Ai chủ trương, chỉ đạo thu tiền chống trượt viên chức giáo viên ở Hải Phòng?

05/08/2017 07:15
XUÂN QUANG - HỮU LÊ
(GDVN) - Trong khi đó, một số giáo viên bị nộp tiền biếu xén, chống trượt đề nghị cơ quan công an vào điều tra vụ việc...

Làm như thế là không đúng 

Loạt bài "Nhiều giáo viên ở Hải Phòng bị gợi ý nộp tiền triệu để chống trượt viên chức" được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả.

Một số độc giả cho rằng, hành vi của Hiệu trưởng một số trường Mầm non trên địa bàn quận Hải An (Hải Phòng) trong vụ gợi ý nộp tiền "chống trượt" và tiền cảm ơn trước và sau kỳ xét tuyển đặc cách viên chức năm 2016, thể hiện rõ những dấu hiệu tiêu cực của ngành giáo dục quận này.

Một số ý kiến khác đặt nghi vấn, liệu đây có phải là biểu hiện của việc "chạy" viên chức và hành vi cố tình vòi vĩnh một cách có tổ chức của cấp quản lý đối với người lao động?

Các bằng chứng có liên quan tới vụ việc nói trên mà phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thu thập được cho thấy, những nhận định nói trên là có căn cứ. 

Cần phải nói thêm rằng, sau khi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài viết nói trên, lãnh đạo quận Hải An đã có văn bản chỉ đạo số 398/BC-UBND ngày 2/8/2017 về việc xác minh các nội dung phản ánh của báo.

Chủ tịch quận này cũng ký quyết định thành lập tổ công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xác minh thông tin, đồng thời đề nghị báo cáo Ủy ban nhân dân quận trước ngày 5/8.

Văn bản do ông Phạm Chí Bắc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải An ký.

Để làm rõ những phản ánh của giáo viên liên quan tới vụ việc nêu trên, hôm 3/8, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Chí Bắc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải An.

Về thông tin phản ánh một số Hiệu trưởng trường Mầm non phổ biến thu 6 triệu đồng/giáo viên để "chống trượt" trong kỳ thi xét tuyển đặc cách viên chức, ông Phạm Chí Bắc cho rằng, đây là nhận thức, hành vi không đúng của lãnh đạo nhà trường.

Ai chủ trương, chỉ đạo thu tiền chống trượt viên chức giáo viên ở Hải Phòng? ảnh 1

Giáo viên Mầm non ngậm đắng nuốt cay đóng tiền biếu xén lãnh đạo

"Trước đó (năm 2016) sau khi nghe phản ánh của một số giáo viên về việc nộp 6 triệu đồng/giáo viên để đi biếu lãnh đạo, tôi đã chỉ đạo dừng ngay việc này và đề nghị trả lại tiền cho các cô giáo...

Phải khẳng định việc làm này là không đúng. Không nhất thiết phải có hành động như vậy mới gọi là tốt. 

Nếu qua việc tuyển dụng này mà chất lượng giáo dục được nâng lên thì đối với người lãnh đạo, đó là lời cảm ơn tốt nhất", ông Bắc nêu quan điểm. 

Ông Bắc cho biết thêm, sau khi báo đăng tải thông tin nói trên, lãnh đạo quận đã có báo cáo khẩn cấp vụ việc tới lãnh đạo thành phố Hải Phòng. 

"Bên cạnh đó, đoàn thanh tra quận bắt đầu xác minh vụ việc từ hôm 3/8. Theo quy định sẽ thanh tra 30 ngày.

Tuy nhiên tôi yêu cầu khẩn trương làm ngay, nếu phát hiện vi phạm thì tham mưu lãnh đạo quận xử lý", ông Bắc cho biết.

Trong những tư liệu mà phóng viên thu thập được, đáng lưu ý có đoạn lãnh đạo một cơ sở giáo dục Mầm non tiết lộ việc họ phổ biến nộp 6 triệu đồng/giáo viên để "chống trượt" và 2 triệu đồng/giáo viên để cảm ơn lãnh đạo sau khi xét tuyển viên chức là do sự "thông tin và chỉ đạo của cấp trên".

