển từ thái cực nọ sang thái cực kia, có nghĩa trước đây nghiêm khắc bao nhiêu thì bây giờ dịu dàng bấy nhiêu, thì đó lại càng không ổn.
Giáo viên phải từ lương tâm và trách nhiệm của mình để giáo dục học sinh, vừa phải thể hiện sự bao dung, thân thiện và trách nhiệm với học sinh, nhưng đồng thời phải có sự nghiêm khắc nhất định.
Phải có kỷ luật tích cực để cho học sinh thấy mình không phải là “ông tướng” các em nhận thấy được yêu thương và an toàn khi đến trường.
Học sinh tìm thấy niềm vui khi đến trường, nhưng trường học không phải là cái nôi của trẻ sơ sinh mà là nơi đào tạo con người, dạy kiến thức…học sinh phải biết được những giới hạn mà giáo viên đã chỉ ra.
Nếu học sinh vượt quá giới hạn thì giáo viên phải có hình thức kỷ luật thích hợp, nhưng phải là hình thức kỷ luật tích cực chứ không phải là trút giận.
Phải có sự hài hòa giữa 2 thái độ, thực tế có rất nhiều giáo viên yêu quý học sinh nhưng lại không thể hiện ra vì sợ học sinh sẽ nhờn, nhưng nếu không thể hiện ra thì học sinh không thể biết mình có được yêu quý hay không.
Nhiều giáo viên trẻ vừa ra trường đã cố tạo ra một khoảng cách nghiêm khắc với học sinh và hy vọng học sinh sẽ nghe lời mình, nhưng điều đó đã được chứng minh là không đúng.
Học sinh phải cảm nhận được là giáo viên rất quan tâm đến mình, có thể bao dung một số lỗi lầm của mình, nhưng đồng thời học sinh cũng phải biết được những giới hạn mà không được phép vượt qua.