Sau hơn 1 năm ngày xảy ra sai phạm điểm thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018, dẫu chậm như đánh giá của đại biểu quốc hội khóa 13, bà Bùi Thị An, đến nay Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang đã bắt đầu bóc gỡ từng mảng sai phạm.
Tuy nhiên, từ những thông tin được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, vấn đề mà dư luận quan tâm vẫn chưa được các cơ quan chức năng làm rõ, đó chính là việc có đưa tiền để nhờ nâng điểm hay không.
Nếu như tại Sơn La, các bị can đã khai ra số tiền nâng điểm lên đến nửa tỷ đồng nhưng việc chứng minh hết sức khó khăn vì đó chỉ là lời khai một chiều.
Còn tại Hà Giang, theo cáo trạng vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh này trả về điều tra bổ sung cho thấy, trong quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra đã áp dụng tất cả các biện pháp theo quy định của pháp luật nhưng không thu thập được chứng cứ để chứng minh được có yếu tố vụ lợi trong vụ án.
Đã đấu tranh với gia đình các thí sinh nhưng không gia đình nào khai nhận có đưa tiền hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị để nhờ nâng điềm, ngoài ra lời khai của bị can Hoài, Lương không thừa nhận mà chỉ giúp nâng điểm do mối quan hệ quen biết, bạn bè, người thân.
Vì điều gì những người này phá hoại giáo dục? (Ảnh các nghi can trong vụ điểm thi năm 2018 tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình) |
Còn tại Hòa Bình, theo kết quả điều tra, trong 3 đối tượng đã bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, đối tượng Đỗ Mạnh Tuấn (Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng.
Thế nhưng việc này vẫn chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.
Đến nay việc có hay không yếu tố vụ lợi trong việc sửa điểm thi như một cái gai nhức nhối trong lòng dư luận.
Việc chứng minh được dấu hiệu vụ lợi, có hay không việc đưa và nhận tiền để sửa điểm thi đang là câu hỏi mà dư luận muốn các cơ quan chức năng trả lời.
Tòa trả hồ sơ là thận trọng, giặc nội xâm hãy coi chừng |
Liệu rằng câu chuyện “nén bạc đâm toạc tờ giấy” có trở thành hiện thực trong xã hội hiện đại ngày nay?
Nếu không phải tiền bạc thì quyền lợi hay lợi ích gì đã khiến các bị can trong các vụ việc gian lận điểm thi bất chấp cả danh dự, nhân phẩm và khát vọng trong nghề giáo để đánh đổi?
Đến nay cả 5 phụ huynh có con được nâng điểm phi pháp ở Hòa Bình đều khẳng định mình không biết con mình được nâng điểm và cũng không biết vì sao con mình được nâng điểm.
Những câu trả lời chối bỏ trách nhiệm của phụ huynh càng khiến nghi ngờ của dư luận càng tăng lên gấp bội.
Nếu không chứng minh rõ được việc có hay không yếu tố vụ lợi trong các vụ việc gian lận tại các tỉnh này thì có lẽ những lời khẳng định của lãnh đạo các tỉnh chỉ còn là những lời hứa xuông.
Bởi tỉnh nào cũng khẳng định không có vùng cấm, không nể nang bất kỳ cương vị nào…
Bên cạnh đó, những kẻ gây ra tiêu cực điểm thi năm 2018 có thể coi là loại giặc "nội xâm" vô cùng nguy hiểm khi chúng ở những vị trí cao, có sự trọng vọng của xã hội nhưng đang đang tâm phá hoại niềm tin của nhân dân.
Và nếu không chứng minh được có hay không yếu tố vụ lợi trong gian lận điểm thi trung học phổ thông năm 2018 thì điều vô lý về nâng điểm không trong sáng cứ thế hiển hiện trong lòng nhân dân, trong lòng dư luận như một cái gai nhức nhối găm vào lòng tin của giáo dục nước nhà.
Từng đánh giá về mức độ gian lận điểm thi năm 2018 ở các tỉnh, bà Bùi Thị An, Đại biểu quốc hội khóa 13 cho rằng vụ gian lận này đã phá tan niềm tin của nhân dân đối với ngành giáo dục.
Xử lý tiêu cực ở kỳ thi năm 2018- đau cũng cần phải nghiêm khắc, cương quyết |
Đã có rất nhiều kỳ vọng của dư luận trong việc các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý dứt điểm gian lận điểm thi năm 2018 với tâm lý “đau nhưng vẫn phải làm cho ra nhẽ”.
Tuy vậy, dù ngành Giáo dục đã rất đau rồi nhưng cái gai còn xót lại trong vết thương ấy nó sẽ gây nhức nhối nghi ngờ trong xã hội đến bao giờ?
Và những kẻ liên quan tiêu cực nhưng không bị xử lý có lẽ họ sẽ đắc chí lắm bởi điều vô lý vẫn tồn tại hiển nhiên mà không ai làm gì được họ.