2 nữ sinh Bắc Giang chế tạo màng lọc không khí từ xơ dừa và nano bạc kháng khuẩn

26/08/2020 06:20
Nguyễn Duẩn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thấy vỏ dừa bị vứt bỏ lãng phí, ô nhiễm môi trường, Minh và Thảo đã tìm tòi, nghiên cứu và chế tạo thành công màng lọc không khí từ xơ dừa và nano bạc kháng khuẩn

Ý tưởng này sinh từ những lần đi chơi

Hai nữ sinh Nguyễn Ngọc Minh (lớp 8A5) và Lê Thu Thảo (lớp 8A6) Trường Trung học Cơ sở Trần Phú (Bắc Giang) vừa giành giải Nhất trong cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh và giải Ba cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở năm học 2019 – 2020 với đề tài “Chế tạo màng lọc không khí từ xơ dừa và nano bạc kháng khuẩn”.

Dự án của hai em nhận được hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong cuộc sống. Ít ai biết được rằng, ý tưởng trên được nhóm bạn ấp ủ, nung nấu trong những lần đi chơi cùng nhau.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nguyễn Ngọc Minh (trưởng nhóm) chia sẻ đến thời điểm hiện tại, nhóm vẫn đang cảm thấy rất vui khi ý tưởng của mình nhận được giải cao và đánh giá tích cực từ hội đồng giám khảo.

Mặc dù vẫn đang là học sinh trung học cơ sở nhưng Nguyễn Ngọc Minh rất chín chắn, mạnh dạn.

Nguyễn Ngọc Minh (trái), Lê Thu Thảo (phải) và cô giáo hướng dẫn Trần Thị Tuyết (giữa) tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở năm học 2019 – 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nguyễn Ngọc Minh (trái), Lê Thu Thảo (phải) và cô giáo hướng dẫn Trần Thị Tuyết (giữa) tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở năm học 2019 – 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Em chia sẻ bản thân mình và người bạn cùng thực hiện là Lê Thu Thảo chơi rất thân với nhau và có sở thích uống nước dừa. Những lúc rảnh rỗi sau giờ học tại trường, đôi bạn lại hẹn nhau đi uống nước dừa tại một quán gần nhà.

Hè năm 2019, cũng trong một lần đi uống nước, thấy vỏ dừa sau khi uống xong bị vứt bỏ lãng phí, ảnh hưởng môi trường nên Minh và Thảo đã trao đổi với nhau cách để biến những vỏ dừa trên thành vật liệu có ích cho cuộc sống.

Ý tưởng về một màng lọc không khí từ xơ dừa được các em nảy sinh từ đó. Vốn ham học hỏi, chịu khó tìm tòi, Minh và Thảo đề xuất ý tưởng trên với một người bác họ (cũng làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học).

Nhận được thông tin phản hồi tích cực từ người bác họ, Minh và Thảo bắt tay vào nghiên cứu đề tài để tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh đang được nhà trường phát động.

Do mới đang học cấp Trung học cơ sở, lại không chuyên sâu về môn hóa học trong khi đó đề tài muốn thực hiện được cần phải có kiến thức bậc trung học phổ thông hoặc đại học nên hai em đã đem ý tưởng trình bày và nhờ đến sự giúp đỡ, hướng dẫn của cô Trần Thị Tuyết (giáo viên Hóa học, phụ trách hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học tại Trường Trung học cơ sở Trần Phú).

“Bản thân cũng là một người yêu thích việc nghiên cứu khoa học nên khi nghe các em trình bày ý tưởng tôi tán đồng ngay và hỗ trợ, chỉ dạy các em thực hiện đề tài “Chế tạo màng lọc không khí ứng dụng xơ dừa bổ sung nano bạc kháng khuẩn” từ giữa năm 2019”, cô Trần Thị Tuyết chia sẻ.

