Bệnh thành tích trong giáo dục đã được nói đến nhiều và không ít chuyên gia, người tâm huyết với nền giáo dục nước nhà phải lắc đầu ngao ngán vì nó đã và đang ăn sâu trong suy nghĩ, hành động của không ít người.
Để thay đổi suy nghĩ đó cần phải có cuộc “thay máu” triệt để. Nhưng từ khi trường học được khống chế bằng các chỉ tiêu để xếp loại trường, đánh giá giáo viên thì mọi chuyện đã đổi khác. Và để đổi được suy nghĩ hay chữa được bệnh thành tích thì càng khó.
Càng trường nào có danh hiệu trường chuẩn quốc gia, trường điểm, trường “top” đầu...càng nặng bệnh thành tích. Theo đó, các chỉ tiêu cũng vì thế cao hơn nhưng thực tế chất lượng học tập của học sinh không đổi.
Bệnh thành tích thường được đo bằng tỉ lệ học sinh giỏi, học sinh đạt giải trong các phong trào học tập, các cuộc thi đua... để khẳng định “đẳng cấp” từng trường.
Các trường đề ra chỉ tiêu thi đua quá cao, không phù hợp với khả năng thực tế có thể đạt được.
Nếu như trước đây học sinh học lực yếu, kém, điểm thi thấp đương nhiên cuối năm sẽ phải ở lại lớp. Có lớp số học sinh lưu ban đến vài em.
Đối với những học sinh hư, vô lễ, quậy phá… nhà trường cũng có nhiều biện pháp mạnh răn đe như hạ nhiều bậc hạnh kiểm, cao hơn là đuổi học.
Còn nay học sinh muốn điểm thấp cũng không được, ở lại lớp lại càng không vì ảnh hưởng đến chỉ tiêu thi đua của trường.
Phụ huynh học sinh biết, thầy cô giáo biết, ban giám hiệu biết và cán bộ cấp Phòng, cấp Sở Giáo dục và Đào tạo cũng biết nhưng tất cả đều làm ngơ và giả vờ như không biết.
Trong số đó chỉ ít phụ huynh học sinh dám đứng lên công khai phản đối bệnh thành tích.
Như trường hợp chị Ng.T.H (sinh năm 1981) trú tại phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) có con đang học lớp 4 phản ứng trước việc nhà trường tự tổ chức cho thi lại nhằm nâng điểm.
Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Ng.T.H có con đang theo học lớp 4D Trường tiểu học Đồng Kỵ 2 (phường Đồng Kỵ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh bức xúc trước việc con gái chị được nhà trường tự tổ chức thi lại môn Sử địa nhằm nâng điểm thay thế cho điểm thi học kỳ 1.
Đáng chú ý, gần một nửa học sinh lớp 4D và hàng chục học sinh khác rơi vào các lớp cùng khối 4 có điểm học kỳ 1 dưới trung bình được nhà trường tổ chức cho thi lại để nâng điểm thay cho điểm thi học kỳ 1. Không chỉ môn Sử địa nhà trường cho thi lại mà môn Toán cũng tương tự.
Phụ huynh bức xúc trước việc ban giám hiệu Trường tiểu học Đồng Kỵ 2 tổ chức thi lại nhằm nâng điểm cho hàng loạt học sinh điểm thi dưới trung bình để thay cho điểm thi hết học kỳ 1. Ảnh: Vũ Phương. |
Trao đổi với phóng viên, chị Ng.T.H cho biết : “Điểm thi hết học kỳ 1 năm học 2017-2018 vừa qua Trường tiểu học Đồng Kỵ 2 số học sinh đạt điểm dưới trung bình rất nhiều.
Riêng lớp 4D, lớp con gái chị đang theo học có đến gần một nửa lớp trên sĩ số 36 học sinh được nhà trường cho kiểm tra lại môn Sử địa để nâng điểm thay cho điểm thi hết học kỳ 1. Các lớp khác cùng khối như 4A, 4C, 4G cũng khá nhiều học sinh được nhà trường cho kiểm tra lại.
Chỉ rất ít học sinh được điểm 8 môn Sử địa như con gái tôi được thi lại để nâng lên điểm 9. Còn lại là học sinh đạt điểm dưới trung bình (5 điểm) kiểm tra lại để nâng lên điểm 7, điểm 8.
Có lẽ con gái tôi được thi nâng điểm vì cháu học rất tốt toàn điểm 9, 10, kỳ thi vừa rồi được điểm 8 môn Sử địa sẽ bị ảnh hưởng đến kết quả, chỉ tiêu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc mà nhà trường đã đăng ký từ đầu năm.
Mới đây con gái tôi nói tôi mới biết việc nhà trường cho thi lại vào cuối tháng 12/2017 chứ nhà trường không hề thông báo cho phụ huynh biết việc này. Thời điểm nhà trường cho thi lại ngay sau kỳ thi hết học kỳ 1 diễn ra được một tuần”.
Chị Ng.T.H cũng cho biết thêm: “Đề thi hết học kỳ 1 là của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh ra đề, còn đề thi lại do nhà trường ra đề.
Con gái tôi nói đề thi lại của trường dễ hơn so với đề của sở. Bởi vậy, nhiều học sinh điểm dưới trung bình môn Sử địa đã được điểm 7, điểm 8, điểm 9 sau khi thi lại.
Ngay sau khi sự việc, tôi và một số phụ huynh cùng lớp đã đến gặp ban giám hiệu nhà trường để làm rõ. Chúng tôi rất bức xúc và không đồng ý với việc nhà trường tự ý cho học sinh thi lại để nâng điểm thi học kỳ 1.
