Bài thầu Sữa học đường Hà Nội hổng từ đầu, Sở Y tế kiểm tra giám sát cách nào?

05/12/2018 14:11
Hồng Thủy
(GDVN) - Trẻ em Thủ đô có thể bị tước mất cơ hội được uống sữa tươi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có thể kiểm chứng, để tăng tối đa sức bật chiều cao ở lứa tuổi vàng.

Báo Lao động Thủ đô ngày 4/12/2018 có bài "Nhận diện những hạn chế trong phát triển của Thủ đô", dẫn lời Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, cho biết:

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, kinh tế - xã hội của Thủ đô vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục...

Đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố cần báo cáo rõ hơn về tình hình triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố. [1]

Ảnh minh họa, nguồn: Thái Hiền / Hà Nội Mới.
Ảnh minh họa, nguồn: Thái Hiền / Hà Nội Mới.

Cùng ngày 4/12/2018, Báo Lao động Thủ đô còn có bài "Tích cực phản biện xã hội vì lợi ích của Nhân dân", dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh, cho hay:

Mặt trận Tổ quốc Thành phố cũng đã có phản biện đối với chủ trương quan trọng trên các lĩnh vực: giao thông, môi trường, quản lý nhà ở xã hội, chính sách nông nghiệp và sữa học đường. [2]

Đây là những tín hiệu cho thấy chương trình Sữa học đường đầy nhân văn và có giá trị thực tiễn cao đang thu hút sự quan tâm chú ý không chỉ của dư luận xã hội, cha mẹ học sinh, mà còn được các ban ngành, đoàn thể của Hà Nội quan tâm, giám sát.

Tuy nhiên, công cụ để giám sát chất lượng, an toàn và tính đồng nhất của ly sữa học đường cũng như hiệu quả sử dụng đồng vốn quý báu của ngân sách Thủ đô đã dành cho chương trình Sữa học đường bị vô hiệu hóa từ đầu, vẫn chưa có cách nào khắc phục.

Giải pháp giám sát Sữa học đường của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Trên tinh thần "tích cực phản biện xã hội vì lợi ích của Nhân dân" cũng như "nhận diện những hạn chế trong phát triển của Thủ đô", chúng tôi xin tiếp tục phân tích những bất cập trong quá trình triển khai chương trình Sữa học đường vốn rất nhân văn, nhưng có nhiều lỗ hổng trong bài thầu của Hà Nội.

Chúng tôi hy vọng rằng, với tinh thần đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, mà ở đây là sức khỏe, sức bật chiều cao và sự phát triển thể chất lành mạnh của trẻ em Thủ đô, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ có sự lắng nghe, tiếp thu phản biện xã hội để thực hiện tốt nhất Chương trình này.

Bài thầu Sữa học đường Hà Nội hổng từ đầu, Sở Y tế kiểm tra giám sát cách nào? ảnh 2

Vinamilk lấy sữa tươi ở đâu để cung cấp cho Sữa học đường Hà Nội?

Báo Hà Nội Mới ngày 4/12/2018 có bài "Hà Nội: Kiểm tra định kỳ và đột xuất việc sữa uống học đường", bài báo viết:

Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 384/TB-VP, truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Ngô Văn Quý tại cuộc họp báo cáo công tác thực hiện Đề án sữa học đường.

Sở Y tế Hà Nội được giao nhiệm vụ phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm sữa theo định kỳ và đột xuất, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đúng quy định. [3]

Chúng tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trước các ý kiến đóng góp, phản biện chính sách từ dư luận xã hội.

Đồng thời, chúng tôi cũng hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Trưởng ban Pháp chế Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam, rằng:

Đặc biệt, Ủy ban nhân dân thành phố cần báo cáo rõ hơn về tình hình triển khai Chương trình Sữa học đường trên địa bàn thành phố.

Ở đây, chúng tôi xin tiếp tục được làm rõ các vấn đề thiết nghĩ Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần báo cáo "rõ hơn" với Hội đồng nhân dân và cử tri Thủ đô.