Để việc thực hiện đề tài không làm ảnh hưởng đến việc học trên lớp, cô Tuyết thống nhất sẽ dành thời gian nghiên cứu, thực hiện đề tài vào những lúc rảnh rỗi, sau giờ học.

Ba cô trò cũng thành lập một nhóm trên Zalo để có thể tiện trao đổi, giải đáp những khúc mắc vào bất kể thời gian nào. Trên nhóm này, cô Tuyết sẽ là người đặt ra những câu hỏi để Minh và Thảo tự tìm tòi và đưa ra lời giải đáp.

Nguyễn Ngọc Minh và Lê Thu Thảo chụp ảnh lưu niệm tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở năm học 2019 – 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nguyễn Ngọc Minh và Lê Thu Thảo chụp ảnh lưu niệm tại cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở năm học 2019 – 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Có được thành công nhờ vào nhiều lần thất bại

Để có nguyên liệu phục vụ quá trình thực hiện đề tài, sau mỗi giờ học, Minh và Thảo lại tìm đến các quán nước đặt vấn đề sau đó xin lại vỏ quả dừa đã qua sử dụng.

Nguyên liệu này được nhóm bạn cùng gia đình xé thành từng sợi nhỏ, đem phơi khô sau đó thuê nghiền thành bột.

“Ban đầu, chúng em chỉ nghĩ ra cách làm màng lọc không khí từ xơ dừa. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu và được tư vấn, cả nhóm biết được xơ dừa chỉ giúp lọc không khí chứ không giúp kháng khuẩn. Muốn đạt được mục tiêu của đề tài, chúng em phải sử dụng thêm dung dịch nano bạc”, Minh chia sẻ.

Bản thân đồng tình ủng hộ với ý tưởng thiết thực của hai học sinh nhưng việc nghiên cứu, chế tạo để hoàn thành đề tài gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất của nhà trường chưa đủ để các em có thể thực hiện các thí nghiệm khó nên cô Tuyết phải nhờ đến sự giúp đỡ của một giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Người giảng viên này sẽ hỗ trợ các em thêm kiến thức đồng thời hướng dẫn các em trong việc thực hiện các khâu khó.

Có được địa điểm để làm thí nghiệm, cứ đến cuối tuần, ba cô trò lại có mặt tại phòng thí nghiệm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để thực hiện đề tài.

Được sự hướng dẫn của giảng viên, các em đã hiểu thêm về nguyên lý hoạt động và áp dụng thành thạo các bước trong việc thực hiện đề tài.

Để thực hiện thành công một sản phẩm màng lọc không khí, Minh và Thảo dùng xơ dừa hoạt tính đã được xay thành dạng bột mịn trước đó trộn với dung dịch nano bạc và nước theo định lượng nhất định.

Hỗn hợp trên được thấm bằng bông y tế rồi phơi khô cho ra sản phẩm bông tẩm xơ dừa và nano bạc. Thành phẩm này sẽ được đưa vào màng lọc không khí trong chiếc máy lọc.

Với sự kết hợp của nano bạc, sản phẩm màng lọc không khí từ xơ dừa của hai em có thể diệt một số vi khuẩn gây hại đến sức khỏe.

Tháng 6/2020, màng lọc không khí từ xơ dừa và nano bạc kháng khuẩn của Minh và Thảo đã được hoàn thành sau một năm “thai nghén”.

Nhớ lại khoảng thời gian vừa học vừa tham gia nghiên cứu đề tài, Minh cho biết nhóm của mình đã trải qua nhiều lần thất bại, chán nản đến mức muốn bỏ cuộc.

“Để có được sản phẩm như bây giờ, chúng em phải trải qua bảy lần thất bại. Có những lúc chúng em chán nản, muốn bỏ cuộc nhưng đều được cô giáo và gia đình động viên. Đây là nguồn động lực để chúng em tiếp tục hoàn thiện đề tài của mình”, Minh nhớ lại.

