6 giáo viên trường Đồi Ngô bị sa thải, có đáng không?

19/06/2012 06:12
Độc giả Văn Hiệp
(GDVN) - Thế là 6 cuộc đời, vì tình thương dành cho học sinh mà có thể mất tất cả sự nghiệp. Tôi nghĩ rằng lợi lộc có chăng từ sự gian lận này cũng chẳng đến lượt họ. Hơn nữa, họ dễ dàng bị "trù dập" nếu không làm theo kế hoạch của cấp trên. Điều đó còn liên quan đến cả một hệ thống giáo dục, nếu không đoạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp thì sẽ không được khen thưởng, không được thăng chức, không được giữ chức, không được nâng lương trước thời hạn... Tất cả là vì miếng cơm manh áo trước thời cuộc khó khăn này nên họ buộc phải làm mà thôi.
Một ngày sau khi Bộ Giáo dục kết luận kỳ thi tại THPT trên cả nước "cơ bản nghiêm túc", hàng loạt clip gian lận thi tại trường Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) được đăng tải trên mạng. Sự kiện này đã khiến độc giả toàn quốc quan tâm từng giờ, từng ngày, chờ đợi quyết định xử lý của các cơ quan chức năng. Hiện tại đã chính thức có kết quả từ các cơ quan ban ngành. Cụ thể, có 6 cán bộ giáo viên trường THPT DL Đồi Ngô bị kiến nghị đình chỉ công tác, cách chức hoặc không công nhận chức vụ...

Dẫu biết rằng, đây không chỉ là vấn đề của riêng giáo dục nữa mà là vấn đề chung của toàn xã hội, nhưng liệu kiến nghị xử lý này có quá nặng nề? Một loạt các giáo viên, nhân viên là ông bà Lê Thị Hải, Nguyễn Thị Kim Thoa, Đinh Văn Đạt, Nguyễn Thị Ngân, Nguyễn Đăng Chính, Nguyễn Văn Dũng đã vi phạm nghiêm trọng Quy chế thi.

Ngay sau đó, Báo Giáo dục Việt Nam nhận được nhiều bức thư tâm huyết của độc giả, đồng tình cũng như ủng hộ quyết định này. BBT xin được đăng tải nguyên văn bức thư của độc giả Văn Hiệp cho rằng 6 giáo viên, nhân viên của Trường THPT DL Đồi Ngô đã chịu hình phạt quá nặng nề.

Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang


Như đã được xem trong clip, một số cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường sở tại để lấy đề thi, giải bài, đưa bài giải vào một số phòng thi ở 2 môn Hóa học và Toán vi phạm Quy chế thi, tạo ra dư luận không tốt sau kỳ thi. Tôi nghĩ rằng, hành động đó là hoàn toàn sai phạm. Thế nhưng sa thải họ lại là một quyết định quá nặng nề. Bởi sự việc tiêu cực tại Đồi Ngô xảy ra là hậu quả của tính sai phạm có hệ thống trong một quá trình dài. Nói đúng hơn đây chỉ là một giọt nước làm tràn ly mà thôi. Nếu phân tích nguyên nhân sâu xa của sự việc này, chúng ta sẽ hiểu và thông cảm cho họ hơn. 
GS. Văn Như Cương từng nói: "Trường dân lập muốn tồn tại được thì phải có học sinh theo học. Không chỉ phải có học sinh theo học mà còn phải có thật nhiều học sinh theo học. Trường Đồi Ngô muốn thu hút học sinh và tạo uy tín bằng kết quả thi tốt nghiệp cao…". Đây cũng là cách nghĩ, cách làm của nhiều Trường Dân lập khác không đề cao sự học lên hàng đầu mà chỉ đề cao lợi ích kinh tế. Nhất là những trường Dân lập ở vùng sâu vùng xa như THPT Dân lập Đồi Ngô.