Sở Y tế Hà Nội kiểm tra bằng cách nào?

Thứ nhất, Hồ sơ mời thầu của Hà Nội chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng, không kiểm soát đầu vào (sữa tươi nguyên liệu) và quá trình sản xuất để đảm bảo chất lượng, an toàn và đồng nhất của sản phẩm.

Chính lỗ hổng này sẽ vô hiệu hóa mọi công cụ kiểm tra, giám sát của Sở Y tế Hà Nội vừa được lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố tin tưởng, phó thác nhiệm vụ. Vì sao vậy?

Báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 15/10/2006 dẫn lời Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Trần Đáng thừa nhận có hiện tượng doanh nghiệp nhập dầu cọ để tạo độ béo trong sữa, thay thế chất béo sữa đã được tách trước đó. [4]

Tình trạng ấy vẫn kéo dài đến hiện nay, bởi chưa có công cụ nào kiểm soát quy trình sản xuất của doanh nghiệp sản xuất sữa tươi từ khâu sản xuất sữa tươi nguyên liệu.

Mặc dù có ý thức “truy xuất” nguồn gốc, thành phần nguyên liệu sữa, tuy nhiên rất nhiều người tiêu dùng vẫn bị lạc trong “ma trận” bởi tên gọi sữa không rõ ràng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Nhân Dân hằng tháng.
Mặc dù có ý thức “truy xuất” nguồn gốc, thành phần nguyên liệu sữa, tuy nhiên rất nhiều người tiêu dùng vẫn bị lạc trong “ma trận” bởi tên gọi sữa không rõ ràng. Ảnh chỉ có tính chất minh họa, nguồn: Nhân Dân hằng tháng.

Bài thầu của Hà Nội không kiểm soát đầu vào là sữa tươi nguyên liệu quy định tại Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Nếu chỉ kiểm tra sản phẩm đầu ra về các chỉ số như độ đạm, độ béo, độ đường trong sản phẩm, thì gần như rất khó phân biệt được đó là sản phẩm từ sữa tươi nguyên liệu, hay sữa bột pha lại với dầu cọ và một số thành phần hóa tổng hợp khác.

Sự nhập nhằng các loại sữa dạng lỏng lâu nay đã khiến người tiêu dùng phải trả tiền cho "sữa tiệt trùng" (pha lại từ sữa bột gầy nhập khẩu với nhiều mức giá cả, thời hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ khác nhau và chưa có cơ chế kiểm soát) với giá sữa tươi vì không thể phân biệt được, đâu là sữa tươi, đâu là sữa pha lại.

Báo Nhân Dân ngày 29/8/2017 có bài phản ánh, mặc dù có ý thức “truy xuất” nguồn gốc, thành phần nguyên liệu sữa, tuy nhiên rất nhiều người tiêu dùng vẫn bị lạc trong “ma trận” bởi tên gọi sữa không rõ ràng. [5]

Tháng trước, Hiệp hội Sữa Việt Nam đã có cuộc vận động đưa "các loại sữa dạng lỏng" khác vào  chương trình Sữa học đường, nhưng rất may Bộ trưởng Bộ Y tế đã kịp thời có công văn chấn chỉnh.

Nhưng với bài thầu của Hà Nội, khả năng trà trộn sữa bột pha lại hoặc sữa tươi pha loãng vào chương trình Sữa học đường tại Thủ đô không phải không thể xảy ra.

Khi còn là Chánh thanh tra Bộ Y tế, ông Trần Quang Trung, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, đã từng được Báo Hà Nội Mới ngày thứ Năm 19/10/2006 dẫn lời, cho biết:

Phần lớn các sản phẩm sữa tươi đều chưa đạt tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đã đề ra. Các sản phẩm sữa sản xuất trong nước ghi là sữa tươi nhưng bản chất không phải là sữa tươi. 

Qua thanh tra, các công ty này đều có những dự án nuôi bò sữa để cung cấp nguyên liệu, nhưng trong quá trình triển khai dự án, kết quả không được như mong muốn. 