Về việc này, vị Chủ tịch quận Hải An cho rằng, lãnh đạo quận không chỉ đạo việc làm sai trái này.

"Quan điểm của lãnh đạo quận là không chỉ đạo việc này (thu tiền "chống trượt"). Lãnh đạo quận cũng không được ai lên cảm ơn sau khi hoàn thành việc xét tuyển đặc cách viên chức.

Làm thế nó mang tiếng ra. Cụ thể như thế nào, sau khi đoàn thanh tra làm việc sau tôi sẽ có thông tin cụ thể với báo chí", ông Bắc cho biết.

Lãnh đạo quận Hải An nhận định việc xét tuyển đặc cách viên chức không phải là sự ban ơn của cấp trên đối với cấp dưới để nhận lại sự cảm ơn.

"Thực tế, trong công tác quản lý nhà nước, mình phải có đội ngũ công chức, viên chức.

Việc tạo điều kiện cho cán bộ viên chức phục vụ cho sự nghiệp giáo dục của quận chính là phục vụ cho sự lãnh đạo của quận, chứ không phải là ban ơn cho họ", ông Bắc nói.

Chủ tịch quận Hải An cũng từ chối đưa ra bình luận khi phóng viên đặt câu hỏi về các biểu hiện của việc "chạy viên chức" và cố tình vòi vĩnh một cách có tổ chức của cán bộ quản lý đối với người lao động trong vụ việc nói trên.

"Việc này tôi phải có số liệu và phải kiểm chứng được mới có thể trả lời.

Tôi nhắc lại, nếu qua kết quả thanh tra, phát hiện vi phạm, lãnh đạo quận sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Lúc đó không còn có chuyện gọi nhau nhắc nhở nữa mà sẽ xử lý bằng các biện pháp hành chính", ông Bắc cho biết.

Quang cảnh Trường Mầm non Nam Hải (quận Hải An) trong giờ học. Ảnh: Hữu Lê/giaoduc.net.vn.
Quang cảnh Trường Mầm non Nam Hải (quận Hải An) trong giờ học. Ảnh: Hữu Lê/giaoduc.net.vn.

Nhiều vấn đề băn khoăn vẫn chưa được giải đáp

Những chỉ đạo của vị Chủ tịch quận Hải An được xem là những bước đi đầu tiên trong việc làm rõ những thông tin phản ánh nói trên của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này, vẫn còn rất nhiều điều băn khoăn của độc giả đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Thứ nhất: Những những bằng chứng của phóng viên có được cho thấy lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục Mầm non trên địa bàn quận Hải An đã tổ chức họp, phổ biến cùng một nội dung, quy định mức "giá" 6 triệu đồng/giáo viên để "chống trượt" trước kỳ xét tuyển và 2 triệu đồng/giáo viên để "cảm ơn" lãnh đạo/cấp trên sau kỳ xét tuyển.

Theo cách nói của một Hiệu trưởng trường Mầm non quận Hải An, việc này do "trên (cấp trên) thông tin, chỉ đạo là như vậy".

Câu hỏi đặt ra là, việc Hiệu trưởng các trường Mầm non phổ biến khoản tiền "chống trượt", và tiền "cảm ơn" lãnh đạo trước và sau khi thực hiện xét tuyển đặc cách viên chức nếu không phải là chỉ đạo của quận Hải An thì đó là chỉ đạo của cấp nào? 

Ai là người trực tiếp chỉ đạo việc làm này? 

Việc Hiệu trưởng các cơ sở giáo dục Mầm non đứng ra quy định cụ thể mức tiền phải đóng để "chống trượt", tiền cảm ơn có được gọi là tự nguyện?

Tại sao lại có sự trùng hợp khi các đơn vị cùng phổ biến một nội dung tiền nong như nhau?

