Bỗng dưng phải nghỉ sau 10 năm dạy học... vì bằng tại chức

03/11/2011 11:38
Thu Giáo
(GDVN) - Nếu cho GV nghỉ mà nói rằng căn cứ vào quy định mới của tỉnh về việc tuyển dụng công chức có bằng đại học chính quy là không đúng.
Có những giáo viên từng dạy học 10 năm theo diện hợp đồng ở TP Nam Định sẽ phải nghỉ dạy với lý do “đã đủ biên chế” và “không thể vượt rào” tuyển người tại chức.

Oan ức quá!

38 giáo viên dạy tiếng Anh tiểu học ở TP Nam Định khiếu nại việc Phòng GD&ĐT thông báo họ phải nghỉ dạy vì bằng tại chức. Điều này gây nên bức xúc trong dư luận của các giáo viên.

Theo phản ánh của các giáo viên tiếng Anh, do nhu cầu cần giáo viên tiếng Anh nên các cô mới được nhận vào dạy. Để có tương lai bền vững, họ đã học 2 năm đại học và nhiều người đã được tuyển vào biên chế.

Với khối tiểu học, đến cuối năm 2008, Sở GD&ĐT có công văn thông báo, những giáo viên tốt nghiệp đại học tại chức phải học thêm một lớp chuẩn hóa từ 8 đến 10 tháng để có Chứng nhận bổ túc kiến thức đạt trình độ đại học chính quy cho cử nhân ngành tiếng Anh sư phạm hệ tại chức.

Giáo viên Nguyễn Thị Thúy, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, TP Nam Định,  cho biết không chỉ cô mà nhiều giáo viên có bằng tốt nghiệp hệ tại chức khác của tỉnh cùng có chung lo lắng không biết ngày nào mình sẽ phải rời trường sau khi tỉnh này nói không với cử nhân hệ tại chức.
Ảnh minh họa: Nếu cho GV nghỉ mà nói rằng căn cứ vào quy định mới của tỉnh về việc tuyển dụng công chức có bằng đại học chính quy là không đúng.
Ảnh minh họa: Nếu cho GV nghỉ mà nói rằng căn cứ vào quy định mới của tỉnh về việc tuyển dụng công chức có bằng đại học chính quy là không đúng.
“Hơn 10 năm gắn bó với nghề, mức lương chưa đến 1 triệu đồng/tháng, nhưng thời gian công tác đã lâu và có nhiều cống hiến cho giáo dục tỉnh nhà, tuổi đời đã nhiều nên giờ nếu không được giảng dạy sẽ đi đâu? làm gì?”, cô giáo Thu Ninh lo lắng.

Cô Thu Hà, nguyên giáo viên Trường tiểu học Trần Phú, TP Nam Định, cho biết: “Tôi đã làm việc trong nghề 13 năm. Thế nhưng, từ tháng 9/2011 tôi đã phải nghỉ dạy. Hiệu trưởng nhà trường nói trường đã có giáo viên biên chế nên không có tiền trả lương cho giáo viên hợp đồng (giáo viên hợp đồng do trường hoặc phòng GD-ĐT quận, huyện trả lương).

Theo giáo viên Phan Thị Nhàn của Trường Nguyễn Trãi,  mấy năm nay, năm nào các giáo viên diện hợp đồng cũng bị dọa “đuổi” để lấy giáo viên có bằng cử nhân chính quy vào biên chế. Năm học 2010 - 2011, các giáo viên hợp đồng của trường dạy tới mấy tháng mới được nhận lương.

Với nhiều năm theo nghề, các giáo viên nói việc mất việc chỉ vì tấm bằng tại chức là quá oan ức.

Không thể vượt rào vì quy định?


Ông Trần Tất Tiệp, giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định giải thích: “Việc tuyển một số giáo viên học hệ tại chức trước đây vào biên chế là vấn đề lịch sử để lại. Sở dĩ những giáo viên trên vẫn chỉ là giáo viên hợp đồng vì trước đây không đạt yêu cầu trong các kỳ tuyển công chức.

Sau khi có nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định (nghị quyết 08), chúng tôi không được phép tuyển công chức vào các ban, ngành nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng là những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ tại chức... nên chúng tôi không thể vượt rào”.