Đây rõ ràng là bệnh thành tích, sự gian dối trong giáo dục, con tôi điểm như thế nào tôi đề nghị nhà trường tôn trọng và giữ nguyên. Bởi như thế để con biết con đang ở đâu chứ không phải là con số ảo”.
Ngay sau khi biết việc nhà trường “âm thầm” cho kiểm tra lại một cách bất thường, chị Ng.T.H và nhiều phụ huynh đã đến trường chất vấn ban giám hiệu nhà trường để làm rõ.
Được biết, Trường tiểu học Đồng kỵ 2 hiện cô hiệu trưởng nhà trường đang xin nghỉ phép vì lý do gia đình. Mọi công việc của trường do hai cô Phó hiệu trưởng điều hành.
Chị Ng.T.H (bên trái) trao đổi, làm việc với ban giám hiệu Trường tiểu học Đồng Kỵ 2 về việc trường tự cho thi lại để nâng điểm cho học sinh. Ảnh: Cắt từ clip NVCC. |
Chị Ng.T.H cho hay: “Tôi và một số phụ huynh đã có buổi làm việc với cô Nguyễn Thị Thảo – Phó hiệu trưởng về việc cho lớp con tôi thi lại. Nội dung buổi làm việc giữa tôi và một số phụ huynh với cô Thảo đã được quay video và đưa lên mạng xã hội để các phụ huynh khác nắm.
Lý giải về việc cho học sinh thi lại môn Sử địa để thay điểm thi học kỳ 1, cô Thảo khẳng định, việc nhà trường tổ chức thi lại cho học sinh là đúng.
Theo Thông tư số 03 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trong trường hợp điểm bài thi của học sinh thi học kỳ mà không phản ánh đúng thực lực học hàng ngày của học sinh thì giáo viên chủn hiệm sẽ lập danh dánh và gửi đơn đề nghị ban giám hiệu nhà trường cho thi lại bất thường.
Hướng dẫn cũng nêu rõ, sau khi nhà trường chấm thi xong, giáo viên sẽ rà soát lại những bài thi có điểm số không phản ánh đúng thực lực của các em. Từ đó, nhà trường sẽ họp và quyết định có tổ chức thi lại để tránh thiệt thòi cho các em hay không”.
Cô Thảo cũng thừa nhận với phụ huynh, nhà trường đã cho thi lại môn Sử địa, môn Toán, trong đó chủ yếu rơi vào học sinh khối 4. Môn Sử địa có nhiều học sinh được thi lại hơn so với môn Toán. Điểm thi lại sẽ thay thế điểm thi hết học kỳ 1 vừa qua.
Đáng nói, phản ánh với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Ng.T.H chỉ ra: “Theo quy định nhà trường phải trả bài kiểm tra, bài thi cho học sinh mang về nhà. Tuy nhiên, nhà trường không trả bài cho học sinh, nhà trường giữ lại bài thi nhằm mục đích gì?”.
Nguyên nhân nhà trường tổ chức kiểm tra, thi lại vừa qua để lấy điểm thay điểm thi học kỳ 1 được các phụ huynh cho rằng, từ đầu năm trường đã đăng ký chỉ tiêu thi đua và các hình thức khen thưởng.
Rõ ràng, việc nhiều học sinh thi hết học kỳ 1 đạt dưới điểm trung bình sẽ ảnh hưởng đến thành tích thi đua của trường.
Chính vì vậy, những học sinh đó được nhà trường tổ chức cho thi lại bằng cách ra đề dễ hơn nhằm lấy điểm cao hơn nhằm thay thế điểm thi học kỳ 1.
Nhà trường buộc chỉ tiêu cứng nhắc, sao có thể “chống bệnh dối trá”? |
Chị Ng.T.H phân tích: “Những trường hợp được thi lại chúng tôi nắm được thì chỉ áp dụng cho một số trường hợp như học sinh học lực rất tốt, nhưng do tâm lý nên bị điểm kém. Trường hợp học sinh gặp vấn đề về trí tuệ hay trường hợp lực học bình thường rất tốt nhưng điểm thi thấp và ngược lại.
Thực tế số học sinh được thi lại tại Trường tiểu học Đồng kỵ 2 không nằm trong các trường hợp trên. Học sinh được thi lại chủ yếu rơi vào học sinh dưới điểm trung bình lên đến 50% sĩ số lớp.
Việc làm này của ban giám hiệu nhà trường là đi ngược lại cuộc vận động chống bệnh thành tích, tiêu cực trong ngành giáo dục.
“Điểm số của các em như thế nào phải trung thực. Như thế phụ huynh mới nắm được con mình yếu môn nào sẽ có cách rèn và kèm thêm. Việc thi lại để nâng điểm không đúng với thực lực của các em là gian lận và rất đáng lo ngại.
Điều chúng tôi lo ngại ở đây là ngay từ nhỏ các con đã được nhà trường “gieo” vào tâm lý nếu học có kém, điểm thấp nhà trường sẽ cho thi lại và điểm sẽ cao. Các con sẽ không còn động lực, nỗ lực phấn đấu học nữa.
Hơn hết, môi trường giáo dục phải trung thực, phản ánh đúng thực lực của các em chứ đừng vì chỉ tiêu, vì thành tích của trường mà gian dối. Như thế nền giáo dục sẽ không phát triển được”, chị Ng.T.H nói.
Chiều 6/2, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Việt - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) xác nhận: "Việc đó cũng không có vấn đề gì lớn và chúng tôi đã giải quyết xong.
Trường tổ chức cho thi lại chúng tôi đã nắm được. Cho vài chục học sinh thi lại không phải là vấn đề lớn".
Ngay sau đó, ông Nguyễn Việt cúp máy với lý do đang lái xe và đề nghị phóng viên cần thông tin gì cứ đến.