Ông Phạm Chí Bắc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải An, Hải phòng làm việc với phóng viên. Ảnh: Hữu Lê/giaoduc.net.vn.
Ông Phạm Chí Bắc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải An, Hải phòng làm việc với phóng viên. Ảnh: Hữu Lê/giaoduc.net.vn.

Chúng tôi xin lưu ý rằng, việc xét tuyển đặc cách viên chức với giáo viên mầm non ở Hải An do Ủy ban nhân dân quận này thực hiện, chứ không phải Phòng Giáo dục và Đào tạo.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải An đồng thời cũng là Chủ tịch hội đồng xét tuyển đặc cách viên chức đối với giáo viên mầm non quận này.

Thứ 2: Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 3/8, ông Bắc khẳng định rằng, năm ngoái (2016), ông có biết thông tin phổ biến, thu tiền "chống trượt" xét tuyển đặc cách viên chức, đồng thời đã có chỉ đạo để dừng việc này...

Ông Bắc cũng cho rằng, các cơ sở giáo dục làm như vậy là không đúng, đồng thời quận có chỉ đạo trả lại số tiền đã thu cho giáo viên.

Ai chủ trương, chỉ đạo thu tiền chống trượt viên chức giáo viên ở Hải Phòng? ảnh 4

Nhiều giáo viên ở Hải Phòng bị gợi ý nộp tiền triệu để chống trượt viên chức

Như vậy, nếu lãnh đạo quận này cho rằng, việc gợi ý nộp tiền chống trượt là không đúng, và đã đề  nghị người thu tiền trả lại số tiền cho giáo viên, thì tại sao thời điểm đó (2016), Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải An không thành lập tổ công tác, xác minh cụ thể sự việc, đồng thời ra quyết định định kỷ luật cán bộ vi phạm?

Đến khi báo chí phản ánh sự việc, quận mới ra văn bản kiểm tra? Liệu có sự khuất tất hay bao che vi phạm trong vụ việc này?

Thứ 3: Mặc dù như trên, nhưng việc cấp dưới nộp tiền, biếu xén quà cáp cho cấp trên sau khi kết thúc đợt xét tuyển đặc cách viên chức 2016, Chủ tịch quận Hải An và nhiều lãnh đạo trường Mầm non trên địa bàn đều khẳng định họ hoàn toàn không biết chuyện này. 

Tuy nhiên các tài liệu mà phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có được cũng cho thấy, hầu hết các giáo viên trong diện xét tuyển đều phải nộp 2 triệu đồng/người để đi cảm ơn lãnh đạo. Việc nộp, nhận tiền đều có chữ ký của người nộp. 

Bà Bùi Thị Lại - Hiệu trưởng trường Mầm non Đông Hải 2 (bà Lại hiện đã nghỉ hưu) được cho là người đứng ra chủ trì việc quan hệ về mặt tiền nong giữa giáo viên với cấp trên.

Như vậy, lãnh đạo quận khẳng định không biết chuyện tiền nong cảm ơn, thì số tiền mà nhiều giáo viên đã nộp mỗi người 2 triệu đồng tại điểm trường Đông Hải 2 đang "thất lạc" ở đâu? Hoặc đã nằm trong túi ai?

Thứ 4: Ông Phạm Chí Bắc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Hải An đồng thời là Chủ tịch hội đồng xét duyệt đặc cách viên chức được cho là người trong cuộc ở vụ việc này, nhưng chính ông lại là người trực tiếp ký văn bản chỉ đạo lập tổ công tác, xác minh làm rõ thông tin phản ánh của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Như vậy, việc quận Hải An tự ra văn bản thanh tra... chính mình liệu có đảm bảo tính khách quan?

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, một số giáo viên tại một số cơ sở giáo dục Mầm non cho biết, họ sẽ đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra vào cuộc để làm rõ những vấn đề có dấu hiệu vi phạm nêu trên để trả lại môi trường trong sạch cho ngành giáo dục quận.

XUÂN QUANG - HỮU LÊ