Bài thầu Sữa học đường Hà Nội hổng từ đầu, Sở Y tế kiểm tra giám sát cách nào? ảnh 4

Không kiểm soát sữa tươi nguyên liệu Sữa học đường, Hà Nội có thể phải trả giá

Vì vậy, các công ty đã sử dụng các sản phẩm sữa bột cùng với các chất phụ gia khác để đưa ra sản phẩm sữa tươi tiêu thụ trên thị trường. 

“Sai là họ ghi “sản phẩm sữa tươi”, mà thực chất nếu là sản phẩm sữa tươi hoàn toàn thì theo tiêu chuẩn Việt Nam phải đạt 99%, còn những loại sản phẩm mà cho sữa bột vào mà không đạt tỷ lệ như vậy thì không được ghi là sản phẩm sữa tươi”, ông Trần Quang Trung nhấn mạnh. [6]

Đó là Bộ Y tế kiểm tra thành phần nguyên liệu đầu vào, mới phát hiện ra, có doanh nghiệp thậm chí có những sản phẩm, lượng sữa tươi chỉ chiếm... 2,2% tổng nguyên liệu. 

Kết quả thanh tra của Bộ Y tế với 6 doanh nghiệp sản xuất sữa nước năm 2006 cho thấy, kiểm tra bốn công ty cho thấy hồ sơ công bố đều ghi thành phần có sữa tươi, nhưng thực tế chỉ có...15-66% mẻ sản phẩm có sữa tươi. [7]

Nay Sở Y tế Hà Nội nếu chỉ kiểm tra thành phẩm Sữa học đường, làm sao phát hiện được? Còn kiểm tra nguyên liệu đầu vào khi bài thầu của Hà Nội đã bỏ ra ngay từ đầu, liệu nhà thầu có nghĩa vụ phải tuân thủ?

Đừng vội mừng vì đấu thầu "tiết kiệm" khi mặt bằng kĩ thuật sản phẩm còn lỗ hổng

Thứ hai là tiêu chí năng lực, kinh nghiệm nhà thầu không liên quan gì đến sản phẩm (doanh thu bình quân 1 năm 2.760 tỷ đồng trong 3 năm 2015, 2016, 2017), dẫn đến doanh nghiệp ngoài ngành Sữa cũng tham gia được nếu doanh thu lớn, còn doanh nghiệp ngành Sữa vừa và nhỏ thì không thể tham gia.

Thứ ba là Hồ sơ mời thầu của Hà Nội, phần Yêu cầu cụ thể đối với sản phẩm sữa phục vụ đề án, thành phần: "sữa tươi, đường (nếu có), chất ổn định, vitamin, khoáng chất, hương liệu tổng hợp dùng cho thực phẩm..." (Trang 84);

Yêu cầu này không quy định tỉ lệ thành phần sữa tươi, đồng thời thêm dấu "..." có thể dẫn đến nguy cơ đưa sữa tiệt trùng vào chương trình.

Thứ tư, 10 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm), ngân sách quận đảm bảo kinh phí hỗ trợ nhưng lại không được tổ chức đấu thầu để tăng lựa chọn, giảm rủi ro mà giao hết cho Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bài thầu Sữa học đường Hà Nội hổng từ đầu, Sở Y tế kiểm tra giám sát cách nào? ảnh 5

Vấn đề Sữa học đường Hà Nội không nằm ở đấu thầu, mà ở bài thầu

Với số lượng học sinh mầm non, tiểu học Hà Nội lên tới 1,3 triệu em nằm trong đối tượng thụ hưởng của chương trình Sữa học đường, Hà Nội hoàn toàn có thể chia thành các gói thầu khác nhau;

Làm như vậy vừa tối đa hóa hiệu quả sử dụng ngân sách do có cạnh tranh, vừa giảm thiểu tối đa rủi ro vì độc quyền;

Hơn nữa, cách làm đó còn tạo công ăn việc làm cho các doanh nghiệp sữa vừa và nhỏ cũng như nông dân chăn nuôi bò sữa trên chính địa bàn Thủ đô.

