Ai chia sẻ nỗi khổ này với chúng tôi?

20/04/2016 06:53
Đỗ Quyên
(GDVN) - Giảm công việc sổ sách, bố trí thời gian nghỉ lễ hợp lý sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian, động lực để tâm huyết với nghề.

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của cô giáo Đỗ Quyên khi chứng kiến những lời thoại nói lên thực trạng đang tồn tại trong ngành giáo dục hiện nay cần thay đổi, điều chỉnh về gánh nặng hồ sơ sổ sách cũng như bất cập về việc nghỉ lễ, dạy bù của giáo viên. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương kéo dài 3 ngày, nhiều giáo viên than vãn: “Người ta nghỉ lễ thì được đi đây đi đó nghỉ ngơi, ngắm cảnh, thư giãn bên gia đình. Còn mình nghỉ lễ ôm cả đống hồ sơ mà ngao ngán”. 

Một thầy giáo thêm lời: “Cho nghỉ thứ Hai mà còn bắt lùi thời khóa biểu. Biết thế, tôi chẳng ham nghỉ làm gì”. 

Gánh nặng về hồ sơ sổ sách

Những trường học nằm trong dự án VNEN, giáo viên được miễn soạn thiết kế chỉ tăng cường làm phiếu, làm đồ dùng học tập phục vụ cho tiết học. Có thầy cô tâm sự, thiết kế được miễn soạn nhưng làm đồ dùng, làm phiếu học tập cũng mất nhiều thời gian nên giáo viên rất mệt. 

Ai chia sẻ nỗi khổ này với chúng tôi? ảnh 1
Hàng ngày trên lớp, giáo viên quay cuồng với việc dạy nên mỗi buổi tối về thường phải làm phiếu học tập cho học sinh (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Vậy mà với những trường học hiện hành đang áp dụng triệt để phương pháp dạy VNEN thì công việc của giáo viên áp lực hơn gấp nhiều lần. Thiết kế không được bỏ nhưng phiếu học tập, đồ dùng dạy học vẫn phải làm thêm. 

Hàng ngày trên lớp, giáo viên quay cuồng với việc dạy nên mỗi buổi tối về thường phải làm phiếu học tập cho học sinh. Những ngày nghỉ, giáo viên ôm cả xấp hồ sơ sổ sách để làm. 

Nhưng điều làm giáo viên mệt mỏi nhất vẫn là lời phê, lời nhận xét vở cho học sinh. Mặc dù, nhiều chuyên gia giáo dục của Bộ GD&ĐT vẫn nói trên các phương tiện truyền thông rằng, giáo viên có thể nhận xét bằng lời, hạn chế nhận xét ở vở, Ban giám hiệu không gây áp lực cho giáo viên bằng cách kiểm tra vở học sinh để đánh giá. 

Ai chia sẻ nỗi khổ này với chúng tôi? ảnh 2

Thầy giáo tự nhìn lại một năm "quay chong chóng" với giáo dục nước nhà

(GDVN) - Đối tượng chịu tác động lớn nhất của “làn sóng đổi mới” năm 2015 là học sinh và đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục.

Nhưng thực tế thì sao? Bộ nói là một chuyện, cơ sở thực hiện lại là một chuyện khác, bắt bẻ đủ điều. Nào là giáo viên không được nhận xét kiểu: “Em làm đúng”, “em làm tốt”, “em hoàn thành bài”…

Vì điều này, nhiều giáo viên thắc mắc: “Nếu học sinh làm bài không sai lỗi nào thì ghi thế nào?” thì họ gợi ý giáo viên ghi theo kiểu : “Em cần…”, “em đã…”, “em phải…”

Nhiều giáo viên lên tiếng: “Học sinh sai, tôi chỉ ra lỗi sai ngay lúc đó để các em làm lại. Vậy có nhất thiết phải ghi lời phê vào vở hay không?”. 

Thậm chí, có giáo viên chất vấn rằng: “Dạy VNEN, giáo viên không được ngồi trên bàn mà phải đi xuống từng nhóm, nếu muốn nhận xét vào vở học sinh chẳng lẽ phải đứng chổng mông mà viết hay sao?...”

Vẫn kêu than như vậy nhưng để tránh rắc rối từ cấp trên thì thầy cô cần tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để nhận xét để vở học sinh có mực đỏ. 

Mệt mỏi vì phải lùi thời khóa biểu

Sau mỗi đợt nghỉ lễ, nhà trường mệt mỏi vì phải xếp thời khóa biểu đẩy lùi chương trình dạy và học. Giáo viên, học sinh phải cố ghi nhớ để thực hiện cho đúng. 

Vì phải lùi thời khóa biểu nên nhiều khi tuần học thực tế của các em bắt đầu từ thứ Tư tuần này và kết thúc vào thứ Tư tuần kế tiếp. 

 Ai chia sẻ nỗi khổ này với chúng tôi? ảnh 3

Trái khoáy chuyện giáo viên nghỉ lễ, nghỉ phép…rồi phải dạy bù

Trường nào kịp làm thời khóa biểu còn đỡ, không ít trường chỉ trao đổi miệng với giáo viên nên cảnh hai thầy cô vào chung một lớp để dạy hoặc có tiết chẳng ai dạy là chuyện thường. 

Thầy cô quên tiết dạy, học sinh chẳng nhớ hôm nay học những tiết gì để mang sách vở, học bài cho đúng. 

Còn có trường không lùi thời khóa biểu mà lại bố trí học bù vào ngày thứ 7 hay chủ nhật tuần kế tiếp. Điều này có nghĩa là, giáo viên không được nghỉ lễ mà chỉ là nghỉ trước, dạy sau. 

Giảm công việc sổ sách, bố trí thời gian nghỉ lễ hợp lý sẽ giúp giáo viên có thêm thời gian, động lực để tâm huyết với nghề.

Đỗ Quyên