Ở Việt Nam, trường Đại học Mở bán công Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập năm 1990, được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là trường Đại học công lập năm 2006 và đổi tên là trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là trường Đại học tiên phong trong mô hình giáo dục mở, đặc biệt là hình thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến (E-learning).
Năm 1993, Viện Đại học Mở Hà Nội được thành lập, là cơ sở giáo dục đại học công lập, nhưng có hệ thống đào tạo theo mô hình giáo dục mở đã thu hút hàng ngàn sinh viên, học viên với nhiều hình thức học tập khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Hiện nay, nhiều trường đại học dân lập cũng đi theo mô hình giáo dục mở, hi vọng sắp tới Nghị quyết số 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo sẽ được bổ sung, sửa đổi mô hình giáo dục kiểu mẫu truyền thống khép kín sang mô hình hệ thống giáo dục mở nhằm tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục và đáp ứng kịp thời với yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước.
Các trường đại học nên phát triển hệ thống ngân hàng tín chỉ, tích lũy điểm nhằm tích lũy các tín chỉ mà người học đạt được trong quá trình học tập của mình. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức) |
Góp ý một số giải pháp về sự phát triển giáo dục đại học theo hướng mở nhằm góp phần vào công cuộc đổi mới giáo dục, Tiến sĩ Trần Thị Kim Tuyến – Đại học Sài Gòn đưa ra 9 đề xuất.
Thứ nhất, giáo dục bậc đại học hiện nay nên từng bước chuyển đổi từ mô hình giáo dục khép kín, kiểu mẫu sang hệ thống hóa giáo dục theo hướng mở, tự chủ và ở mỗi trường đại học nên thành lập Hội đồng quản trị được quyền tự chủ đầy đủ, tự chịu trách nhiệm.
Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tự rèn luyện, nâng cao năng lực đạt chuẩn cán bộ quản lý trong giáo dục và đào tạo.
Luôn quan tâm, phát hiện, đề xuất, ủng hộ quy hoạch cán bộ quản lý lãnh đạo có năng lực có tiềm năng, có phẩm chất đạo đức tốt theo quan niệm “có tài - có đức - có tâm”.
Thứ hai, các trường đại học nên mở rộng đa dạng hóa các loại hình giáo dục với nội dung chương trình và thời gian phù hợp cho từng đối tượng có nhu cầu cần thiết “lấy người học làm trung tâm”.
Bốn kiến nghị về đổi mới giáo dục đại học theo định hướng mở |
Khuyến khích các trường Đại học hoạt động giảng dạy ở các loại hình giáo dục (từ chính quy đến vừa học - vừa làm) theo 3 ca (ca 1: buổi sáng, ca 2: buổi chiều: ca 3: buổi tối, đặc biệt, các cá nhân có thời gian làm việc vào thời gian này sẽ có cộng thêm ưu đãi) nhằm tạo điều kiện thuận lợi, phù hợp cho từng đối tượng sinh viên, học viên.
Thường xuyên lấy ý kiến phản hồi của người học về hoạt động giảng dạy, nội dung chương trình đào tạo của nhà trường để nhà trường kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Xây dựng kế hoạch sàng lọc, đánh giá đúng năng lực sinh viên học viên theo chuẩn đầu ra của từng ngành đào tạo.
Thứ ba, các trường đại học nên phát triển hệ thống ngân hàng tín chỉ, tích lũy điểm nhằm tích lũy các tín chỉ mà người học đạt được trong quá trình học tập của mình để tạo điều kiện thuận lợi, không lãng phí cho các sinh viên, học viên có năng khiếu, sở thích có thể tiếp tục học tập, nghiên cứu phù hợp với khả năng, đúng niềm đam mê, yêu thích của mình từ việc chuyển trường cũng như chuyển từ một chuyên ngành đang học sang một chuyên ngành gần khác hoặc từ chương trình giáo dục này sang một chương trình giáo dục khác.
Nâng cao chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn kiểm định trong khu vực và thế giới.
Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, liên kết, liên thông với các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Xây dựng chiến lược hội nhập thế giới, nâng cao năng lực hợp tác và sẵn sàng cạnh tranh lẫn nhau giữa các trường đại học trong nước và khu vực.
Thứ năm, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ chuyên và không chuyên theo chuẩn quốc tế cho sinh viên, học viên để sau khi tốt nghiệp sinh viên, học viên có khả năng tham gia, hòa nhập vào thị trường lao động đầy năng động, mang tính cạnh tranh cao.
Hình thành điều kiện cơ bản giúp sinh viên, học viên có khả năng lĩnh hội những kiến thức, văn minh hiện đại trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những sinh viên, học viên có mong muốn, nguyện vọng tiếp tục học tập và nghiên cứu sau đại học ở nước ngoài.
Thứ sáu, có những chính sách thu nhập, phụ cấp cao để thu hút và giữ được nhân lực chất xám, tài giỏi. Xây dựng đội ngũ tiên tiến, có phẩm chất đạo đức chuẩn mực, có ý thức, có trình độ và lương tâm nghề nghiệp cao.
Đồng thời, luôn động viên, khuyến khích các tập thể, cá nhân tích cực phấn đấu học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao đạt chuẩn và trên chuẩn nghề nghiệp, gặt hái được nhiều thành tích trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Thứ bảy, đánh giá, đề cao, khen thưởng các cá nhân, tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, sáng tạo, đổi mới trong công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học với phương châm “Mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày đến trường có một đổi mới trong công việc”.
Ý thức phấn đấu, xây dựng tập thể tiên phong, vững mạnh, đoàn kết.
Thứ tám, xây dựng cơ sở vật chất tốt để đảm bảo và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, chương trình đào tạo giảng dạy, nghiên cứu và học tập.
Thứ chín, cấp kinh phí để khuyến khích, thúc đẩy mọi cá nhân không ngừng rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu.
Từng bước thu hút sinh viên nước ngoài vào học tại các trường đại học của nước nhà nhằm khẳng định thương hiệu, tên tuổi của từng trường đại học trong chiến lược hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực hợp tác quốc tế, đủ sức cạnh tranh tích cực giữa các trường đại học trong nước, trong khu vực và thế giới.