“Đến thời điểm này tôi thực sự cảm thấy oải lắm. Hè này bị cắt hợp đồng tôi cũng nói lời tạm biệt nghề giáo. Không chịu nổi!” – thầy Lương mở đầu câu chuyện bằng những tiếng thở dài.
Năm 2016, anh Lê Minh Lương tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Tây và xin được dạy hợp đồng tại một trường tiểu học (Thạch Thất, Hà Nội). Hè này anh Lương bị cắt hợp đồng, chính thức “thất nghiệp”.
Năm học tới em còn được gọi đi dạy hợp đồng nữa không? |
Anh Lương mệt mỏi: “Nghĩ chán lắm, thời còn đi học cứ ao ước được trở thành nhà giáo.
Thời sinh viên có đợt đi kiến tập hay thực tập gì chỉ mong mong chóng chóng ra trường để đứng trên bục giảng.
Thế rồi khi đi dạy mới biết mọi thứ không màu hồng như tôi nghĩ. Lương tháng 1 triệu đồng làm gì đủ ăn, đủ tiêu.
Tôi phải xoay sở đủ thứ nghề nào gia sư, bán hàng qua mạng để có thêm thu nhập”.
Nghĩ phận trai tráng lương tháng 1 triệu đồng anh Lương lại vò đầu, vò tai:
“Nhà báo đừng đưa hình ảnh tôi vào. Chứ nói thật lương lậu kiểu này chán lắm. Nhiều khi đi với bạn bè mà thấy xấu hổ.
Bạn bè đồng trang lứa đều có công việc ổn định thu nhập cũng tương đối. Còn mình không phải nói gì nghèo nhất hội.
Ở Việt Nam này chẳng kiếm đâu được công việc mức lương hơn 1 triệu đồng/ tháng”.
Thầy Lương và cuốc xe ôm đầu tiên sau khi nghỉ dạy (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Ấy thế mà thầy Lương vẫn xuýt xoa: “Như tôi chưa gọi là thảm. Có bạn mới ra trường đi dạy hợp đồng hưởng lương 480.000 đồng/ tháng.
Mình cũng yêu nghề lắm, yêu trường, thương yêu học sinh. Nhưng năm nay 26-27 tuổi rồi phải tính việc khác mà làm. Chứ trông chờ đồng lương hợp đồng thì bao giờ mới khá.
Rồi còn phải tính chuyện lấy vợ, sinh con. Là đàn ông thì chí ít cũng phải chỗ dựa cho vợ, cho con”.
Chỉ qua ngày mai nữa thôi, hợp đồng như em lại thất nghiệp |
Thế rồi thầy Lương lại tiếp tục thao thao bất tuyệt: “Trước kia, thời sinh viên cũng có mấy em để ý.
Khi ra trường họ biết mình giáo viên hợp đồng, lương chẳng được bao nhiêu họ không mặn mà lắm.
Mình cũng chẳng trách được họ. Đổi lại nếu địa vị mình là họ mình cũng chẳng dám gửi gắm tương lai cho một anh giáo gàn thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nếu không muốn nói là quá thấp.
Ngày trước cứ nghĩ còn trẻ còn cống hiến, còn yêu nghề thì nghề không phụ mình. Một thời gian sau bớt khó khăn hơn.
Nhưng càng đâm đầu vào thì càng thấy khó hơn. Nào đâu phải mỗi chuyện lương bổng, phận giáo viên hợp đồng mệt mỏi lắm”.
Trường thầy Lương có tất cả 12 giáo viên hợp đồng. Người trẻ thì mới đi dạy được 1 năm. Người thâm niên thì 15, 16 năm.
“Thấy cảnh các thầy cô hợp đồng 15,16 năm mà chẳng hy vọng gì vào biên chế mình cũng nghĩ là mình chẳng có cơ hội.
Phận giáo viên hợp đồng trăm bề cái khổ. Lương thấp mà công việc cũng phải hoàn thành như các giáo viên biên chế bình thường. Tháng hè nhiều khi còn phải trực trường.
Áp lực trên đe dưới búa. Trên thì ban giám hiệu, hiệu trưởng dưới thì học sinh ngỗ ngược, phụ huynh dọa nạt.
Nhiều khi mình cảm thấy bị trầm cảm. Nhất là năm đầu tiên.Ôi khi bước vào môi trường sư phạm bao mộng đẹp tan vỡ hết” - thầy Lương tâm sự.
Rời bục giảng, thầy Lương chạy xe ôm một thời gian trước khi tìm công việc mới (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Thầy Lương nhớ lại những đêm thức trắng để hoàn thành sổ sách, giáo án và những việc lặt vặt của trường:
“Có việc gì của trường là hiệu trưởng lại kêu giáo viên hợp đồng phải hoàn thành. Nhiều khi nghĩ mà bất công, tủi nhục.
Tâm lý của người trẻ như mình luôn muốn sôi nổi nhưng vào đây bị đè nén quá lâu thành ra mình không còn là mình nữa”.
Mặc dù rất buồn vì không còn gắn bó với nghề phấn trắng bảng đen nhưng thầy Lương cũng vui vì đã có thể chấm dứt sự mệt mỏi suốt 3 năm nay:
“Cảm xúc của mình hôm cuối cùng dạy ở trường rất lẫn lộn. Một nửa rất buồn vì phải rời xa ngôi trường mình gắn bó 3 năm, không còn được đi dạy, nhớ các em học sinh của mình.
Nhưng mình cũng cảm thấy như quẳng được gánh nặng trong lòng. Đối với những người trẻ như mình có thể năng động kiếm một công việc khác. Đây cũng coi như cơ hội để mình dứt duyên với nghề”.
Chia sẻ về dự định tương lai thầy Lương hóm hỉnh: “Nghỉ ngơi 1 thời gian mình sẽ kiếm công việc nào phù hợp hơn. Thời gian này cũng bắt đầu chạy xe ôm kiếm chút chi tiêu.
Còn đối với nghề giáo tôi nghĩ là mình hết duyên với nghề rồi. Thực sự người trẻ hiện nay họ nghĩ nhiều về kinh tế hơn. Nếu công việc không đáp ứng nhu cầu sống thì họ sẽ bỏ.
Ba năm qua đối với tôi là khoảng thời gian tươi đẹp mặc dù thu nhập không cao.
Nhưng mình còn một tương lai phía trước nên phải tìm một công việc phù hợp hơn”.
Bên cạnh đó thầy Lương cũng cho biết: Bản thân rất sợ sẽ chẳng còn ai dám theo nghề giáo viên nói: “Thế hệ của bọn tôi khác với thế hệ của thầy cô trước kia.
Nếu công việc và mức lương không đáp ứng nổi cuộc sống chứ đừng nói đến làm giàu thì chắc chắn các bạn ấy sẽ bỏ.
Vì thế tôi rất khâm phục các thầy cô yêu nghề chấp nhận lương thấp nhưng vẫn đi dạy.
Tôi sợ rằng nếu vẫn giữ chế độ lương bổng và áp lực như hiện nay thì sẽ chẳng có ai dám thi vào sư phạm nữa. Lý tưởng hay tình yêu gì thì cũng phải sống trước đã”.