Bê bối thi cử ở Bắc Giang: Có dấu hiệu cố ý làm lộ bí mật Nhà nước

15/06/2012 06:19
Kim Ngân
(GDVN) - Theo luật sư Nguyễn Văn Tú, nếu giáo viên, cán bộ Hội đồng thi THPT Đồi Ngô có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể đối diện với mức án tù đến 7 năm và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ một thời gian tối đa đến 5 năm.
Hàng loạt clip gian lận trong thi cử, phòng thi lộn xộn, học sinh quay cóp tại Hội đồng thi THPT Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang được tung lên mạng. Sở Giáo dục và Công an địa phương đã vào cuộc để tìm ra những sai phạm và những người có liên quan. Công an Bắc Giang cho biết các cán bộ, giáo viên thừa nhận hành vi giải bài, ném phao thi tại THPT Đồi Ngô trong kỳ thi tốt nghiệp.
Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty luật TNHH Fanci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang khẳng định rằng, nếu xét về mặt hình sự thì ở đây có thể có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể đối diện với mức án tù đến 7 năm (khoản 2 điều 264 Bộ luật hình sự) và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ một thời gian tối đa đến 5 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty luật TNHH Fanci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang.
Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty luật TNHH Fanci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang.

HÌNH ẢNH GIAN LẬN THI TỐT NGHIỆP MỚI NHẤT Ở PHÒNG THI THỨ HAI TẠI BẮC GIANG
NHÀ THƠ VŨ QUẦN PHƯƠNG SẴN SÀNG PHÁ RÀO KÉO BỘ TRƯỞNG LUẬN LÊN BỜ


Có dấu hiệu để lộ đề thi quốc gia
Đưa ra ý kiến về vụ việc gian lận trong phòng thi ở THPT Đồi Ngô, luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, clip thể hiện nhiều kỹ năng như quay cóp, gian lận và kỹ năng làm ngơ, bình thản, ngang nhiên ung dung của thầy và trò. 
Đó rõ ràng là hành vi cố tình vi phạm, vi phạm Quy chế thi, vi phạm pháp luật bởi coi thi mà không coi được để thí sinh quay cóp, nhìn bài nhau mà giám thị đâu phải là người khiếm thị hoặc hạn chế về năng lực hành vi?
“Nếu phát hiện có dấu hiệu đưa bài giải từ ngoài vào thì đó có dấu hiệu của tội phạm hình sự. Đề thi cũng như một số thông tin, tài liệu khác của kỳ thi là bí mật quốc gia và nếu sử dụng nó phải theo Quy chế thi. Tức là phải có cơ chế giải mật các tài liệu này. Vậy, để đề thi lộ ra ngoài rồi mang lời giải vào trong phòng thi cho cả thí sinh và giám thị sử dụng như trong clip thì đó là vấn đề nghiêm trọng mang tính chất hình sự chứ không chỉ còn ở mức độ vi phạm Quy chế thi của Bộ GD&ĐT”, luật sư Tú cho hay.
Đánh giá về những sai phạm trong đoạn clip, luật sư nhận định: “Phải nói rằng đó là kỹ năng phối hợp tài tình và tự tin của những nhà quản lý giáo dục cấp thấp với thí sinh cùng dắt tay nhau “bước qua” các quy định khắt khe của Quy chế thi để thầy và trò đều đạt được các lợi ích riêng rẽ của mình. Chẳng lẽ chúng ta lại kết luận rằng trong ba năm học THPT, Trường Đồi Ngô chỉ chuyên tâm đầu tư tâm hàng đầu vào các kỹ năng trên cho cả thầy và trò còn việc dạy và học chỉ là thứ yếu?”
Vậy, xét về mặt luật pháp, những người có liên quan đến vụ bê bối thi cử ở Đồi Ngô, Bắc Giang sẽ bị xử phạt như thế nào?
Bị phạt 7 năm tù hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, luật sư Tú cho rằng về mặt luật pháp, những người có hành vi sai phạm quy chế thi trong đoạn clip sẽ bị xử lý theo ba chế tài đó là xử lý kỷ luật theo các quy định tại Quy chế thi năm 2012 do Bộ giáo dục ban hành; xử phạt vi phạm hành chính và xử lý bằng chế tài hình sự. 
Nghĩa là, tùy thuộc vào hành vi sai phạm của học sinh, giám thị, lãnh đạo Hội đồng thi được thể hiện ở mức độ nghiêm trọng như thế nào thì xử lý theo chế tài đó. Hiện nay, Thanh tra giáo dục và Cơ quan công an cần vào cuộc để điều tra xác minh rõ từng đối tượng nào, thực hiện hành vi ra sao, động cơ mục đích, thái độ… từ đó đối chiếu với pháp luật và Quy chế thi tức khắc có biện pháp xử lý đúng mức!
“Trường hợp này xử lý nặng nhất có thể là xử lý bằng pháp luật hình sự. Ở đây, có dấu hiệu của tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể đối diện với mức án tù đến 7 năm (khoản 2 điều 264 Bộ luật hình sự) và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ một thời gian tối đa đến 5 năm”, luật sư khẳng định.
Thầy Đỗ Việt Khoa (người tố cáo tiêu cực thi cử năm 2006 tại THPT Phú Xuyên A) và thầy N.D.N (giáo viên tại Bắc Giang) là người hướng dẫn học sinh mang bút quay vào phòng thi để ghi lại bằng chứng sai phạm trong thi cử tại trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang và gửi những clip đó cho các Bộ ngành, cơ quan báo chí. Một vấn đề đặt ra là, không phải ai cũng dám dũng cảm đứng ra tố cáo tiêu cực và liệu họ được bảo vệ như thế nào trước pháp luật?
Giải đáp vấn đề này, luật sư Tú cho rằng pháp luật Việt Nam đã có khá nhiều các quy định nằm rải rác ở nhiều văn bản để bảo vệ người làm chứng, người đấu tranh chống tiêu cực và tố giác tội phạm. Và những quy định đó cũng đủ sức răn đe.
"Tuy nhiên, việc thực thi trên thực tế các quy định này hiện nay còn rất hạn chế! Vấn đề còn lại phụ thuộc vào cơ quan và người áp dụng và thực hiện pháp luật sẽ chấp pháp như thế nào mà thôi!”, luật sư Tú cho hay.
Kim Ngân