Học sinh lớp 2 đã bắt đầu được học cách viết một đoạn văn ngắn theo chủ đề về bố, mẹ, ông bà, gia đình của em…
Nếu như giáo viên chỉ hướng dẫn cho các em cách trình bày, một số yêu cầu, nội dung cần viết…và để tự học sinh làm thì thầy cô sẽ có được những bài văn tả thực vô cùng sinh động.
Một bài văn tả thực của một học sinh lớp 5 (Ảnh facebook) |
Học sinh viết thật đến mức chỉ cần đọc những bài văn ấy, chúng ta cũng sẽ hiểu được con người và cuộc sống trong gia đình học sinh của mình.
Bởi, các em luôn viết điều thật, những điều mình thấy hằng ngày, những điều mình đã hiểu và in trong tâm trí.
Thế nhưng không phải lúc nào bài viết chân thật của các em cũng được thầy cô đồng ý và đánh giá cao.
Những bài văn tả thật của học trò tiểu học
Bài văn của một học sinh lớp 3 khi em tả về bố đã nhận được rất đông ý kiến đồng tình của bạn đọc.
Ngược lại, em lại bị giáo viên phê “Xem lại cách dùng từ cho phù hợp và ghi điểm 3 vào bài”.
Cậu bé đã viết về bố mình như sau: “Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đào Sơn Tùng.
Hằng ngày, bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc.
Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí.
Lúc ăn cơm xong cả gia đình cùng dọn, bố chả dọn rồi lấy điện thoại chơi Thiên hạ vô song.
Em bé thế còn phải đút xoài cho bố. Từ nay em không làm ôsin nữa. Từ nay em rất yêu bố vừa vừa chứ không yêu lắm”.
Đọc bài viết của em, người đọc cảm nhận cậu học trò đang tả rất thật.
Có điều em bị mắc một số lỗi về cách dùng từ, cách diễn đạt.
Bởi thế khi chấm, giáo viên nên chỉ ra những lỗi sai sót ấy để trò khắc phục cho lần viết sau và giáo viên cần khuyến khích các em vì đã biết tả thật.
Một học sinh lớp 2 của tôi cũng đã viết bài văn kể về gia đình mình làm người đọc cảm thấy xót xa, nghẹn lòng:
Thầy chấm Văn thầy, những thật - giả và áp lực của điểm số |
"Gia đình em như địa ngục, chẳng vui vẻ chút nào. Mỗi khi ba em đi biển về, mẹ em cứ hỏi tiền.
Có hôm đang ăn cơm, ba em hất đổ mâm cơm và chửi mẹ em "Bà có im đi không? Lúc nào cũng tiền! tiền! nghe nhức hết cả đầu. Vợ như cái con...c...". rồi ba bỏ ra ngoài luôn".
Có em lại viết: “Ba em ác lắm. Ba đánh mẹ hoài luôn. Mỗi khi ba đi biển, mẹ chở em đi học và lại đi đánh bài.
Ba đi biển về không thấy mẹ, biết mẹ đi chơi. Khi mẹ về rồi ba lại chửi, mẹ em cũng chửi lại.
Ba đánh mẹ và đập hết đồ trong nhà. Gia đình em không vui vẻ gì. Em không thích gia đình mình”.
Lại có em viết rằng “Em có 2 ông ba nhưng em không thích ông ba tên Tuấn vì ổng hay đánh mẹ em…
Mỗi lần bị ổng đánh, bà ngoại em đều chửi mẹ vì không nghe lời bà nên mới thế. Em ước học giỏi sau này làm ra nhiều tiền nuôi mẹ và nuôi ngoại”.
Hay như khi tả về thầy cô giáo, không ít em viết: “Thầy giáo của em rất dữ. Bạn nào hư, không chịu học là thầy lấy roi đánh liền.
Vì thầy rất thương học sinh nên mới đánh để cho ngoan. Thầy giảng bài rất kĩ. Em rất yêu quý thầy”…
Nhiều thầy cô không thích học trò tả thật
Không phải thầy cô giáo nào khi thấy học sinh viết những đoạn văn tả thực như thế cũng đồng tình.
Không phải giáo viên nào cũng để cho các em tự nói lên suy nghĩ, cảm xúc thật của mình trong khi viết văn.
Cũng chỉ vì điểm số và thành tích, một số thầy cô giáo đã tước mất quyền được nói của học sinh.
Đáng ra, từ bài viết của các em, trên cơ sở tôn trọng những cảm xúc thật, thầy cô sẽ chỉ ra cho học trò cái sai trong cách dùng từ, lỗi diễn đạt (nếu có).
Nhưng vẫn còn ít giáo viên làm thế, một số thầy cô giáo cho rằng, mình đọc không sao nhưng khi thi, giáo viên chấm chéo bài, nếu gặp thầy cô không trùng quan điểm (học trò tự do tả thật) và như thế lớp mình sẽ bị nhiều điểm thấp.
Và họ tự đưa ra giải pháp bằng cách, người cho học sinh đọc thuộc bài văn mẫu (một lớp cô soạn khoảng hơn chục bài văn mẫu cho trò chia nhau đọc), hoặc cái sườn bài mẫu (khá chi tiết) để học sinh dựa vào sườn bài hoàn chỉnh thêm.
Thế nên khi chấm bài, có thầy cô nói chẳng biết cho điểm ra sao khi bài nào cũng na ná nhau.
Cho điểm tuyệt đối đương nhiên không được, cho điểm yếu lại càng không. Giải pháp an toàn nhất giáo viên chọn là cho mức điểm kha khá cả lớp để khỏi phật lòng đồng nghiệp.
Triệt tiêu sự sáng tạo và thầy cô đang dạy trò dối trá
Nhất định thầy cô phải thay đổi để xóa bỏ tình trạng dạy văn theo mẫu |
Hàng chục bài văn kể về gia đình thì cứ chung một điệp khúc:
“Mọi người trong gia đình em sống rất hạnh phúc, đầm ấm. Em yêu gia đình em…”.
Hay hàng chục bà ngoại, bà nội đều lưng còng, tóc bạc phơ…trong khi có em còn tả bà nội em tối tối còn đi nhảy đầm (bởi bà nội mới hơn 40 tuổi và khá tây).
Hàng chục bà mẹ đều da trắng, môi hồng, mắt đen, tóc dài…
Tả về người thân, tả về gia đình mình nhưng chính các em không được tả thật mà phải tả theo ý giáo viên.
Bởi thế, đã có không ít học sinh khi tả về ba, mẹ của mình đã tự nghĩ ra những ngành nghề mà các em yêu thích gán cho ba mẹ mình, như mẹ con là giáo viên, ba con là công an, là giám đốc…
Tôi đã từng hỏi một số em “Cô biết ba con là thợ hồ, mẹ con đi làm cá, sao con lại kể ba làm công an, mẹ là cô giáo?”
Phần lớn các em đều trả lời mình thích. Dù hỏi thế nhưng tôi biết chính các em đã bị cách dạy mẫu của không ít thầy cô giáo tiêm nhiễm, ăn sâu vào suy nghĩ.
Một số giáo viên chỉ vì con điểm, vì thành tích bản thân nên chọn cách dạy mẫu, cách dạy “đồng phục” cho học sinh mà không nghĩ rằng chính mình đang nhen mầm dối trá vào những tâm hồn ngây thơ non nớt của học sinh.
Hậu quả này là vô cùng lớn, bởi trẻ em như tờ giấy trắng, nhân cách, tính người bị tác động khá lớn từ cách dạy, từ những lời giáo dục của những người thầy đầu tiên.