Bộ nên đứng ra chủ trì tập huấn 2 môn tích hợp, đừng để giáo viên mất tiền thêm

29/07/2021 09:14
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi cho rằng để tránh tình trạng giáo viên ở các địa phương lo lắng, đăng ký học tập tự phát thì Bộ nên gom về một đầu mối và đứng ra chủ trì công việc này.

Việc Bộ Giáo dục đưa 2 môn tích hợp vào giảng dạy ở lớp 6 từ năm học 2021-2022 tới đây đang khiến nhiều giáo viên băn khoăn về những định hướng của Bộ khi giao quyền chủ động cho các nhà trường phân công và tổ chức bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn cho giáo viên.

Sự băn khoăn lớn hơn khi có một số trường đại học sư phạm thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở với thời gian và chi phí không hề ít chút nào.

Giá 1 chứng chỉ bồi dưỡng từ 3 đến 5,4 triệu đồng quả là rất lớn so với đồng lương giáo viên hiện nay và việc sẽ bố trí học từ 20 đến 36 tín chỉ thì việc giáo viên sắp xếp thời gian học tập vào lúc nào cũng là một thách thức không nhỏ.

Vì thế, chúng tôi cho rằng nếu để giáo viên phải tự bỏ tiền ra để đi học lớp bồi dưỡng chuyên môn để có đủ khả năng dạy cả môn tích hợp sẽ là sự thất vọng lớn cho những thầy cô sẽ dạy 2 môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở trong những năm học tới đây.

Môn Khoa học tự nhiên được dự báo sẽ có nhiều khó khăn hơn Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Môn Khoa học tự nhiên được dự báo sẽ có nhiều khó khăn hơn

Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại

Giáo viên băn khoăn về thông báo chiêu sinh của trường sư phạm

Thời gian gần đây, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết phản ánh tình trạng một số trường sư phạm thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở.

Trên các diễn đàn của các nhóm giáo viên cũng đã có nhiều ý kiến bàn tán, chia sẻ quan điểm về việc dạy 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí trong những năm học tới đây sẽ ra sao khi mà đa phần giáo viên được đào tạo đơn môn thì tới đây sẽ phải dạy cả các phân môn của môn tích hợp.

Nhiều người cho rằng sẽ không quá khó cho giáo viên vì cách thể hiện nội dung trong các môn học tích hợp cũng giống như các môn hiện đã có trong chương trình VNEN mà ngành giáo dục đang triển khai từ nhiều năm nay ở một số nhà trường.

Nhất là khi Bộ ban hành Công văn 2613 hướng dẫn về việc dạy 2 môn tích hợp trong năm học tới đây thì chúng ta thấy nó có phần đơn giản vì Công văn hướng dẫn là: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên”.

Thế nhưng, thực tế thì có lẽ không đơn giản như vậy bởi lúc đầu là như thế nhưng chỉ một vài năm sau thì chắc chắn là giáo viên sẽ “ôm sô” cả môn tích hợp vì cũng tại Công văn 2613 thì Bộ hướng dẫn: “Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”.

Thêm vào đó, là việc một số trường sư phạm đã thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp công khai và những thông tin này đang được chia sẻ ở nhiều trang mạng xã hội của các nhóm giáo viên và ngay cả trang cá nhân của một số chuyên gia là tác giả chương trình, tác giả sách giáo khoa môn tích hợp cũng có.

Nếu giáo viên không học bồi dưỡng thêm về các phân môn còn lại của môn tích hợp thì chắc chắn sẽ khó khăn cho việc giảng dạy, nhất là đối với thầy cô chỉ được đào tạo đơn môn và lâu nay chỉ đảm nhiệm dạy 1 môn học độc lập.

Còn nếu vội vàng đi học khi chưa có kế hoạch cụ thể của nhà trường thì tốn tiền mà việc bố trí thời gian vừa dạy trên lớp vừa học tập dù là trực tiếp hay trực tuyến cũng đều khó khăn, không dễ sắp xếp công việc hàng ngày.

