Vì sao dạy, học văn không ai dám sáng tạo?

10/05/2019 07:04
LÊ ĐỨC ĐỒNG
(GDVN) - Bởi vì “thi thế nào thì học thế ấy” nên dạy và học cứ bám theo hướng dẫn của Bộ là chắc ăn nhất!

LTS: Bàn về cách dạy và học văn hiện nay, thầy giáo Lê Đức Đồng cho rằng với cách ra đề, với hướng dẫn chấm, biểu điểm như hiện nay thì không ai dám sáng tạo.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có nhiều ý kiến cho rằng việc dạy và học bộ môn Văn hiện nay đang làm mất sự sáng tạo; vì giáo viên dạy thì cứ theo hướng dẫn; học sinh học theo lời giáo viên… Đến kỳ thi thì có đề cương, đề thi mẫu… Cứ làm theo như thế mới đạt được điểm cao…

Điều đó rất đúng với thực trạng dạy và học Văn hiện nay trong nhà trường. Đã có những đổi mới về cách ra đề nghị luận xã hội; dạng đề bám sát hơi thở cuộc sống; đề tài thiết thực, gần gũi với học sinh hơn…

Nhưng đề nghị luận văn học thì vẫn còn bó hẹp trong những tác phẩm, đoạn trích đã học, chủ yếu trong chương trình lớp cuối cấp.

Vì thế, một thời đã có câu ca dao nói về việc ra đề thi tốt nghiệp, thi đầu vào hàng năm: “Nực cười thi cử nước ta/ Đầu vào Thị Nở, đầu ra Chí Phèo”…

Trở lại chuyện dạy và học Văn hiện nay không có sự sáng tạo, năng động. Quả thật, với cách ra đề, với hướng dẫn chấm, biểu điểm như hiện nay thì không ai dám sáng tạo!

Làm sao để dạy và học văn thêm sáng tạo? Ảnh minh họa:yendung.bacgiang.gov.vn
Làm sao để dạy và học văn thêm sáng tạo? Ảnh minh họa:yendung.bacgiang.gov.vn

Bởi “thi thế nào thì học thế ấy” nên dạy và học cứ bám theo hướng dẫn của Bộ là chắc ăn nhất! Nếu có mở rộng thì bàn về những vấn đề “râu ria”, còn ý chính thì không ai dám “sửa đổi, thêm bớt”…

Cũng vì muốn “an toàn”, đúng hướng thi nên hàng năm, trước các kỳ thi, cả thầy lẫn trò đều tìm mua bằng được những tài liệu ôn tập thi tốt nghiệp như “Hướng dẫn ôn thi môn Ngữ văn” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam…

Vậy thì “sáng tạo” làm gì cho mệt vì tài liệu hướng dẫn chỉ rõ tác phẩm này phải hiểu thế này; đoạn thơ kia phải hiểu thế kia.

Nếu hiểu cách khác (mà vẫn có lý, có cơ sở) đều không được phép vì làm như thế sẽ mất điểm ngay! Sự “sáng tạo” lúc này vô tình mang vạ vào thân; không ai khen còn bị chê cười “muốn làm nổi”!

Bi hài nhất là những bài văn của các kỳ thi học sinh giỏi Văn… Có những bài học sinh thể hiện sự cảm thụ rất tốt, có chiều sâu suy nghĩ nhưng không… trùng khớp đáp án nên vẫn không đạt điểm cao để có giải!

Vì sao dạy, học văn không ai dám sáng tạo? ảnh 2Dạy văn mẫu, thầy cô đang ươm mầm dối trá

Có những em trích dẫn cả thơ của Raxun Gamzatôp (nhà thơ Đaghextan, một nước cộng hòa thời Liên xô cũ) nhưng các giám khảo đều không biết nhà thơ này (vì không đọc sách nhiều) nên cho rằng bài làm có dẫn chứng không chính xác!

Thế là bài làm bị mất điểm oan uổng, lẽ ra có điểm vì học sinh biết mở rộng, nâng cao vấn đề; dẫn chứng phong phú, hấp dẫn…

Dạy và học Văn hiện nay chưa có lối mở thỏa đáng nên vẫn còn dạy và học theo kiểu công thức, không có chỗ cho sự sáng tạo chân chính.

Trước đây, nếu bài làm về hình ảnh người chiến sĩ cách mạng trong thơ ca cách mạng thì chỉ cần nhớ bốn chữ “yêu, căm, chiến, lạc” (yêu nước, căm thù, chiến đấu, lạc quan) là đạt điểm cao!

Trong lớp học, nếu giáo viên cứ “sáng tạo” trong cách hiểu, cách cảm nhận thì sẽ không đúng với sách hướng dẫn và hậu quả là học sinh, khi làm bài thi, cứ theo sự “sáng tạo” của thầy thì sẽ không đạt vì … không giống với đáp án!

Vấn đề này sẽ còn bàn luận nhiều nếu chúng ta muốn có những giờ dạy và học Văn đầy hứng khởi, luôn có “đất” cho thầy trò cùng thể hiện mình, cùng năng động và đồng sáng tạo khi tìm hiểu tác phẩm văn chương…

LÊ ĐỨC ĐỒNG