“Hơn nữa, hiện nay tại thành phố Nam Định không còn biên chế cho giáo viên tiếng Anh nữa. Nguồn giáo viên tiếng Anh đã đáp ứng cả yêu cầu về số lượng và chất lượng, do chủ trương ưu tiên tuyển giáo viên tốt nghiệp chính quy”, ông Tiệp nói thêm.

Mặc dù vậy, ông Tiệp lại nói đến thời điểm này, chưa có quyết định chính thức nào về việc “giáo viên phải nghỉ dạy”. Theo ông Tiệp, sắp tới UBND tỉnh Nam Định sẽ tổ chức họp để thảo luận về trường hợp của những giáo viên dạy tiếng Anh hợp đồng từ thời gian trước khi có quyết định 08 để tìm cách tháo gỡ, sao cho không vi phạm chủ trương nhưng cũng không để các giáo viên đã gắn bó lâu năm với nghề phải ra khỏi ngành.

Ông Tiệp chia sẻ: Sở Nội vụ sẽ đề xuất hướng giải quyết là để cho các cô giáo trong diện trên được hưởng hỗ trợ như đối với giáo viên mầm non của diện hợp đồng hiện nay, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mức lương tối thiểu.
Ảnh: Tuổi Trẻ
Ảnh: Tuổi Trẻ


Hệ lụy từ việc "nói không" với dân lập, tại chức trong tuyển công chức

Trên báo Tuổi trẻ, luật sư Bùi Quang Nghiêm, đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, nếu cho giáo viên nghỉ mà nói rằng căn cứ vào quy định mới của UBND tỉnh về việc tuyển dụng công chức có bằng đại học chính quy là không đúng.

“Nếu Quy định của UBND tỉnh chỉ có giá trị đối với việc thi tuyển hiện nay, trong tuyển dụng những công chức sắp vào cơ quan nhà nước, không có giá trị áp dụng hồi tố trong trường hợp đã được tuyển dụng trước kia”, ông Nghiêm nói.

Cũng theo luật sư Nghiêm, mối quan hệ giữa giáo viên với nhà trường cần căn cứ vào hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên hoặc các quyết định về tuyển dụng viên chức. Nếu giáo viên ký hợp đồng có thời hạn với nhà trường, mà đến nay thời hạn của hợp đồng đã hết, trùng với thời điểm có chủ trương của tỉnh, việc nhà trường không tiếp tục ký lại hợp đồng mới với các giáo viên này là không sai luật.

Còn đối với các giáo viên đang có hợp đồng dài hạn, nhà trường không thể căn cứ vào quy định này để chấm dứt hợp đồng với giáo viên. Vấn đề tuyển dụng giáo viên không có bằng chính quy đã có quá trình lịch sử từ trước. Nếu có quy định về chuẩn giáo viên, nhà trường cho kiểm tra lại trình độ, năng lực của giáo viên mà những giáo viên nào không đạt trình độ, tiêu chuẩn để giảng dạy thì phải cho nghỉ, điều đó là hợp lý.

Còn khi các giáo viên tự học, tự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm đảm bảo năng lực trình độ giảng dạy, không có vi phạm gì mà căn cứ quy định không tuyển người không tốt nghiệp chính quy để sa thải họ là trái luật.

Trên báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc sở GD&ĐT Nam Định xác nhận thông tin về việc 38 giáo viên có nguy cơ bị đuổi việc. Nhưng vì đã phân cấp nên việc có cho nghỉ việc những giáo viên này hay không do Phòng Giáo dục và UBND TP Nam Định quyết định.

Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND TP Nam Định, cũng khẳng định việc gần 40 giáo viên tiếng Anh tiểu học của TP dạy hợp đồng hơn 10 năm nay và có nguy cơ phải ngừng dạy học là đúng sự thật. “UBND TP đã đề nghị UBND tỉnh có biện pháp xử lý để các giáo viên này đỡ bị thiệt thòi”, ông Nghị nói.

Nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên xuất phát từ việc Sở Nội vụ tỉnh Nam Định ngày 26/8 ra thông báo một số nội dung về tuyển dụng công chức năm 2011, trong đó đưa ra điều kiện không xét tuyển biên chế đối với sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức, các trường ngoài công lập.
Thu Giáo