PGS. Trần Xuân Nhĩ đã chỉ ra một sự thật: "Tiêu cực thì không phải chỉ lãnh đạo biết mà toàn xã hội đều biết. Ngay từ năm 2006, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra phong trào “Hai không”. Nhà lãnh đạo biết tiêu cực rất phổ biến và làm một cách chống tiêu cực rất mạnh mẽ. Khi làm mạnh mẽ thì tỉ lệ đỗ chỉ khoảng 20 – 30 % cũng phải chấp nhận". Thế nhưng, dân ta không quen chấp nhận sự thật phũ phàng đó nên từ cán bộ đến người dân đều "chung một giuộc" về sự tiêu cực này. 6 con người bị sa thải đã được đem ra gánh trách nhiệm cho toàn bộ hệ thống giáo dục gian dối. Có những tiêu cưc như trên là do sự chỉ đạo của những người làm quản lý giáo dục, từ cấp Sở đến Trung ương, nhưng đó là sự chỉ đạo quán triệt "bằng miệng". Những giáo viên làm giám thị không thể không thực hiện khi xung quanh mình đã có bao gương bị trù dập bởi không làm theo ý cấp trên. Họ cũng sẽ làm được gì nếu có lập biên bản xử phạt học sinh quay cóp nhưng Hội đồng cấp trên lại hủy đi. Vì vậy, họ bị phụ thuộc và buộc phải cuốn theo dòng mà thôi. Số người đứng lên chống tiêu cực như thầy Đỗ Việt Khoa, thầy N và em S là vô cùng hiếm. Ít ai vì tự trọng nghề nghiệp mà bỏ đi một ngôi trường hay kiếm một nghề khác. Đa số sinh viên sư phạm ra trường rất khó xin được việc làm, và khi được làm thầy thì cũng chưa được đãi ngộ tương xứng, đời sống khó khăn, khó có thể tập trung tâm trí cho công việc. Giáo viên thực sự là một nghề vất vả với nhiều trách nhiệm nặng nề, mấy ai hiểu một nghề bình lặng như giáo viên lại luôn chất chứa lo toan, nỗi niềm. Thực tế cũng cho thấy lương của giáo viên khó mà sống nổi. Bản thân giáo viên dù có yêu nghề nhưng không trang trải nổi cuộc sống của gia đình thì làm sao họ có thể chống lại cả một cơ chế được? Những người đã vào trong ngành rồi thì cố gắng "an phận thủ thường". Vì thế, nói họ hãy chống tiêu cực ư? Không đâu, họ sẽ nói: Chẳng dại gì cả.  Thế là 6 cuộc đời, vì tình thương dành cho học sinh mà có thể mất tất cả sự nghiệp. Tôi nghĩ rằng lợi lộc có chăng từ sự gian lận này cũng chẳng đến lượt họ. Hơn nữa, họ dễ dàng bị "trù dập" nếu không làm theo kế hoạch của cấp trên. Điều đó còn liên quan đến cả một hệ thống giáo dục, nếu không đoạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp thì sẽ không được khen thưởng, không được thăng chức, không được giữ chức, không được nâng lương trước thời hạn... Tất cả là vì miếng cơm manh áo trước thời cuộc khó khăn này nên họ buộc phải làm mà thôi. Cứ nhìn vào đội ngũ giáo viên thì biết. Một thực tế buồn của ngành giáo dục hiện nay là người giỏi ngày càng không muốn thi vào sư phạm (vì đồng lương còn quá thấp), dẫn đến chất lượng người thầy giảm sút, những người thực sự tâm huyết với nghề cũng ít hơn. Muốn sống được với nghề họ đành phải "Gió chiều nào thì xoay chiều ấy" mà thôi. Mặt khác, trong xã hội này, thi cử gian lận, quay cóp, gợi ý, hướng dẫn làm bài không phải một mình Đồi Ngô mà ở đâu cũng có. Đồi Ngô mới chỉ là một mặt trong vô vàn những bộ mặt khác của ngành giáo dục. Sai phạm là toàn xã hội nên đương nhiên phải có kỷ luật, thế nhưng không nên phạt nặng đến mức đuổi việc cùng một lúc 6 giáo viên trong trường. Điều đó có thể sẽ để lại nhiều hậu quả không mong muốn, không mang ý nghĩa nhân văn trong ngành giáo dục. Rồi đây, họ sẽ phải làm gì để tồn tại trong cuộc sống khi ra đi với thân phận của một người bị sa thải. Xã hội sẽ nhìn nhận họ như thế nào? Người thân sẽ coi họ ra sao? Họ có còn đủ tự tin để dạy bảo con mình hay không? Bản thân tôi cho rằng, kết quả của sự việc này là do lỗi của cả hệ thống giáo dục nước nhà. Còn không biết bao nhiêu ngôi trường nữa sai phạm trong thi cử nhưng chưa bị phát hiện. Vì vậy, đừng quá gay gắt với những "sai phạm" của nhân viên, giám thị quanh vụ việc clip gian lận tại Đồi Ngô mà nên coi đó là hồi chuông cảnh tỉnh. Người Việt Nam có câu "Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại". Tôi tin rằng, sau sự việc này họ đã nhận biết được lỗi lầm của mình, cộng với lương tâm, trách nhiệm vốn có của nghề nhà giáo, họ sẽ vẫn tiếp tục hoàn thành tốt công việc nếu như được quay trở lại làm việc. Vậy tại sao chúng ta lại "bỏ phí" để rồi lại phải tuyển thêm những con người mới, chắc gì về năng lực, kinh nghiệm đã hơn họ. Hơn nữa, họ đã có nhiều năm cống hiến cho ngành giáo dục, đào tạo nhiều thế hệ học sinh, vậy mà lại bị xử nặng như vậy thì có đáng không? Rồi còn cuộc sống của cả 6 gia đình sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, những đứa con của họ sẽ lớn lên như thế nào khi mẹ chúng bị sa thải - cũng có nghĩa là danh dự đã bị gạt bỏ hết mất rồi?NẾU TÔI LÀ BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC
XEM CÔNG NGHỆ QUAY CÓP QUA 5 MÔN THI TẠI BẮC GIANGSỐC VỚI HÌNH ẢNH GIAN LẬN Ở TRƯỜNG ĐỒI NGÔ  TỪ CAMERA THỨ BA; MẸ GS NGÔ BẢO CHÂU "CHÂU VẪN CÒN KỲ VỌNG VÀO NỀN GIÁO DỤC VIỆT NAM"
6 giáo viên trường Đồi Ngô bị sa thải, có đáng không? ảnh 2

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Thưa Bộ trưởng Hoàng, hình phạt của ĐH CN TPHCM quả thật "tàn khốc"

Hoa khôi ĐH Thương mại: "Em chưa từng nghĩ sẽ kiếm đại gia cho mình"

Học Viện Bưu chính Viễn thông TPHCM bị tố "làm tiền" sinh viên

Chùm ảnh: Phụ huynh các tỉnh “vật vờ” chờ con thi lớp chuyên

Hiệu phó Ngoại thương giải thích chuyện “dè bỉu” Bách khoa

Cảm động: 250 học sinh quỳ gối rửa chân cho bố mẹ 

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Văn Hiệp