Từ những phân tích trên, chúng tôi xin được nhắc lại rằng, so sánh về giá cả bỏ thầu của các đơn vị chỉ thực sự có ý nghĩa khi thiết lập được một mặt bằng chung về kỹ thuật của sản phẩm Sữa học đường.

Ở đây, tiêu chí quan trọng nhất có thể kiểm chứng và giám sát được, đó chính là năng lực sản xuất sữa tươi nguyên liệu đầu vào theo Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cũng như quy trình sản xuất để đảm bảo chất lượng, an toàn và tính đồng nhất của sản phẩm theo Quyết định 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế.

Nguy cơ đánh tráo sản phẩm Sữa học đường còn hiện hữu, thì việc "tiết kiệm hơn 350 tỷ đồng cho ngân sách" chưa chắc đã phải là cái được, thậm chí có thể là cái mất của Hà Nội.

Cái mất đầu tiên là trẻ em Thủ đô có thể bị tước mất cơ hội được uống sữa tươi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có thể kiểm chứng, để tăng tối đa sức bật chiều cao, thể trạng ở lứa tuổi vàng;

Thứ hai là hiện nay, mất vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đã trở thành vấn nạn nhức nhối.

Nếu cơ quan chức năng không giúp người tiêu dùng có công cụ giám sát, truy nguyên nguồn gốc xuất xứ, thành phần và chất lượng nguyên liệu, sẽ không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ tồn dư lượng kháng sinh hoặc các chất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã cấm sử dụng trong chăn nuôi, có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như dậy thì sớm. 

Bởi nếu không truy nguyên được nguồn gốc sữa bột gầy nhập khẩu, hạn hạn sử dụng của sữa bột ngầy nhập khẩu mà doanh nghiệp sử dụng, cũng như nguyên liệu để chế biến ra sữa bột gầy ấy có bị nhiễm chất cấm hay tồn dư kháng sinh hay không, thì thành phẩm cuối cùng đến tay trẻ em, rất khó biết được.

Điều này đã từng xảy ra năm 2008.

Thứ ba, ngân sách cũng thiệt hại nếu theo đúng cơ chế thị trường, nguyên tắc tiền nào của ấy, Hà Nội còn có thể tiết kiệm nhiều hơn nếu đấu thầu các sản phẩm "sữa tiệt trùng" không phải là sữa tươi, bởi giá thành nguyên liệu đầu vào của "sữa tiệt trùng" từ sữa bột gầy pha lại rẻ hơn khá nhiều. [8]

Còn khi đã lấy tiêu chuẩn sữa tươi làm thước đo, thì giá cả phải tính toán trên cơ sở đầu vào là sữa tươi nguyên liệu chuẩn theo Thông tư 29/2017/TT-BNNPTNT.

Nguồn:

[1]http://laodongthudo.vn/nhan-dien-nhung-han-che-trong-phat-trien-cua-thu-do-84088.html

[2]http://laodongthudo.vn/tich-cuc-phan-bien-xa-hoi-vi-loi-ich-cua-nhan-dan-84064.html

[3]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/920592/-ha-noi-kiem-tra-dinh-ky-va-dot-xuat-viec-sua-uong-hoc-duong

[4]https://tuoitre.vn/su-that-cua-sua-tuoi-nguyen-chat-167011.htm

[5]http://www.nhandan.com.vn/hangthang/doisongxahoi/item/33930702-sua-tiet-trung-het-thoi-nhap-nhem.html

[6]http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Doi-song/104809/ph7847%3Bn-l7899%3Bn-cac-s7843%3Bn-ph7849%3Bm-s7919%3Ba-t432%3B417%3Bi-273%3B7873%3Bu-ch432%3Ba-273%3B7841%3Bt-tieu-chu7849%3Bn

[7]https://tuoitre.vn/phai-cong-bo-san-pham-sua-tuoi-sua-tiet-trung-khong-dung-nhan-mac-177890.htm

[8]https://dantri.com.vn/kinh-doanh/nong-chuyen-sua-hoc-duong-co-can-them-sua-dang-long-khac-20181031160201548.htm

Hồng Thủy