Còn đối với cô Nguyễn Thị Tuyết, quãng thời gian hướng dẫn hai học sinh thực hiện đề tài là những kỷ niệm mà cô sẽ nhớ mãi.

“Xuất phát từ ý tưởng của hai em, cái khó khăn ban đầu là không biết cô trò sẽ thực hiện ý tưởng từ đâu, hoàn thành ra sản phẩm ở mức độ nào.

Thời điểm đó, cả 3 cô trò cứ sai cái gì lại làm lại cho đến khi được thì thôi. Cách này không được thì lại bỏ đi làm cách khác và số lượng nguyên liệu sai, hỏng rất nhiều nhưng rất may là cô trò đều cố gắng động viên nhau cho đến khi hoàn thiện sản phẩm”, cô Tuyết nhớ lại.

Sau khi hoàn thiện, đề tài “Chế tạo màng lọc không khí từ xơ dừa và nano bạc kháng khuẩn” của Minh và Thảo được gửi đi tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh dành cho lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở năm học 2019 – 2020.

Với tính ứng dụng cao trong thực tiễn cuộc sống, đề tài của hai em đã giành giải Nhất và đại diện cho tỉnh Bắc Giang tham dự cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp quốc gia dành cho lứa tuổi học sinh Trung học cơ sở năm học 2019 – 2020.

Dự án của Minh và Thảo cạnh tranh trực tiếp với 137 dự án tham gia ở 20 lĩnh vực. Chung cuộc, dự án đã giành giải Ba cuộc thi.

“Khi bắt tay vào thực hiện đề tài, em và Thảo không đặt nặng mục tiêu phải giành giải. Đơn giản chúng em chỉ muốn tìm tòi, khám phá khả năng của mình nhưng lại may mắn đoạt giải. Bạn bè và thầy cô chúc mừng nên chúng em cảm thấy rất vui”, Minh chia sẻ.

Nguyễn Ngọc Minh và Lê Thu Thảo là đôi bạn thân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nguyễn Ngọc Minh và Lê Thu Thảo là đôi bạn thân. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cân đối giữa học tập và nghiên cứu

Không chỉ gây ấn tượng mạnh với đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn cao, trong học tập, Minh và Thảo còn là những tấm gương sáng trong về học tập và năng nổ trong các hoạt động xã hội của trường lớp.

Trong khi Minh có thành tích học tập tốt các môn học tại trường và là một người lớp trưởng gương mẫu thì Thảo lại có thành tích đặc biệt về môn tiếng Anh. Em vừa giành giải Ba môn tiếng Anh tại kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2019 – 2020.

Trong khoảng thời gian tham gia thực hiện đề tài, Minh và Thảo đều bố trí thời gian học tập và nghiên cứu một cách khoa học nhất.

“Cũng chính vì thế nên mặc dù vừa học vừa nghiên cứu nên thành tích học tập tại trường của các em rất ấn tượng và có phần còn cao hơn những năm học trước”, đại diện Trường Trung học cơ sở Trần Phú cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong bố trí thời gian học của mình, Minh cho biết bản thân mỗi khi đến lớp đều chú ý nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ để có thể hiểu được những kiến thức căn bản ngay tại lớp.

Ngoài những kiến thức thu nhận được trên lớp, Minh và Thảo tìm tòi những kiến thức mới về bài học trên internet để làm phong phú hơn cho vốn hiểu biết của mình.

“Hiện tại, chúng em và cô giáo vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu để hoàn thiện hơn về sản phẩm màng lọc không khí của hy vọng một ngày nào đó sản phẩm của chúng em có thể được ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn cuộc sống”, Nguyễn Ngọc Minh chia sẻ.

Được biết, hiện sản phẩm màng lọc không khí từ xơ dừa và nano bạc kháng khuẩn đã được lắp đặt thử nghiệm ở một máy lọc tại hai phòng học tại Trường Trung học cơ sở Trần Phú.

Nguyễn Duẩn