Bước phát triển mới của phong trào thi đua, công tác khen thưởng ngành Giáo dục

24/09/2020 06:20
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 23/9, những gương mặt điển hình, xuất sắc của ngành Giáo dục cùng tụ hội tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII năm 2020 diễn ra tại Hà Nội.

Đại biểu chính thức tham dự Đại hội gồm khoảng 400 người; trong đó có các tập thể và cá nhân đang được đề nghị danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; các chiến sĩ thi đua toàn quốc giai đoạn 2016 – 2020; các nhà giáo nhân dân được phong tặng năm 2017; đại diện tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; học sinh đoạt huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế các môn văn hóa năm 2020; sinh viên nghiên cứu khoa học đoạt giải nhất năm 2019.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu dự lễ chào cờ (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu dự lễ chào cờ (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VII diễn ra ngày 23/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Giáo dục, khẳng định: Việc tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần này là dấu mốc quan trọng khẳng định bước phát triển mới của phong trào thi đua, công tác khen thưởng trong ngành Giáo dục.

Theo Bộ trưởng, Đại hội diễn ra trong không khí cả nước thi đua, lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đây là sự kiện chính trị quan trọng, khẳng định sự phát triển của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng trong 5 năm qua, là ngày hội tôn vinh những điển hình tiên tiến, tấm gương người tốt, việc tốt trong toàn ngành Giáo dục.

Việc tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần này là dấu mốc quan trọng khẳng định bước phát triển mới của phong trào thi đua và công tác khen thưởng; thể hiện sự tiếp nối, phát huy những truyền thống tốt đẹp và những thành tích, kết quả đã đạt được trong những năm qua.

Với nội dung trọng tâm là tổng kết công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua 5 năm qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Đại hội có nhiệm vụ đánh giá những kết quả đã đạt được; nhận diện những hạn chế, tồn tại; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thi đua, khen thưởng và phong trào thi đua trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các thứ trưởng dự lễ chào cờ (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng các thứ trưởng dự lễ chào cờ (ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đồng thời, từ Đại hội, xác định những bài học kinh nghiệm quý báu, những cách làm hay để áp dụng rộng rãi, tiếp tục làm cho phong trào thi đua của ngành Giáo dục ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu; thực sự là động lực thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo nói riêng.

Đại hội cũng là dịp để tôn vinh, biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, cơ sở giáo dục của cả nước trong 5 năm qua; qua đó khơi dậy và tạo động lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Các phong trào thi đua đã đi vào chiều sâu

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", thời gian qua, toàn ngành Giáo dục đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng; tích cực triển khai thực hiện các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động phát động và tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua của ngành nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 29/NQ-TW của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo. Các phong trào thi đua phát triển theo chiều sâu, gắn chặt với các hoạt động của ngành và đã trở thành hoạt động thiết thực, thường xuyên trong các cơ sở giáo dục và trong toàn ngành.

Cùng với phong trào thi đua “Dạy tốt, Học tốt”, giai đoạn 2016 - 2020, ngành Giáo dục phát động và triển khai phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Trong 5 năm qua, các nhà trường đã chủ động đổi mới phương pháp giáo dục, có nhiều hoạt động cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hoạt động của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên và học sinh, sinh viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Nhiều mô hình, sáng kiến trong dạy và học đã được các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên.

Nội dung “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học” được các cơ sở giáo dục cụ thể hóa phù hợp với các cấp học, bậc học, ngành học với phương châm mỗi giờ lên lớp là một bước tiến trong giảng dạy, mỗi ngày tới trường đều nỗ lực đổi mới, cải tiến trong công việc và nhà giáo cùng nhau phát triển.

“Tôi biểu dương những thầy giáo, cô giáo tham gia Chương trình “Thầy cô - chúng ta đã thay đổi” vì một trường học hạnh phúc. Việc phối hợp với các cơ quan báo, đài tổ chức một số chương trình, chuyên mục có tác dụng tốt, thực hiện hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong thời gian qua như: “Việc tử tế”, “Cùng em đến trường”, “Một giờ đường dây nóng bảo vệ trẻ em” cần tiếp tục được nhân rộng.

Các nỗ lực trên của các cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên cả nước đã và đang góp phần làm nên những kết quả đáng tự hào của ngành Giáo dục thời gian qua” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.

Một số kết quả công tác khen thưởng giai đoạn 2016 – 2020:

Khen thưởng thường xuyên theo năm học: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng bằng khen cho 2.839 lượt tập thể, 6.331 lượt cá nhân khối các sở Giáo dục và Đào tạo; 1.200 lượt tập thể, 3.567 lượt cá nhân khối các trường thuộc, trực thuộc Bộ; xét tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp Bộ cho 718 lượt cá nhân; tặng Cờ thi đua đua của Bộ cho 1.317 lượt tập thể.

Khen thưởng chuyên đề, khen thưởng cống hiến: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng bằng khen cho 1.736 tập thể, 13.263 cá nhân (trong đó khen thưởng cho học sinh, sinh viên giỏi quốc gia, quốc tế là 5.252 em); tặng bằng khen cho 285 cá nhân có thành tích đóng góp xây dựng đơn vị, góp phần vào sự nghiệp phát triển Giáo dục và Đào tạo nước nhà.

Khen thưởng đột xuất: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng bằng khen đột xuất cho 1 tập thể và 51 cá nhân; đã trình Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú: Lần xét tặng thứ 14 năm 2017, Chủ tịch nước đã phong tặng danh hiệu cho 64 nhà giáo nhân dân và 748 danh hiệu nhà giáo ưu tú. Lần xét tặng thứ 15 năm 2020, đã có 997 hồ sơ trình Hội đồng cấp nhà nước xét tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú.

Đề nghị xét khen thưởng bậc cao: Từ sau Đại hội thi đua yêu nước ngành Giáo dục năm 2015 đến ngày 22/7/2020, tổng hợp báo cáo của 45 sở Giáo dục và Đào tạo và 70 cơ sở giáo dục đại học, toàn ngành đã có 3 tập thể, 7 cá nhân được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 61 nhà giáo được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn quốc. Được Chủ tịch nước tặng thưởng 18 Huân chương Độc lập cho các tập thể, 3 Huân chương Độc lập cho các cá nhân.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho 88 cá nhân là người nước ngoài đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Thùy Linh