Giáo viên nên chờ sự chỉ đạo từ Bộ và các Sở Giáo dục

Theo thông báo của một số trường sư phạm thì nội dung bồi dưỡng các môn tích hợp ở cấp Trung học cơ sở có khối lượng từ 20-36 tín chỉ.

Và, chắc chắn là khi thông báo khối lượng bồi dưỡng kiến thức như vậy thì những trường sư phạm cũng đã tính toán kỹ khối lượng kiến thức để giáo viên có thể đảm đương dạy được cả môn tích hợp trong tương lai.

Song, theo quan điểm của chúng tôi thì giáo viên dưới cơ sở không nên đi học tự phát mà hãy đợi kế hoạch của Bộ, của Sở và của Ban giám hiệu nhà trường ban hành rồi cả nên quyết định đi học bồi dưỡng nội dung các môn tích hợp.

Vì kế hoạch này thuộc phạm vi của Bộ, Bộ chủ trương “tích hợp” 5 môn độc lập hiện nay thành 2 môn tích hợp trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì cũng đồng nghĩa là lãnh đạo ngành đã tính toán lộ trình, cách thức bồi dưỡng cho giáo viên.

Việc đi học bồi dưỡng môn tích hợp theo kế hoạch của nhà trường sẽ giúp cho giáo viên chủ động được nhiều mặt về thời gian, công việc trường lớp. Điều quan trọng hơn, đó là khi đi học tập trung thì học phí có thể sẽ do đơn vị, địa phương chi trả vì đây là chủ trương lớn của Bộ.

Điều quan trọng nhất là khi đi học theo kế hoạch của nhà trường thì việc giảng dạy trên lớp sẽ được Ban giám hiệu sắp xếp thời khóa biểu cụ thể vào một khoảng thời gian nhất định. Giáo viên không phải bị động giữa lịch học, lịch dạy và mỗi lần như vậy lại phải làm đơn xin phép rất phức tạp.

Bộ nên chủ trì việc bồi dưỡng môn tích hợp cho giáo viên

Chúng tôi cho rằng để tránh tình trạng giáo viên ở các địa phương lo lắng và đăng ký học tập tự phát thì Bộ nên gom về một đầu mối và đứng ra chủ trì công việc này.

Bởi vì, theo kế hoạch của một số trường sư phạm đã thông báo chiêu sinh thì khối lượng bồi dưỡng từ 20 đến 36 tín chỉ nên nó sẽ tương đương với 300 - 540 tiết học- đây là một khối lượng kiến thức rất nhiều và tất nhiên là thời gian học tập cũng rất lớn.

Vì thế, Bộ nên có chủ trương lồng ghép vào chương trình tập huấn trực tuyến mà giáo viên đang tập huấn một khối lượng kiến thức nhất định, một số sẽ bồi dưỡng trực tiếp cho giáo viên. Thời gian bồi dưỡng có thể vào các dịp vừa nghỉ hè hoặc cận năm học mới.

Nội dung kiến thức bồi dưỡng cần chắt lọc, trọng tâm, trọng điểm để giảm áp lực cho giáo viên và cũng là cách để các thầy cô giáo dễ tiếp thu những kiến thức mới, kiến thức khó.

Địa điểm học tập có thể giáo viên từng huyện sẽ tập trung tại một trường trong địa bàn, giảng viên các trường sư phạm sẽ đến đó dạy nhằm hạn chế việc đi lại của đội ngũ nhà giáo.

Kinh phí đào tạo, chi trả cho các trường sư phạm thì Bộ nên có chủ trương để tham mưu với các cơ quan chức năng lấy từ nguồn ngân sách địa phương, của nhà trường.

Nếu để giáo viên phải chi trả tiền học phí cho việc bồi dưỡng 2 môn tích hợp thì sẽ khó nhận được sự đồng thuận từ đội ngũ nhà giáo trên cả nước bởi vì đây là kế hoạch thay đổi về chuyên môn được Bộ xây dựng, triển khai trong nhiều năm qua để 5 môn học độc lập hiện nay thành 2 môn tích hợp trong những năm học tới đây.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH