Bộ bỏ nhiều hồ sơ sổ sách nhưng ban giám hiệu vẫn bắt, giáo viên phải làm sao?

29/11/2020 06:40
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thành thử, “phép vua vẫn thua lệ …trường” và giáo viên vẫn thấy khá áp lực với những đợt kiểm tra, dự giờ và vô vàn những loại hồ sơ sổ sách không tên khác.

Khi được Ban giám hiệu gửi kế hoạch sẽ kiểm tra hồ sơ sổ sách nên một số giáo viên trong trường hỏi cô Phó hiệu trưởng là nộp hồ sơ sổ sách theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT hay như những năm trước đây.

Phó hiệu trưởng nhà trường trả lời là trường thực hiện theo hồ sơ sổ sách của nhà trường chứ không thực hiện hồ sơ sổ sách giáo viên như quy định của Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT mà Bộ mới ban hành.

Phận “lính lác” nên giáo viên chúng tôi phải phục tùng nhưng trong lòng một số thầy cô cảm thấy ấm ức bởi những văn bản của Bộ cứ ra nhưng thực hiện hay không còn do các thành viên của Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo.

Thành thử, “phép vua vẫn thua lệ …trường” và giáo viên vẫn thấy khá áp lực với những đợt kiểm tra, dự giờ và vô vàn những loại hồ sơ sổ sách không tên khác.

Nhiều trường học vẫn quy định thêm các loại hồ sơ sổ sách cho giáo viên (Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn)

Nhiều trường học vẫn quy định thêm các loại hồ sơ sổ sách cho giáo viên

(Ảnh minh họa: Thuvienphapluat.vn)

Kiểm tra hồ sơ sổ sách giáo viên vẫn như trước đây

Dù Bộ đã ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT và hướng dẫn các loại hồ sơ sổ sách cụ thể nhưng giáo viên một số trường học hiện nay vẫn phải nộp những loại hồ sơ sổ sách như sau: giáo án, sổ điểm, sổ theo dõi đánh giá học sinh, kế hoạch giáo dục, phân phối chương trình, sổ hội họp, sổ dự giờ…

Ngoài ra, giáo viên nào nằm trong danh sách kiểm tra chuyên đề của trường còn bị Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn dự giờ đột xuất, không báo trước để đánh giá, xếp loại tiết dạy và kiểm tra thêm sổ ghi chép thiết bị, sổ đăng ký tiết dạy công nghệ thông tin.

Trong khi, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT chỉ quy định giáo viên có các loại sổ như sau: “Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp)”.

Vì thế, một số giáo viên thường đùa với nhau rằng các thành viên trong Ban giám hiệu trường mình lạ thật, bao nhiêu việc lớn lao trong đơn vị không đầu tư lại đi đầu tư cho việc kiểm tra những hồ sơ sổ sách ngoài quy định của Bộ!

Một số thầy cô còn nói với nhau rằng Ban giám hiệu khi đi dạy chỉ cầm cuốn giáo án và sách giáo khoa lên lớp thì không sao nhưng nếu giáo viên lên lớp mà dạy như vậy thì xem chừng lãnh đủ.

Bởi, nếu bất thình lình bị dự giờ đột xuất mà giáo viên không sử dụng đồ dùng dạy học, không cho lớp khởi động thì những tiết dạy đó được đánh giá ở mức khá là may mắn rồi.

Giáo viên chưa kịp ghi vào sổ mượn thiết bị, chưa ghi vào sổ dạy công nghệ thông tin là bị ghi biên bản khi kiểm tra nội bộ và ảnh hưởng đến việc đánh giá, xếp loại cuối năm. Nhưng, Ban giám hiệu đi dạy cả đời chẳng bao giờ ghi thì lại không sao cả!

Giảm hồ sơ sổ sách cho giáo viên mới dừng lại trên…văn bản của Bộ

Thực ra, hiệu quả giảng dạy, hiệu quả công việc của giáo viên dạy lớp không đến từ những loại hồ sơ sổ sách, giấy tờ. Càng đơn giản hóa hồ sơ sổ sách thì càng có lợi cho giáo viên và nhà trường.

Giáo viên thì không phải dành quá nhiều thời gian cho những loại hồ sơ sổ sách vô bổ, họ không bị ức chế mỗi khi kiểm tra, góp ý.

Ban giám hiệu thì quản lý, kiểm tra sẽ nhẹ nhàng hơn bởi suy cho cùng thì cái nào thiết thực, đúng quy định thì làm, cái nào không cần thiết thì bỏ cho giáo viên nhờ.

Chẳng hạn, chuyện giáo viên dạy công nghệ thông tin thì không cần thiết phải ghi sổ theo dõi vì phòng nào cũng có ti vi, giáo viên đem laptop của mình đi dạy thì ghi chép vào sổ thiết bị làm gì cho cực.

Giáo án thì đơn giản hóa đi, kiểm tra, duyệt giáo án qua mail hoặc trên website của nhà trường, điểm số thì kiểm tra qua phần mềm điện tử.

Sổ dự giờ của giáo viên thì không nhất thiết phải ghi chép quá nhiều vì nó không cần thiết mà thực tế thì Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cũng không quy định giáo viên phải có sổ dự giờ.

Giáo viên đi dự chỉ cần ghi những điểm nhấn, những cái chưa được của tiết dạy để rút kinh nghiệm với nhau.

Việc đánh giá, xếp loại tiết dạy của từng giáo viên là công việc của Ban giám hiệu, của tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Đồng nghiệp không chức tước với nhau chỉ nên quy định dự giờ rút kinh nghiệm là đủ.

Khi kiểm tra hồ sơ sổ sách chỉ cần kiểm tra những cái trọng tâm, thiết thực theo quy định hiện hành, không máy móc cái gì cũng ghi biên bản để bắt bẻ, hạch sách giáo viên bởi thực tế có những loại hồ sơ, sổ sách chẳng có tác dụng gì.

Quản lý con người, nhất là đội ngũ thầy cô giáo ngoài những mệnh lệnh hành chính cũng rất cần cách ứng xử nhân văn, tế nhị.

Nhiều thành viên trong Ban giám hiệu và tổ chuyên môn khi kiểm tra hồ sơ sổ sách của giáo viên mà cứ phán như…thánh nên dẫn đến tình trạng giáo viên cũng phải làm đối phó, máy móc theo.

Trong khi Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT đã có hiệu lực, đã quy định rõ từng loại hồ sơ sổ sách cho từng đối tượng giáo viên. Vậy nhưng, xem chừng nó vẫn xa lạ đối với một số nhà trường và giáo viên ở cơ sở.

KIM OANH