Những ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chúng ta nhìn thấy những khuôn mặt lo âu, căng thẳng của nhiều thí sinh tham dự ở các hội đồng thi.
Sự căng thẳng, lo lắng của thí sinh đó là điều không thể tránh khỏi bởi đây là kỳ thi mang tính quyết định để các em có được một suất học tại các trường phổ thông có uy tín, chất lượng với đầu vào khắt khe.
Chính vì thế, những thầy cô được điều động, phân công làm nhiệm vụ chấm thi luôn đề cao trách nhiệm của mình để đem lại sự công bằng cao nhất cho thí sinh.
Tất nhiên, sự mệt mỏi, căng thẳng của thầy cô suốt những ngày tham gia hội đồng chấm thi cũng không hề kém các em thí sinh tham dự kỳ thi này.
Công việc chấm thi thường rất căng thẳng và áp lực (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Đối với những thầy cô tham gia chấm thi tuyển sinh 10 cũng đồng thời là những thầy cô vừa tham gia giảng dạy, ôn tập cho các em học sinh cuối lớp 9, những môn được lấy làm môn thi tuyển sinh 10 luôn phải đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn rất nhiều những môn học khác.
Ngay từ khi bước vào học kỳ II là các trường đã có kế hoạch tăng tiết cho học trò.
Khi năm học kết thúc, những thầy cô dạy các môn khác sẽ được nghỉ hè nhưng những thầy cô có môn thi tuyển sinh lớp 10 vẫn tiếp tục miệt mài ôn tập cho học trò đến tận ngày cuối cùng để các em bước vào kỳ thi.
Sau 3 ngày thi, lại vẫn là những thầy cô dạy 9 ấy cùng với những thầy cô dạy ở cấp Trung học phổ thông tiếp tục tham gia chấm thi tuyển sinh 10. Công việc đòi hỏi sự khẩn trương cho kịp tiến độ, đồng thời luôn đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối.
Vì thế, mỗi thầy cô tham gia hội đồng chấm thi luôn trong một tâm thế sẵn sàng với một cường độ làm việc cao nhất.
Để có những điểm số cho các thí sinh, quy trình chấm thi phải trải qua rất nhiều bước. Đầu tiên là đánh số mật mã cho từng bài thi, phòng thi, rọc phách- những khâu này có một bộ phận riêng.
Trước khi chấm riêng theo từng cặp, những thầy cô tham gia chấm thi bất kể môn nào cũng phải thống nhất đáp án lại và toàn thể hội đồng chấm thi tiến hành chấm thử 10 bài.
Bí mật điểm Văn tuyển sinh 10 thấp nhưng điểm thi trung học phổ thông lại cao |
Khi thống nhất được đáp án, thống nhất cách chấm thì sẽ về từng phòng chấm riêng theo từng cặp.
Mỗi tổ chia làm 2 phòng chấm và giám khảo 1 và 2 ngồi ở 2 phòng khác nhau. Khi chấm xong 2 xấp bài thì 2 giám khảo sẽ tiến hành thống nhất điểm số cho thí sinh.
Công việc cứ lặp đi, lặp lại như thế từ xấp bài này đến xấp bài khác cho đến khi kết thúc.
Trong quá trình chấm, mỗi giám khảo đều tập trung cao độ để đọc và đánh giá việc đúng- sai của từng ý, từng câu trong bài thi của học trò để có được điểm thi chính xác nhất.
Khi cộng điểm cũng phải rất tập trung bởi có rất nhiều điểm lẻ theo từng ý của câu hỏi. Mỗi bài thi có cả chục câu hỏi lớn nhỏ, nếu làm không cẩn thận thì khi thống nhất điểm phải sửa, phải ký xác nhận.
Rồi, những bài thi đó nếu được chấm kiểm tra mà lệch điểm thì còn phải đối thoại giữa cặp giám khảo chấm lần đầu và giám khảo chấm kiểm tra rất mệt mỏi. Chính vì thế, khi chấm thi thì ai cũng phải cố gắng để hạn chế tối đa những sai sót.
Mỗi đợt chấm thi thường kéo dài khoảng một tuần, sau đó đến khâu hồi phách cho bài thi của học trò. Công việc cũng đơn giản nhưng cũng phải chính xác tuyệt đối.
Bởi, chỉ một chút cẩu thả, một phút giây lơ đãng của người hồi phách sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh và gây khó khăn cho việc nhập điểm sau này.
Khi công đoạn hồi phách xong thì tiến hành nhập điểm thi cho thí sinh. Nếu thi tuyển sinh 10 có 3 môn thì mỗi tổ vào điểm sẽ có 7 người.
Chấm thi môn Văn đã khó, 10 bài chấm chung còn khó hơn |
Một giáo viên tin học sẽ nhập điểm vào máy tính, mỗi môn thi sẽ có 2 người, 1 người đọc và kiểm tra điểm chấm và điểm nhập.
Thông thường, sẽ có 3 giáo viên đọc điểm 3 môn để nhập điểm, khi đọc xong mỗi phòng thi thì 3 xấp bài đó sẽ chuyển sang cho 3 người làm nhiệm vụ dò điểm.
Lúc này, giáo viên nhập điểm sẽ in 3 bản cho 3 người dò điểm dò lại xem có còn sai sót gì không thì mới in bản chính thức và lưu lại vào máy tính.
Như vậy, nếu giáo viên tham chấm thi, hồi phách và vào điểm sẽ mất khoảng 10 ngày.
Chính vì áp lực công việc đòi hỏi sự chính xác, cường độ làm việc cao và liên tục như vậy trong nhiều ngày nên đến những ngày cuối cùng là nhiều thầy cô thường rất căng thẳng.
Nhiều người thể hiện sự mệt mỏi, bơ phờ trên từng khuôn mặt. Nhất là đối với những thầy cô lớn tuổi từ các huyện trong tỉnh được điều động về tham gia hội đồng chấm thi.
Bởi, khi về Sở chấm thi cũng đồng thời phải ở trọ, hoặc ở nhờ nhà người quen. Cơm nước chủ yếu là “cơm đường, cháo chợ” ròng rã suốt 10 ngày trời nên nhiều người đã thấm mệt.
Khi công đoạn cuối cùng là nhập điểm hoàn tất thì cũng đồng thời kết thúc công việc của hội đồng chấm thi. Những thầy cô đã xa nhà suốt 10 ngày như vậy cũng thở phào nhẹ nhõm vì chuẩn bị được về nhà.
Có lẽ ai cũng thấm mệt, ai cũng căng thẳng và thậm chí nhớ nhà, nhớ gia đình sau nhiều ngày tham gia hội đồng chấm thi nhưng ai cũng hiểu đó là một trách nhiệm, là niềm vui của người thầy.
Chỉ ngày mai thôi, điểm thi của học trò sẽ được công bố trên website của Sở, học trò sẽ truy cập, sẽ biết điểm thi của mình sau hơn 10 ngày các em chờ đợi.
Trong niềm vui của học trò có sự đóng góp nho nhỏ của mỗi thầy cô đã tham gia vào hội đồng chấm thi và đó là cũng là những kỷ niệm thú vị của người thầy trong từng năm học.