Giá sách giáo khoa của CTGDPT mới tăng mạnh, chiết khấu lên tới gần 30%

14/08/2023 15:20
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Báo cáo nêu rõ, giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006.

Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Báo cáo nêu rõ, giá sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cao, tăng 2-4 lần giá sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2006; gây khó khăn cho một bộ phận người dân, nhất là ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụ thể: Đối với Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, các bộ sách giáo khoa lớp 1 mới có giá từ 179.000-194.000 đồng/bộ, khoảng 19.000/cuốn; bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ có giá 54.000 đồng, khoảng 9.000 đồng/cuốn.

Các bộ sách giáo khoa lớp 2 mới có giá từ 179.000-186.000 đồng/bộ, khoảng 18.000/cuốn; bộ sách giáo khoa lớp 2 cũ có giá 53.000 đồng.

Bộ sách lớp 3 có giá 177.000 đến 183.000 đồng trong khi bộ hiện hành giá 58.000.

Bộ sách lớp 7 giá gần 210.000 đồng, cao hơn 80.000.

Sách lớp 10 giá 246.000-301.000 đồng một bộ tuỳ tổ hợp môn học, cao hơn bộ cũ 80.000 đến 140.000. Các mức này chưa bao gồm sách tiếng Anh.

Ảnh minh hoạ: NXBGDVN

Ảnh minh hoạ: NXBGDVN

Báo cáo cũng chỉ rõ, tình trạng bán sách giáo khoa kèm sách bài tập, tài liệu tham khảo diễn ra ở nhiều nơi, dẫn tới tăng chi phí mua sách. Mặc dù có nhiều nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa, có nhiều bộ sách giáo khoa, nhưng giá sách không giảm, mà thực tế đang tăng. Cụ thể, theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khi có nhiều bộ sách giáo khoa cùng được xuất bản khiến cho số lượng bản sách giáo khoa ở mỗi tên sách được phát hành sẽ ít hơn so với khi chỉ có một bộ sách giáo khoa, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản sách giáo khoa sẽ cao hơn so với sách giáo khoa hiện hành. Khi có nhiều Nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản sách giáo khoa trong môi trường cạnh tranh kéo theo chi phí cho việc giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông… trong khi giá của sách giáo khoa hiện hành (cũ) không phải chịu các chi phí này.

Giá sách giáo khoa môn Tiếng Anh cao hơn nhiều so với các môn học còn lại nhưng không sử dụng được nhiều lần.

Chi phí phát hành sách giáo khoa cao, chưa hợp lý so với các mặt hàng thiết yếu vì sách giáo khoa là mặt hàng thiết yếu phải kê khai giá; số lượng, chất lượng được xác định tương đối chính xác hàng năm; thiết kế, mẫu mã được ổn định trong nhiều năm; số lượng xuất bản và tiêu thụ lớn hơn nhiều so với các loại sách khác.

Mức tối đa phí phát hành (chiết khấu) sách theo Chương trình mới cho các đơn vị đầu mối phát hành là các Công ty Cổ phần Sách & Thiết bị giáo dục miền và Công ty Cổ phần Đầu tư & phát triển giáo dục miền phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 đối với sách giáo khoa là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%; năm học 2022-2023, đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%.

Ngoài ra, tiến độ biên soạn, thẩm định, in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương còn chậm, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Rất ít tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương (chỉ có tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các Nhà xuất bản và Công ty phát hành sách để in ấn và phát hành tài liệu giáo dục địa phương; tỉnh Bình Định phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ xuất bản (chi nhánh tại Đà Nẵng) triển khai in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Bình Định lớp 1, lớp 2, lớp 6).

Việc in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương ở hầu hết các tỉnh chưa thực hiện được do vướng mắc về kê khai giá, thẩm định giá biên soạn sách giáo khoa làm căn cứ để thực hiện việc đấu thầu in ấn, phát hành sách; đồng thời, việc thoả thuận hợp đồng với các tác giả biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương chưa thống nhất. Một số địa phương cho rằng việc không phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định và phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương làm tăng thủ tục hành chính, kéo dài thời gian.

Linh An